Chọn việc dân cần

09:01, 05/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Chọn việc dân cần” là nội dung được các cấp ủy đảng, các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện trong năm 2014, nhằm đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành công việc thường xuyên, gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI)- "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Với cách làm đó, nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm hoặc còn yếu kém đã từng bước chỉ đạo khắc phục, tạo bước chuyển mới trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là củng cố niềm tin của  nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Giải quyết bức xúc của dân

Là vùng đất nhiễm phèn, nhiễm mặn nên 5 năm nay, hơn 800 hộ dân ở thôn Xuân An, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) luôn sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Vào mùa nắng, hầu như gia đình nào cũng phải “cắt cử” người đi xin nước, hoặc mua nước ở các xã lân cận về dùng. Tuy nhiên, từ tháng 7.2014, chuyện “khát nước” ở đây đã dần được giảm  nhiệt nhờ 7 cái giếng nước được thành phố hỗ trợ kinh phí khắc phục. Ông Mai Nghiệm ở xóm Xuân Mỹ phấn khởi, nói: Mấy năm rồi giờ mới có nước sạch về tận nhà thì không vui sao được!. Trước đây, ngày nào cũng vậy, bất kể mưa nắng đều phải đi xin nước ở tận xã Bình Châu (Bình Sơn), vì nước ở đây bị nhiễm phèn không dùng được, ruộng đồng thì bỏ hoang không canh tác được. Thấu hiểu được sự vất vả của người dân, thành phố đã hỗ trợ kinh phí đào giếng, nhân dân đóng góp 2 triệu để dẫn ống nước đến từng nhà.

Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính nói chuyện với cán bộ, nhân dân xã Nghĩa Hà.
Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính nói chuyện với cán bộ, nhân dân xã Nghĩa Hà.


Với phương châm ưu tiên giải quyết những nhu cầu thiết yếu của người dân ở các xã mới sáp nhập, TP.Quảng Ngãi đã tiến hành khảo sát, nắm tình hình thực tế và tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân. Trên cơ sở đó, thành phố đã lập kế hoạch, từng bước đầu tư khắc phục những yếu kém về cơ sở hạ tầng, nhất là điện, đường, nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất.

Đến nay, ngoài hỗ trợ đào giếng, sửa chữa trạm bơm Đồng Lớn phục vụ tưới cho 25ha, xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại Đồng Tròn ở xã Tịnh Hòa, thành phố còn đầu tư 27,5 tỷ đồng xây dựng 19 tuyến điện chiếu sáng với tổng chiều dài 45km; kiên cố hóa một số tuyến đường ở xã Tịnh Ấn Đông, Nghĩa Hà… nhằm tạo diện mạo mới và đảm bảo an toàn giao thông cho các địa phương.

Đồng chí Nguyễn Tăng Bính  - Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi cho biết: Năm 2014, trọng tâm của việc thực hiện Chỉ thị 03 gắn với Nghị quyết T.Ư 4 là giải quyết những bức xúc của người dân ở các địa phương mới sáp nhập. Song song với việc tổ chức đối thoại, tiếp xúc với nhân dân 3 xã Nghĩa Hà, Tịnh Châu và phường Trương Quang Trọng, thành phố còn phân công cán bộ, cơ quan chuyên môn nắm tình hình ở các địa phương khác, từ đó tham mưu, đề xuất những vấn đề nào cần ưu tiên trước thì phải làm trước. Và thực tế thì thành phố cũng đã làm được một số việc “dân cần”.  Năm 2015, thành phố sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cho các xã này, nhằm đẩy nhanh quá trình đô thị hóa.

Đồng tâm khắc phục yếu kém

Thực tế tại các địa phương, chúng tôi đều cảm nhận rõ sự chuyển biến tích cực sau 3 năm triển khai Nghị quyết T.Ư 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Cán bộ xã Nghĩa Phương giải quyết giấy tờ cho công dân.
Cán bộ xã Nghĩa Phương giải quyết giấy tờ cho công dân.


