Tám mươi lăm năm tuổi Đảng

09:02, 03/02/2015
.

*TRẦN ĐĂNG


(Baoquangngai.vn)- Mùa xuân này, Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 85 tuổi, bà thì vừa qua ngưỡng “bách niên”, và cũng vừa tròn 85 năm tuổi Đảng. Hẳn bà chưa phải là người duy nhất ở Việt Nam hiện nay có từng ấy tuổi Đảng, nhưng điều này thì chắc không ai có được: Bà vẫn viết sách và làm thơ như không hề biết tuổi già đã và đang gõ cửa đời mình. Bà là Phạm Thị Trinh, vợ của tướng Nguyễn Chánh-thủ lĩnh của Đội du kích Ba Tơ từ 70 năm trước.

TIN LIÊN QUAN

Luồn sâu trong một ngõ nhỏ ở phường Khương Trung quận Thanh Xuân, Hà Nội, ngôi nhà “khiêm nhường”-nơi bà trú ngụ gần 45 năm qua đã hiện lên với tất cả sự thanh bần của nó. Thấy khách có vẻ ngạc nhiên cho gia cảnh của một vị lão thành cách mạng, lại là phu nhân của một trong những vị tướng thao lược nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam, bà hóm hỉnh: “Ngày mới dọn về đây, đêm đêm còn nghe “nhạc” của ễnh ương nữa kìa. Nhưng đó lại là không gian thích hợp với những người như bác đấy. Ở giữa thủ đô mà lòng cứ hướng về sông Trà cháu à”.

 

Cụ bà Pham Thị Trinh
Cụ bà Pham Thị Trinh

 

Biết tôi qua một bài báo viết về chồng bà cách đây đã lâu, lại là người cùng làng, bà xem tôi như con cháu trong nhà nên vào đề luôn: “Cháu ra Hà Nội có việc gì?”. Tôi thưa: “Cháu viết về bác, về 85 năm tuổi Đảng của bác!”. Bà cười ấm áp: “Bác cũng chỉ là một trong hàng triệu đảng viên của Đảng, có gì phải viết hả cháu?”. Nói đoạn, bà xuống bếp lấy nước mời khách, dáng đi vẫn còn nhanh nhẹn lắm, khó mà tin được, đấy là những bước đi của một cụ già đã qua ngưỡng “bách niên”. Gần 65 năm xa quê, bà vẫn không quên được thổ âm của miền Ấn-Trà: “Ta bắt đầu, cháu hể?”.

Đảng viên 16 tuổi
 
Tôi hỏi bà vì sao mới 16 tuổi (1930) mà bà vẫn được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương? Bà nói rằng, tuổi 16 nhưng “bạo” lắm, một mình vác cờ búa liềm đứng trước hàng ngàn người để diễn thuyết, ủng hộ Xô viết Nghệ- Tĩnh. Tri huyện Sơn Tịnh bấy giờ, thấy vậy chạy có cờ! Được tôi luyện trong thử thách như vậy, ai dám bảo 16 tuổi là còn trẻ con? là không được đứng vào hàng ngũ của Đảng? Cuối năm 1930, cùng với Nghệ- Tĩnh, Quảng Ngãi là địa phương bị thực dân Pháp dìm trong bể máu.

Để vực dậy phong trào, bà được chỉ định làm Bí thư Tổng ủy, tiếp tục khuấy động phong trào bằng những cuộc diễn thuyết và biểu tình tưng bừng khiến chính quyền Nam triều và thực dân Pháp “hạ quyết tâm” bắt cho bằng được “con bé cộng sản”. Và, thực dân Pháp đã cụ thể hóa quyết tâm ấy bằng một cuộc bố ráp vô cùng ác liệt tại núi Hòn Dầu - nơi rừng thiêng nước độc phía tây huyện Sơn Tịnh, mới bắt được bà.

Đó là thời điểm cuối năm 31. Thôi thì đủ các loại cực hình mà nhà tù đế quốc đã dành cho bà. Nhưng chúng chẳng moi được gì ở người đảng viên mới 17 tuổi này. Cũng trong thời gian ở nhà lao Quảng Ngãi, Toàn quyền Đông Dương – Pierre Pasquier đã có lần “ghé thăm” và trực tiếp phỏng vấn bà trước sự chứng kiến của các nhà báo Pháp.

Với những câu ứng đáp hết sức thông minh và sắc sảo của bà khiến Pierre Pasquier vô cùng kinh ngạc. Cuộc “đối đáp” này đã được một phóng viên của tờ Nhân Đạo tường thuật khá chi tiết, trong đó có một câu được trích lại nhiều lần: “Tôi chỉ có một nước mẹ là Việt Nam chứ không có “mẫu quốc” nào khác!”.

Tôi tò mò: “Mới 16 tuổi, bác học lỏm ở đâu mà nói như nhà chính trị chuyên nghiệp vậy?”. Bà khoe bằng một giọng đầy tự hào pha lẫn ơn nghĩa: “Ông Chánh đấy!”. Ông Nguyễn Chánh-chồng bà sau này, là bạn với anh ruột bà-tướng Phạm Kiệt, vị tướng đã từng ủng hộ tướng Giáp “kéo pháo ra” trong chiến dịch Điện Biên.

