Mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND: Cần có quyết tâm chính trị cao

02:11, 13/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện, là một trong những nội dung được đề cập trong Nghị quyết 18 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” vừa được ban hành ngày 25.10 vừa qua. Đây là giải pháp thu gọn tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả mô hình này cần phải có quyết tâm chính trị cao.

Năm 2009, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị (khóa X) thực hiện mô hình “Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã”, tỉnh ta đã chọn 5 xã là Phổ An (Đức Phổ), Nghĩa Thương (Tư Nghĩa), Ba Điền (Ba Tơ), Bình Phú (Bình Sơn) và thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) để thực hiện thí điểm.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, các xã thí điểm mô hình này không còn thực hiện và chỉ có huyện Nghĩa Hành đang thực hiện mô hình “Bí thư đồng thời là Chủ tịch huyện”. Dù mô hình hiện nay không còn thực hiện ở cấp xã, song qua đánh giá của nhiều cấp ủy trong nhiệm kỳ trước, đây là mô hình phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhất là trong bối cảnh cần sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tạo sự đồng bộ, thống nhất, kịp thời trong chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cấp cơ sở, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Từ đó, tạo sự thống nhất giữa việc ban hành nghị quyết của cấp ủy với tổ chức thực hiện nghị quyết của chính quyền, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đảng ở địa phương.

Hội nghị Trung ương 6 được xem là có nhiều đột phá trong bộ máy và công tác cán bộ, đề cập nhiều vấn đề quan trọng và bao quát trên diện rộng, góp phần điều chỉnh cả suy nghĩ, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong đó, đột phá nhất là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức trong hệ thống chính trị để một đầu mối có thể đảm nhiệm nhiều việc, một việc do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giảm tỷ lệ người phục vụ.

Việc thực hiện mô hình “Bí thư huyện cũng đồng thời là Chủ tịch UBND huyện” không những gọn về chức danh, mà còn làm cho hoạt động của bộ máy hiệu quả, nhanh gọn, quyết liệt hơn, phục vụ nhân dân được tốt hơn. Tuy nhiên, mô hình này chỉ thực hiện ở những địa phương có đủ điều kiện. Điều kiện ở đây chính là sự đồng thuận và nhất trí cao trong cấp uỷ và chính quyền, trong đội ngũ cán bộ, trong đó yếu tố cốt lõi là con người. Bởi Bí thư kiêm Chủ tịch UBND thì công việc rất nhiều, đòi hỏi người đứng đầu phải có đủ năng lực thực hiện, có đạo đức thì mới vận hành bộ máy thông suốt, hiệu quả. Nếu chọn người không có chuyên môn, thực tiễn, không có đạo đức thì rất nguy hiểm. Khi ấy, việc trao quá nhiều trọng trách cho một người sẽ là sức nặng, khiến công việc không trôi chảy. Việc này dễ dẫn đến sai lầm, dễ mất cán bộ, gây tác hại cho xã hội.

Việc thí điểm mô hình “Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở cấp huyện, xã” là vấn đề mới, là việc làm cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, để phát triển mô hình đòi hỏi các cấp ủy, nhất là cấp cơ sở phải quan tâm xây dựng đồng bộ các giải pháp. Từ đó, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Thanh Thuận
 


.