Niềm tin và kỳ vọng

10:10, 25/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)-  Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 là sự kiện chính trị trọng đại được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh quan tâm, theo dõi và đặt nhiều kỳ vọng với niềm tin về một giai đoạn đột phá phát triển của tỉnh nhà. Dưới đây là những chia sẻ được PV.Báo Quảng Ngãi ghi lại trước thềm Đại hội.

Bác Trần Cao Minh (86 tuổi) - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi:

Chúng tôi vô cùng phấn khởi trước những thành tựu kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng và công tác xây dựng Đảng mà tỉnh nhà đạt được trong 5 năm qua. Đồng thời, tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển mới của tỉnh trong giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tôi mong rằng, cán bộ, đảng viên phải biết lắng nghe, sâu sát cơ sở để phục vụ nhân dân tốt hơn; lắng nghe để tự điều chỉnh mình, đổi mới phương thức lãnh đạo. Đặc biệt là phải có giải pháp hữu hiệu hơn để khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên nhằm tạo niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Tôi mong rằng, Đại hội lần này sẽ sáng suốt lựa chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đức, có tài, có tinh thần đổi mới, tích cực, mạnh mẽ hơn nữa để phục vụ sự nghiệp của Đảng, góp phần vào sự phát triển của tỉnh nhà trong những năm đến.

 

Ông Lê Văn Đường, tổ dân phố Gò Dép, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà):

Những năm qua, Trung ương, tỉnh đã dành sự quan tâm rất lớn cho miền núi và đã mang lại thành tựu đáng kể trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Để giúp đồng bào miền núi phát triển hơn nữa, trong nhiệm kỳ đến, tôi mong tỉnh cần có thêm nhiều chính sách ưu tiên đầu tư cho miền núi.

Trong đó, chú trọng phát triển hạ tầng giao thông; quan tâm phát triển nguồn nhân lực là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Bởi có nâng cao trình độ dân trí thì người dân mới tiếp cận được những tiến bộ của khoa học, từ đó xóa bỏ các tập tục lạc hậu và áp dụng những tiến bộ của khoa học vào sản xuất. Tỉnh cũng cần chỉ đạo ngành y tế nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh cho người dân, nhất là tăng cường y, bác sĩ giỏi về khu vực miền núi công tác. Tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ các huyện xây dựng đề án gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, tránh tình trạng bị mai một.

 

Thạc sĩ Trần Công Lượng - Giảng viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng:

Trong 5 năm qua, Đảng bộ, quân và dân tỉnh ta đã nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội  Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề  để đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Đây là cơ sở thực tiễn để nhân dân trong tỉnh nói chung và giới trí thức nói riêng tin tưởng vào tính khoa học và cách mạng của Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX sắp tới.

Qua Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, chúng tôi rất quan tâm đến nhiệm vụ chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó lĩnh vực có tính đòn bẩy để đột phá phát triển là nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị và sản xuất kinh doanh. Đây là hai lĩnh vực quan trọng, tác động và quyết định cho các lĩnh vực khác phát triển. Tôi rất đồng tình và cũng mong muốn, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX sắp đến nhanh chóng đi vào cuộc sống, để tận dụng được nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của tỉnh nhà trong thời gian đến.

 

*Công nhân Lê Đức Thọ - Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn:

Thời gian qua, tỉnh ta có những chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động trong tỉnh. Tuy nhiên, nhìn chung điều kiện làm việc, thu nhập của phần lớn công nhân, người lao động ở nhà máy, xí nghiệp trong tỉnh vẫn còn khó khăn. Tôi mong muốn, trong những năm đến, bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, tỉnh cũng cần quan tâm đến điều kiện làm việc, nhu cầu vui chơi, giải trí của công nhân.

 Đặc biệt, xây dựng nhà trẻ, trường học ở các khu công nghiệp, khu kinh tế... để công nhân có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con cái thuận lợi, giúp họ yên tâm làm việc. Các cấp công đoàn cũng cần quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của người lao động về điều kiện làm việc, chế độ chính sách và thu nhập chính đáng của công nhân, để họ cải thiện đời sống.
 
 

*Nông dân Nguyễn Hóa, thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Tây, TP. Quảng Ngãi:

Với những người nông dân như chúng tôi thì giá cả, dịch bệnh, nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm nông - lâm- ngư nghiệp luôn là sự quan tâm thường trực. Do vậy, để người nông dân bớt khó khăn và ổn định cuộc sống với ruộng vườn thì thời gian đến, tỉnh cần có cơ chế về dự báo thị trường, thời tiết, dịch bệnh… để nông dân chủ động và yên tâm sản xuất. Nhà nước cần có chính sách để giải quyết đầu ra cho sản phẩm một cách ổn định.

 Mô hình liên kết “4 nhà” cần tiếp tục được quan tâm hơn. Tỉnh nên có cơ chế giúp nông dân tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn vay ưu đãi, để nông dân có điều kiện mở rộng sản xuất. Để đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh cần thực hiện mạnh công tác dồn điền đổi thửa trong thời gian đến.

 

*Ngư dân Phạm Hồng Hai, xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi):

Nhờ các chính sách của Đảng và Nhà nước mà đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân các xã ven biển, hải đảo của tỉnh đã được nâng lên đáng kể. Trong thời gian đến, chúng tôi mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng các công trình nước sạch sinh hoạt, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ở các vùng ven biển; nạo vét các cửa sông, cửa biển để tàu thuyền của bà con ngư dân ra vào thuận lợi. Tỉnh cũng cần quan tâm đầu tư xây dựng các cơ sở hậu cần phục vụ nghề cá.

Đặc biệt, tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp, chúng tôi đề nghị Đảng, Nhà nước, tỉnh cần có sự can thiệp việc tàu thuyền nước ngoài xâm lấn vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, đe dọa ngư dân Quảng Ngãi khi đánh bắt hợp pháp trên vùng biển thuộc Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Có như vậy, ngư dân mới yên tâm bám biển làm ăn, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

*Sinh viên Bùi Mạnh Biển (năm thứ tư ngành Tài chính - Ngân hàng, Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH Tài chính – Kế toán).

Gần đây, tình trạng sinh viên ra trường không có công ăn việc làm với số lượng lớn, khiến chúng tôi rất lo lắng. Vì vậy, có một việc làm ổn định, phù hợp với chuyên môn được đào tạo, đặc biệt là được làm việc tại địa phương luôn là mong mỏi lớn nhất của chúng tôi.

Trong những năm đến, tỉnh ta đang mở rộng các khu kinh tế, khu công nghiệp nhằm thu hút đầu tư, do đó, chúng tôi mong muốn được quan tâm, tạo điều kiện để có việc làm ổn định tại quê nhà, để có điều kiện nuôi sống bản thân, gia đình và cống hiến tài năng, trí tuệ và tâm huyết của tuổi trẻ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. Tỉnh cũng cần tạo điều kiện để những cử nhân, kỹ sư ra trường được tham gia phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới hiện nay.
 

X. THIÊN (ghi)
 


.