45 năm Giải phóng Ba Tơ (30.10.1972 - 30.10.2017):
Bản hùng ca vang mãi – Kỳ 3

02:11, 01/11/2017
.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 3: Dấu son về nghệ thuật quân sự

Hơn 45 năm qua, giải phóng Ba Tơ đã đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta với những giá trị to lớn, là một dấu son của nghệ thuật quân sự Việt Nam.



Trong giáo án của các trường quân sự, chiến dịch đánh chiếm Ba Tơ như một trận đánh điển hình để minh chứng cho bài học về nghệ thuật tác chiến, cũng như tình nghĩa quân dân son sắt.
 

Giải phóng Ba Tơ là chiến công vang dội, góp phần đánh bại âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, là thắng lợi chung của cả Quảng Ngãi và toàn miền Nam, có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Đây là huyện được giải phóng đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi, nối vùng giải phóng Quảng Ngãi với các tỉnh trong Quân khu 5, tạo thế mạnh của vùng hậu cứ; là nơi xuất quân cho chiến dịch giải phóng huyện Minh Long (tháng 8.1974), tiêu diệt cứ điểm Giá Vực (tháng 9.1974), góp phần giải phóng Quảng Ngãi (tháng 3.1975) và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng vào ngày 30.4.1975...
(Trích Lịch sử Đảng bộ huyện Ba Tơ).

Giá trị lớn về nghệ thuật quân sự

Đại tá, GS.TS Lương Minh Cao (nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 52 trong chiến dịch giải phóng Ba Tơ), từng có thời gian dài tham gia giảng dạy và giữ chức Trưởng phòng Khoa học Quân sự tại Học viện Lục quân Đà Lạt. Trong những tháng ngày tham gia chiến đấu, ông đã đúc kết được nhiều bài học về nghệ thuật quân sự từ chiến thắng Ba Tơ.

GS.TS Lương Minh Cao cho rằng, việc đánh chiếm, giải phóng Ba Tơ đã khó, nhưng giữ vững được Ba Tơ sau đó càng khó hơn. Trong lịch sử quân đội Việt Nam, chưa bao giờ và ở đâu lại có đơn vị phải phòng ngự dài ngày đến thế.

Ngày 30.10.1972, vừa giải phóng Ba Tơ, Trung đoàn 52 (sau này phát triển thành Lữ đoàn 52) đã phải điều chỉnh ngay đội hình, từ đội hình tiến công sang phòng ngự và giữ vững Ba Tơ cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30.4.1975).

“Để đánh chiếm và giữ được Ba Tơ, Trung đoàn 52 cùng với quân và dân Ba Tơ đã phải kiên cường, bất khuất, chịu đựng hàng nghìn tấn bom, đạn để đập tan tất cả những đợt phản kích của địch”, đại tá Lương Minh Cao, nhớ lại.

Phân tích chiến dịch giải phóng Ba Tơ, đại tá Lương Minh Cao cho rằng, sự linh hoạt trong sử dụng chiến thuật của quân đội ta đã dẫn đến thắng lợi cuối cùng. Đó là tất yếu. Bởi lẽ, trước khi vào chiến dịch, Quân khu 5 đã có thời gian dài nghiên cứu, nắm tình hình di chuyển, hoạt động của địch. Sau khi giải phóng quận lỵ Ba Tơ, Trung đoàn 52 quyết định tiến công căn cứ quân sự Đá Bàn của địch. Nhưng cả hai lần đều không thành, vì cơ sở của địch quá kiên cố, 14 hàng rào dày đặc kết hợp mìn các loại, làm cho ta không thể mở được cửa đột phá.

Thiếu nhi Ba Tơ cùng nhau hành trình về các “địa chỉ đỏ” của quê hương.                                                                                                                                                                                         Ảnh: T.L.
Thiếu nhi Ba Tơ cùng nhau hành trình về các “địa chỉ đỏ” của quê hương. Ảnh: T.L.


Trước tình hình đó, quân ta buộc phải chuyển từ “tiến công trực diện” sang chiến thuật “vây lấn”, đánh chắc, thắng chắc. Bị mất quận lỵ Ba Tơ, địch mở chiến dịch “hỏa sơn”, dùng máy bay với số lượng lớn và có cả B52 ném bom đánh phá rất dữ dội xuống khu vực mà ta đã giải phóng. “Trong những ngày bom đạn địch bao trùm khắp nơi và diễn ra ác liệt, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 52 vẫn giữ vững về mặt tư tưởng; được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời nên đã bình tĩnh, chủ động đánh chặn tất cả các mũi tấn công của địch, giữ vững trận địa”, đại tá Lương Minh Cao kể.