Ở xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa), nội dung được cấp ủy đưa ra để khắc phục là tập trung vào việc chỉnh đốn tác phong làm việc, thái độ của công chức đối với người dân theo phương châm “3 không” “4 phải”. Đó là, gắn trách nhiệm cá nhân với tập thể trong việc thực hiện chức trách được giao, chấp hành nghiêm giờ giấc sinh hoạt, giờ giấc làm việc, cải cách hành chính; công việc của người nào thì người đó chăm lo, phụ trách lĩnh vực nào tham mưu lĩnh vực đó một cách sâu sát hơn. “Bây giờ có việc gì lên trụ sở xã không còn ngần ngại, bởi không còn cảm giác cầu cạnh. Nhiều việc được giải quyết nhanh vì khi nào cũng có lãnh đạo UBND xã trực ký xác nhận, khác với trước đây có khi phải đi lại 2 - 3 lần do lãnh đạo đi vắng.

Cán bộ, công chức có trách nhiệm hơn trong việc giải quyết những yêu cầu của dân”, bà Trần Thị Sáu ở thôn Năng Tây, cho biết. Đảng ủy xã cũng tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, cử cấp ủy trực tiếp tham gia sinh hoạt ở chi bộ cơ sở để vừa định hướng và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh hay khó khăn, vướng mắc ngay ở cơ sở.

Còn ở Sơn Hà, Bí thư Huyện ủy Đặng Ngọc Dũng cho rằng, Nghị quyết T.Ư 4 đã đi vào cuộc sống ở địa phương với “hai cái được”, đó là được việc, được dân. Theo đồng chí Bí thư, nguyên nhân để xảy ra sai phạm trong việc thực hiện chính sách bệnh binh, sử dụng tài chính - ngân sách ở một số xã là do quy chế hoạt động của cấp ủy thực hiện thiếu nghiêm túc, thiếu kiểm tra thường xuyên, dẫn đến không kịp thời phát hiện, xử lý sai sót. Đồng thời, nguyên tắc tập trung dân chủ “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” không được đảm bảo.

Chính vì vậy, việc thứ nhất được Huyện ủy Sơn Hà tập trung thực hiện sau kiểm điểm TƯ 4 là bổ sung quy chế hoạt động của cấp ủy, trong đó phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí huyện ủy viên, Ban Thường vụ phụ trách các ngành, địa phương nắm bắt và giải quyết các vấn đề phát sinh từ cơ sở. Thứ hai là, tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề sai phạm, xử lý, luân chuyển cán bộ ở các xã Sơn Ba, Sơn Thượng, Sơn Hạ... nên đã củng cố được niềm tin trong dân.  

Niềm vui của người dân xã Tịnh Hòa khi có nước sạch. Ảnh: T.T
Niềm vui của người dân xã Tịnh Hòa khi có nước sạch. Ảnh: T.T


Thực tế cho thấy, nhiều vấn đề được các địa phương, đơn vị xác định cần làm ngay đều sát thực tiễn cuộc sống, giải quyết được những vấn đề dân quan tâm. Đặc biệt là, xử lý dứt điểm những vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng liên quan đến đền bù, hỗ trợ, tái định cư thuộc Dự án thủy điện Đắkđrinh (Sơn Tây); vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ chiếm đoạt gần 212 triệu đồng tại Trường THCS Ba Trang (Ba Tơ); vụ lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ và chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại trên 1,5 tỷ đồng tại xã Sơn Ba (Sơn Hà)…

Đồng chí Phạm Thanh Hải- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đánh giá: Với chuyên đề của năm 2014 “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nâng cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm” thì việc thực hiện Chỉ thị 03 gắn với Nghị quyết TƯ 4 có trọng tâm, trọng điểm hơn. Trên cơ sở xác định việc cần làm, cấp ủy, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch, biện pháp tháo gỡ, xem xét giải quyết những vụ, việc còn tồn đọng. Thông qua đó, các cấp ủy, tổ chức đảng đã đổi mới phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc, tạo được phong trào học tập, tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống trong mỗi cán bộ, đảng viên, góp phần giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng, vướng mắc, được đại bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình ủng hộ. Đó chính là giá trị của Nghị quyết TƯ4 khi đã thực sự đi vào cuộc sống.


Thanh Thuận

 


.