Tuy cùng tuổi với bà (1914), nhưng ông Chánh từng trải hơn do tham gia hoạt động cách mạng sớm. May mắn cho bà, vừa vào tù hôm trước, hôm sau là biết “thầy Chánh” cũng có mặt trong nhà lao Quảng Ngãi. Đã gần 85 năm rồi mà bà vẫn còn nhớ như in những lần ông Chánh “hẹn hò” với bà sau mỗi giờ cơm tù, ngoài nhà vệ sinh. Đám cai ngục rất cảnh giác nhưng cũng thua những người tù cộng sản! 

Tranh thủ thời gian ít ỏi trong những lần “gặp nhau” ở cái nơi bất đắc dĩ ấy, ông đã dạy cho bà bao nhiêu thứ, kể cả cái việc làm thơ nữa. Cũng xin nhắc lại điều này, Nguyễn Chánh, nguyên Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 5 trong kháng chiến chống Pháp, người trực tiếp chỉ huy chiến dịch giải phóng Kon Tum năm 1953 và đánh tan chiến dịch Ác-lăng cùng một sư đoàn tinh nhuệ nhất của Pháp bấy giờ, là một vị tướng thao lược, văn võ song toàn.

Thi sĩ tuổi… 95

Bà Phạm Thị Trinh có thơ in trong Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 35 và được Nhà xuất bản Văn học năm 2000 bầu là một trong 10 nữ nhà văn tiêu biểu của Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Bà lại khoe: “Nhờ ông Chánh dạy cho làm thơ đấy”. Không biết ông Nguyễn Chánh “dạy” bà được bao nhiêu ngón nghề về thơ phú, chỉ biết khi ra tù lần thứ nhất (1935), ông trở thành chồng bà và kịp để lại cho bà hai đứa con trước khi ông vô tù lần thứ 2 (1939). Bà cũng theo ông vô tù liền sau đó.

 

 Với tác giả
Cụ Phạm Thị Trinh với tác giả.


Từ nhà lao Quảng Ngãi, bà gửi thơ cho ông tận nhà lao Ban Mê Thuột: “Sống để mang thêm mối hận này/ Phá tung ràng buộc bấy lâu nay/ Trùng phùng sẽ có ngày đưa lại/ Bùi ngọt ta bù lúc đắng cay”. Những ngày “bùi ngọt” của ông bà sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi chưa được bao lâu, ông lại ra đi đột ngột ở tuổi 43 (1957), lúc đang là Chủ nhiệm Tổng cục cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam, bỏ lại cho bà 6 đứa con dại!

Nghe tôi nhắc lại chuyện xưa, ký ức mù sương của bà như được đánh thức. Bà “vác” một chồng sách do bà viết, cuốn nào cũng dày cộp, để nói với “thằng cháu đồng hương” là tôi rằng, cho đến tuổi đại thượng thọ, bà vẫn lao động miệt mài với chữ nghĩa. Tôi hỏi : “Bác có còn làm thơ nữa không?”. Bà cười: “Giờ mắt mờ rồi chứ 5 năm trước thì làm thơ đều đều. Cho vui ấy mà”. Thơ với bà không phải để kiếm chút danh hờ mà đã thành tri kỷ, nơi bà có thể gửi gắm lòng mình vào đấy.

Gần 85 năm trước, bà mượn thơ để động viên ông, cũng là để động viên mình. Bây giờ, thơ lại cùng bà, để “động viên nhau”. Ở cái tuổi trên 100 rồi mà không một vấn đề thời sự nào của đất nước bà bỏ qua. Bà là con người hành động, hành động đến hơi thở cuối cùng; bà cũng là biểu tượng của ý chí- một thứ ý chí chỉ tồn tại ở những mẫu người không bao giờ đầu hàng hoàn cảnh như bà.

Phát hiện bệnh tim từ 55 năm trước cùng đủ thứ bệnh từ thời đi tù nhưng bằng ý chí và nghị lực, không một thứ bệnh nào có thể tồn tại trong con người bà. Bao nhiêu năm rồi, cứ đều đặn 4 giờ sáng là bà thức dậy tập thể dục rồi ngồi thiền cho đến 6 giờ, bà mới đi làm việc khác. Làm thơ và ngồi thiền, hai “thực đơn” không thể thiếu ở bà suốt 70 năm qua. Mấy năm nay, đi đứng bắt đầu khó khăn nên bà bắt đầu giảm dần những “thực đơn” quen thuộc ấy, nhưng sự minh mẫn và thông tuệ thì chưa bao giờ hao khuyết trong bà.

Tôi hỏi bà câu cuối cùng: “Bác nhắn gì với những đảng viên trẻ tuổi?”. Bà dứt khoát: “Là đảng viên tốt, trước hết phải là một công dân tốt, trong đó lòng yêu nước, yêu nhân dân phải đặt lên hàng đầu!”. Câu “nhắn gửi” này cứ tưởng như cũ nhưng vẫn còn hôi hổi cho những đảng viên cộng sản hôm nay./.
 


.