Theo đại tá Lương Minh Cao, chiến dịch giải phóng Ba Tơ còn ghi đậm dấu ấn của nghệ thuật phối hợp tác chiến. Trong chiến đấu, bộ đội chủ lực, cùng với bộ đội địa phương và du kích Ba Tơ, kết hợp với các “đội công tác” luôn trao đổi tình hình, cùng nhau bàn bạc và phối hợp tác chiến chặt chẽ, với quyết tâm đã đánh thì phải thắng, hạn chế tổn hao lực lượng. Sơ đồ quận lỵ Ba Tơ và nơi bố phòng chi tiết của địch trong quận lỵ mà Trung đoàn 52 nhận được cũng là nhờ một người lính bảo an gửi ra. Hay như súng cối, đạn dược cũng đã được người lính Trung đoàn 52 dành tặng bộ đội địa phương, để cùng nhau tác chiến.

Đặc biệt, khi xung trận, các mũi tấn công đều có du kích dẫn đường và tham gia tác chiến, giúp Trung đoàn 52 làm nên những chiến thắng vang dội ở chiến dịch này. Mùa mưa, nước sông dâng cao, được tin bộ đội địa phương thiếu lương thực, mặc dù Trung đoàn 52 cũng rơi vào tình cảnh tương tự, nhưng cũng đã san sẻ lương thực, “no đói có nhau” cùng bộ đội và du kích địa phương, để vững bước trên chặng đường giải phóng quê hương.
 

“Chiến dịch giải phóng Ba Tơ ghi đậm dấu ấn của nghệ thuật phối hợp tác chiến. Trong chiến đấu, bộ đội chủ lực, cùng với bộ đội địa phương và du kích Ba Tơ, kết hợp với các “đội công tác” luôn trao đổi tình hình, cùng nhau bàn bạc và phối hợp tác chiến chặt chẽ, với quyết tâm đã đánh thì phải thắng, hạn chế tổn hao lực lượng”.
Đại tá, GS.TS LƯƠNG MINH CAO
 

Sức mạnh của đoàn kết

Là người con của núi rừng Ba Tơ, ông Phạm Đức Trinh (96 tuổi) ở xã Ba Chùa, nguyên Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời huyện Ba Tơ từ 1970 - 1972, đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của quê hương, từ cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (1945) đến ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng (1972).

Qua nhiều cuộc trò chuyện, ông vẫn luôn khẳng định, Ba Tơ được giải phóng là tiêu biểu cho ý chí cách mạng tiến công, chọn đúng thời cơ, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, có một quyết tâm sắt đá, không sợ hy sinh gian khổ, với lời thề “Hy sinh vì Tổ quốc”. Đảng bộ Ba Tơ đã đoàn kết trên dưới một lòng, tổ chức và lãnh đạo quần chúng giác ngộ, đứng lên đấu tranh giành thắng lợi.  

Còn ông Vũ Tùng Vi, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Tơ phụ trách phía trước trong chiến dịch giải phóng Ba Tơ thì cho rằng: Giải phóng Ba Tơ còn đánh dấu thực lực cách mạng đã vững vàng, thời cơ cách mạng đã đến, nắm chắc bạo lực cách mạng của quần chúng, sử dụng và kết hợp chặt chẽ chiến lược “2 chân, 3 mũi giáp công”. Trong đó “2 chân” là quân sự và chính trị; còn “3 mũi giáp công” gồm: Đấu tranh chính trị, binh vận và đấu tranh vũ trang.

“Giải phóng Ba Tơ đã cho ta bài học về đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích, xây dựng lực lượng, với phương châm lấy nhỏ đánh lớn, lấy yếu đánh mạnh, khi có thời cơ thì phối hợp lực lượng quyết đánh và quyết thắng. Với phương châm chiến đấu đó đòi hỏi phải có sự đoàn kết trong Đảng, trong lực lượng vũ trang, du kích địa phương và lòng dân, và chúng ta đã làm tốt được điều đó”, ông Vi chia sẻ.

Sau ngày quê hương được giải phóng, bài học về sự đoàn kết vẫn luôn được cấp ủy, chính quyền và người dân Ba Tơ phát huy. Những thành quả kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và công tác xây dựng Đảng mà Ba Tơ đạt được trong 45 năm qua đã minh chứng cho điều đó.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ba Tơ Đinh Ngọc Vỹ, giải phóng Ba Tơ đã đi vào lịch sử và trở thành biểu tượng sinh động về tinh thần đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Ba Tơ dưới sự lãnh đạo của Đảng.

"45 năm đã qua, nhưng khí thế sôi sục cách mạng của những ngày giải phóng Ba Tơ và những tấm gương chiến đấu cao cả “Hy sinh vì Tổ quốc, quyết giải phóng Ba Tơ” của đồng chí, đồng bào vẫn mãi là ngọn đèn chiếu sáng trên con đường cách mạng hôm nay và mãi về sau, tiếp thêm sức mạnh cho Ba Tơ vững bước tiến lên trong chặng đường mới", Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ba Tơ Đinh Ngọc Vỹ nhấn mạnh.


Bài, ảnh: NG.TRIỀU - L.ĐỨC - X.THIÊN
 
 


.