Tiếc thương một người chiến sĩ cộng sản kiên trung

01:01, 14/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sáng sớm ngày 12.1, trái tim hiền hòa, trung hậu của một người cán bộ lão thành cách mạng đã ngừng đập. Trong căn nhà nhỏ số 11, đường Phạm Văn Đồng (phường Nguyễn Nghiêm, TP.Quảng Ngãi) trang sử về người chiến sĩ cộng sản Lê Tấn Tỏa được đồng chí, đồng đội, bạn bè và gia đình ôn lại như một niềm tự hào. Đặc biệt, với những người con, người cháu, ông luôn là một người cha, người ông, một tấm gương sáng về tính liêm khiết, sự giản dị…

TIN LIÊN QUAN

91 tuổi đời, gần 70 năm đứng vào hàng ngũ của Đảng, trải qua 9 năm kháng chiến chống Pháp, 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chịu nhiều gian lao khổ cực, đảm nhận nhiều chức vụ từ cơ sở đến Quân khu 5, cụ Lê Tấn Tỏa đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng đồng đội, đồng chí về tấm gương kiên trung với Đảng, hết lòng vì nhân dân. Trong lễ viếng vào sáng ngày 13.1, người bạn già, người đồng chí của ông - cụ Phạm Thanh Biền (nguyên Bí thư Tỉnh ủy) đã nắn nót từng chữ ghi vào sổ tang “Vô cùng thương tiếc đồng chí Lê Tấn Tỏa - một cán bộ, đảng viên tận trung với Đảng, với Tổ quốc; tận hiếu với dân, với tổ tiên, cha mẹ. Ra đi vào cõi vĩnh hằng đồng chí đã làm tròn trách nhiệm với xã hội...”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi sức khỏe đồng chí Lê Tấn Tỏa - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi trong dịp Tết năm 2012.                                          Ảnh: QNĐT
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi sức khỏe đồng chí Lê Tấn Tỏa - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi trong dịp Tết năm 2012. Ảnh: QNĐT


Còn ông Phạm Tấn Tuấn- Trưởng ban Liên lạc khu ủy Khu 5 tại Quảng Ngãi thì khắc ghi những tình cảm sâu đậm khi đồng chí Lê Tấn Tỏa còn ở Khu ủy Khu 5. Ông Tuấn xúc động, kể: “Là người hoạt động cách mạng từ rất sớm và luôn sống vì mục tiêu, lý tưởng cao cả. Trên cương vị một đồng chí lãnh đạo Ban Tổ chức Liên khu ủy 5, anh luôn dìu dắt, giúp đỡ anh em trong ban nắm vững các nguyên tắc về xây dựng Đảng, phải nắm vững dân chủ, tập trung, đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Khi một đồng chí nào có phạm sai lầm, khuyết điểm anh trực tiếp gần gũi, khuyên răn, tâm tình,  nên thuyết phục được cán bộ đảng viên cấp dưới. Điều đáng quý ở anh nữa là tình cảm đối với anh em, cấp dưới trong chiến tranh đến giờ vẫn gắn chặt. Chúng tôi hẹn tháng 3 năm nay sẽ gặp mặt tại Đà Nẵng. Vậy mà anh đã không đợi được đến ngày đó...”.

Trọn cuộc đời luôn đặt hai chữ “Nhân Dân” lên trên hết và gần như hy sinh cuộc sống riêng tư để giành độc lập cho dân tộc, nhưng với những người con, người cháu ông vẫn luôn là tấm gương tuyệt vời. Nước mắt nghẹn ngào, chị Lê Thị Ngọc Anh - con gái cụ Lê Tấn Tỏa, xúc động kể: “Cha tôi thoát ly từ lúc tôi chỉ mới 6 tuổi, còn không nhớ rõ mặt cha. Ngày tôi lập gia đình, cha cũng không về dự được vì nhiệm vụ lúc này phải tập trung cho việc giải phóng Quảng Ngãi. Mãi 21 năm sau gia đình mới được đoàn tụ. Gặp cha mà cứ gọi là “chú” vì không biết mặt cha thế nào.

Sau giải phóng, chúng tôi mới được sống theo đúng nghĩa của hai từ “gia đình”. Và dù thời gian bên nhau không được trải dài như nhiều gia đình khác, nhưng chị em chúng tôi luôn tự hào, vì có được một người cha tuyệt vời về nhân cách, đạo đức. Ông luôn căn dặn con cháu: “Cha theo cách mạng không có tài sản gì quý giá, chỉ để lại một thứ duy nhất đó là tính liêm khiết, giản dị, con cháu hãy noi theo và dù có làm gì, nắm giữ chức vụ gì cũng sống đúng như lời Bác Hồ dạy là phải đặt hai chữ “Nhân Dân” lên trên hết”.

 

Đồng chí Phạm Thanh Biền - nguyên Bí thư Tỉnh ủy ghi vào sổ tang.
Đồng chí Phạm Thanh Biền - nguyên Bí thư Tỉnh ủy ghi vào sổ tang.


Hoạt động ở miền Nam hơn 20 năm, nỗi nhớ thương người thân, gia đình, đặc biệt với người vợ trẻ, con thơ không lúc nào nguôi và dâng trào cảm xúc trong ông. Điều đó được ông thể hiện Trong hồi ký những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước: “Gặp lại không sao tả nổi vui mừng và xúc động. Anh em trong ban tổ chức đến thăm, hỏi han sức khỏe, chúc mừng vợ chồng sum họp vui như hội. Đêm ấy vợ chồng thức suốt đêm kể cho nhau về con cái, việc học hành của các con Anh, Hanh, Hữu. Nghe Trinh kể (vợ đồng chí Lê Tấn Tỏa - PV) những cảnh lúc mới ra tập kết ở Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) rồi ra Bùi Chu Phát Diệm đi sản xuất, rồi con đau ốm phải tìm ra Hà Nội để chữa bệnh cho con…Rồi kể đến miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, càng nghe càng thấm đượm tình nghĩa thủy chung vợ chồng. Miền Bắc lo cho miền Nam, càng đậm đà mối tình ruột thịt. Xem ảnh của mấy con thấy nó lớn xinh làm sao”.

Sinh ngày 5.5.1924 tại thôn Trung An, xã Bình Thạnh (Bình Sơn), đồng chí Lê Tấn Tỏa (tức Võ Hanh) tham gia cách mạng tháng 5.1945.  Tháng 8.1946, đồng chí được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đồng chí đã trải qua nhiều chức vụ: Bí thư Huyện ủy Bình Sơn; Phó Ban Tổ chức Khu ủy Khu 5; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk. Suốt gần 40 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý nhằm ghi nhớ công lao và những đóng góp to lớn của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng như Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Huân chương Thành đồng, Huân chương Kháng chiến…


Bài, ảnh: Thanh Thuận
 


.