Đề xuất giám đốc công an cấp tỉnh loại I có cấp bậc cao nhất là Thiếu tướng

10:05, 16/05/2018
.

Ngày 16-5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc. Trước đó, các đại biểu đã cho ý kiến về dự án Luật Công an nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến Luật Quy hoạch.
 
UBTVQH đánh giá việc sửa đổi Luật Công an nhân dân là cần thiết, cấp bách nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn Công an nhân dân trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật...; sắp xếp tổ chức bộ máy Công an phù hợp, đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở", làm cơ sở cho việc điều chỉnh, sắp xếp, bố trí lực lượng. 
 
Song theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, ngoài nội dung trên, cử tri kỳ vọng sửa luật phải có chế tài ngăn chặn một số biểu hiện tiêu cực trong ngành Công an, điển hình là tình trạng núp vỏ bọc an ninh để làm kinh tế.
 
 
Về việc dự thảo đề xuất quy định giám đốc công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương loại I có cấp bậc cao nhất là thiếu tướng, bà Lê Thị Nga cho rằng, qua tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc bổ nhiệm quá nhiều cấp tướng. Bộ Công an cần giải thích có phải tiêu chuẩn phong cấp tướng rộng quá không?
 
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, một số tỉnh có biên giới trên biển như Quảng Ninh, rộng lớn như Thanh Hóa, hay tấp nập như Đà Nẵng, giám đốc công an có mấy nghìn quân mà chỉ là đại tá; một cục trưởng ở bộ chỉ 100-200 quân thì có thể lên đến cấp trung tướng. Giờ muốn thay đổi trong lĩnh vực này, phải có đánh giá tổng kết cụ thể.
 
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến Luật Quy hoạch bao gồm 14 điều. Trong đó có 13 điều quy định việc sửa đổi 13 luật (gồm Luật Hóa chất; Luật Điện lực; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; Luật An toàn thực phẩm; Luật Dược; Luật Công chứng; Luật Trẻ em; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Khoa học công nghệ; Luật Xây dựng; Luật Quy hoạch đô thị) và 1 điều về quy định hiệu lực thi hành luật.
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc sửa đồng thời 13 luật để có hiệu lực cùng với Luật Quy hoạch từ ngày 1-1-2019 là cần thiết, tránh tạo ra khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành. Việc này cũng góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và bảo đảm nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
 
Dù còn một số yêu cầu đặt ra, song UBTVQH cơ bản tán thành với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành dự án luật và nhất trí để Chính phủ xem xét, bổ sung, trình dự án luật ra Quốc hội tại kỳ họp thứ năm và thông qua theo quy trình rút gọn trong một kỳ họp.
 
Hà Phong/Hà Nội mới

.