Chảy mãi niềm tự hào

08:02, 04/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngược dòng lịch sử, chúng tôi tìm về địa điểm ghi dấu sự ra đời của tổ chức cộng sản đầu tiên ở Quảng Ngãi. 85 năm- một quãng thời gian dài nhưng niềm tự hào khi có Đảng vẫn như dòng suối tuôn trào...

Xã Phổ Phong (Đức Phổ) là một trong những cái nôi cách mạng của Quảng Ngãi. Tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, ghi dấu sự ra đời của Đảng bộ tỉnh, sự phát triển mạnh mẽ của các phong trào cách mạng.

Tìm đến các di tích

Chúng tôi được anh Phan Tiến Định- Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Phong dẫn đường đến các di tích lịch sử cách mạng. Trên đường đi, anh kể cho chúng tôi nghe về lịch sử cách mạng của quê hương. Cha của anh Định nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Phổ Phong từ trong kháng chiến, ông đã cống hiến trọn cuộc đời cho cách mạng. Câu chuyện luôn chất chứa niềm tự hào đối với thế hệ đi trước và quyết tâm của thế hệ hôm nay để giữ gìn thành quả cách mạng.

Đồng chí Nguyễn Nghiêm (ảnh giữa) – Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi (1930-1931).                                   Ảnh: P.Đ
Đồng chí Nguyễn Nghiêm (ảnh giữa) – Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi (1930-1931). Ảnh: P.Đ


Điểm đến đầu tiên là di tích núi Xương Rồng. Ngọn núi được phủ màu xanh biếc. Tại đây,  vào tháng 7.1929, các đồng chí Trương Quang Giao, Nguyễn Nghiêm, Phạm Viết My, Đặng Tòng, Hồ Độ... đã họp và thành lập tổ chức “Dự bị Cộng sản” của tỉnh. Ngày 3.2.1930,  Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Đồng chí Nguyễn Nghiêm bắt liên lạc với Đảng, sau đó triệu tập hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, đồng chí được hội nghị bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Từ khi có Đảng, lòng dân vững tin trên con đường đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.  

 Trên chặng đường về với nguồn cội, chúng tôi tìm đến di tích cấm Cây Cầy. Đây là địa danh lịch sử cách mạng tiêu biểu cho phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp, phong kiến, đòi quyền dân sinh, dân chủ, chia lửa với Xô Viết-Nghệ Tĩnh. Tại đây vào tối ngày 7.10.1930, nhân dân các làng Tân Hội, Hùng Nghĩa, Vạn Lý, Gia An, Vĩnh Xuân, Hiệp An (nay thuộc xã Phổ Phong) tập trung lực lượng tổ chức tuần hành, giương cao cờ đỏ búa liềm kéo về Gò Cây Thị (xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ) dự mít-tinh, nghe Tỉnh ủy Quảng Ngãi diễn thuyết, sau đó tham gia biểu tình chiếm Huyện đường  Đức Phổ, tiêu hủy tài liệu, phá nhà lao và treo cờ Đảng ở Huyện đường.

Cây Cầy đại thụ nay vẫn sừng sững, hiên ngang. Nó là minh chứng cho một thời hào hùng của phong trào đấu tranh cách mạng. Thân cây vẫn còn đó vết tích của mưa bom bão đạn. Cụ ông Đặng Tám (85 tuổi), nhà ở sát cấm Cây Cầy, cho biết: “Tui sinh ra đã có cây này. Thân chẻ làm đôi vì trúng bom mà nó vẫn chống chọi, vẫn sống… ”. Cụ Tám dẫn chúng tôi “mục sở thị” các đường hào do các chiến sĩ cách mạng ngày trước đào ở xung quanh khu vực cấm Cây Cầy. Ông cho biết, nơi đây có nhiều cái giếng thông với nhau qua rất nhiều đường hầm dưới lòng đất. Ông bảo, chiến tranh diễn ra ở đây rất ác liệt. Địa điểm này linh thiêng lắm. Cứ vào dịp mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, cháu con trong làng lại tụ họp về cấm Cây Cầy mừng ngày giỗ tổ Hùng Vương, kể lại câu chuyện lịch sử, nhớ về công lao dựng nước và giữ nước của các thế hệ cha ông.

Vững tin vào Đảng

Di tích núi Xương Rồng.                                    Ảnh: P.Lý
Di tích núi Xương Rồng. Ảnh: P.Lý


Niềm tự hào khi có Đảng Cộng sản Việt Nam như dòng suối tuôn trào trong lớp lớp thế hệ cháu con trên quê hương đất Việt. Trên mảnh đất khai sinh ra Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, người dân vững tin đi đến tương lai dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Phong Phan Tiến Định cho biết, xã Phổ Phong giờ đã đổi thay rất nhiều, đời sống của bà con ngày càng phát triển.

Về làng Tân Hội (nay thuộc thôn Tân Phong), nơi đồng chí Nguyễn Nghiêm được sinh ra, chúng tôi nghe kể về những con người kiên cường, trọng nghĩa, có khí tiết. Thân sinh của đồng chí Nguyễn Nghiêm là cụ Nguyễn Tuyên. Ông là người đậu tú tài đầu tiên trong làng, là nhà yêu nước có tiếng của đất Quảng Ngãi. Trong số học trò của ông có đồng chí Trần Kha, là một trong những đảng viên đầu tiên và huyện ủy viên đầu tiên của huyện Đức Phổ và là Bí thư đầu tiên của Đảng bộ xã Phổ Phong. Điều khiến người dân Phổ Phong vô cùng tự hào nơi đây là quê hương của đồng chí Nghiêm Nghiêm-Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Quảng Ngãi. Bà con vẫn truyền tai nhau đoạn thơ nói về đồng chí Nguyễn Nghiêm: “Xác tuy chết, tinh thần không chết/ Chết: Đi theo Các Mác-Lênin/ Người không còn danh  tiết vẫn còn/ Còn: Sống mãi với Trà Giang, Bút lĩnh”.

Cụ ông Nguyễn Văn Lạc (90 tuổi) ở thôn Tân Phong, xã Phổ Phong, nay đã 68 tuổi Đảng là lớp người có công  trong đấu tranh, gìn giữ hòa bình, độc lập cho quê hương. Ông luôn dặn dò lớp trẻ trên quê hương ông, rằng: “Có Đảng mới có ngày hôm nay. Đảng và nhân dân là một. Lớp trẻ phải cùng với Đảng thực hiện mục tiêu chăm lo cho cuộc sống nhân dân tốt hơn”.


Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ




 


.