Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi vĩ đại của dân tộc

05:04, 30/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiệp định Geneve 1954 đã chấm dứt sự hiện diện của quân đội Pháp và  chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Quân đội Mỹ từ chỗ chỉ là kẻ can thiệp thông qua viện trợ quân sự cho Pháp, sau năm 1954 Mỹ chuyển sang đóng vai trò là kẻ xâm lược Việt Nam.

Hoa Kỳ là một quốc gia có truyền thống bách chiến bách thắng. Nhưng họ đã sai khi chọn Việt Nam làm đối tượng tiến hành chiến tranh xâm lược. Quả thật, lịch sử 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Việt Nam đã lần lượt đánh bại các chiến dịch và chiến lược quân sự nhà nghề của quân đội Mỹ. Miền Nam thành đồng của Tổ quốc đã đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào, giành lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

 

Xe tăng 390 húc đổ cổng dinh Độc Lập trưa ngày 30.4.1975.
Xe tăng 390 húc đổ cổng dinh Độc Lập trưa ngày 30.4.1975.


Những ngày cuối tháng 3.1975, thời cơ nối tiếp thời cơ, chiến dịch mở ra chiến dịch, hội nghị Bộ Chính trị ngày 31.3.1975 xác định “Từ giờ phút này trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân dân ta đã bắt đầu”. Các nghị sỹ Mỹ theo dõi tình hình miền Nam đã quả quyết, đã quá muộn để làm bất cứ việc gì nhằm lật ngược tình thế cách mạng ở Việt Nam. Ngày 1.4.1975, chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã bắt đầu được chuẩn bị theo tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, với tốc độ “một ngày bằng 20 năm”. Ta huy động vào chiến dịch này một lực lượng lớn hơn bất cứ chiến dịch nào trước đây, bao gồm cả lực lượng vũ trang và chính trị.

Đầu tháng 4.1975, Trung ương Cục miền Nam ra chỉ thị cho quân dân Nam Bộ và Trung Nam Bộ (B2) hãy “táo bạo đánh các điểm then chốt... khi có thời cơ”. Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn quyết định mở chiến dịch chia cắt địch trong toàn B2 để bao vây cô lập địch ở Sài Gòn. Trung ương Cục cũng chỉ đạo các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long tự giải phóng với phương châm: Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh.

17 giờ ngày 26.4.1975, cuộc tổng công kích chiếm Sài Gòn bắt đầu, Bộ Tư lệnh chiến dịch xác định 5 mục tiêu chủ yếu trong nội thành phải nhanh chóng đánh chiếm là: Bộ Tổng tham mưu nguỵ, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh Biệt khu thủ đô, Tổng Nha cảnh sát và dinh Độc Lập là hợp điểm của chiến dịch, quy định các mũi, các cánh sau khi đánh chiếm các mục tiêu và khu vực được phân công phải nhanh chóng hợp điểm ở dinh Độc Lập.

Trong cuộc tổng công kích chiếm Sài Gòn, các mục tiêu tấn công ngập chìm trong biển lửa, Mỹ vội vàng mở chiến dịch “người liều mạng” để di tản. Các tướng tá quân đội Sài Gòn từ các sư đoàn bị đánh tơi tả, kẻ bị bắt, kẻ đầu hàng, kẻ tự sát, kẻ cởi quân phục lẩn trốn vào đám tàn quân. Tổng thống nguỵ muốn xin “bàn giao chính quyền”, các đại diện Mỹ, Pháp tìm kế hoãn binh... Nhưng tất cả đã không thể ngăn cản được sức tiến công của lực lượng vũ trang cách mạng trong “trận đánh cuối cùng” để kết thúc chiến tranh.

Ngày 30.4.1975, với sự hợp đồng chiến đấu của các lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, của các lực lượng biệt động tự vệ ở vùng ven và nội đô cùng với sự nổi dậy của quần chúng trong và ngoài thành phố, các cánh quân hùng mạnh của ta đã thần tốc thọc sâu, tiến thẳng vào chiếm các mục tiêu quan trọng theo kế hoạch là Bộ Tổng tham mưu, Biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất... 10 giờ ngày 30.4, Trung đoàn 66 bộ binh, cùng với xe tăng của Lữ đoàn 203 thuộc Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến công thọc sâu, đập tan toàn bộ lực lượng phòng ngự của quân nguỵ vượt qua sông Sài Gòn. 10 giờ 45 phút cùng ngày, quân ta chiếm dinh Độc lập (Phủ Tổng thống nguỵ) giữa lúc nguỵ quyền đang họp các Tổng trưởng để ra mắt “tân nội các”. Đúng 11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Phủ Tổng thống nguỵ, Tổng thống nguỵ quyền Dương Văn Minh phải chấp nhận đầu hàng không điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Một góc thành phố mang tên Bác hôm nay.                                                                             Ảnh: Internet
Một góc thành phố mang tên Bác hôm nay. Ảnh: Internet


Trên đà chiến thắng, từ ngày 30.4.1975, đồng bào và chiến sĩ các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đã đồng loạt tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, lần lượt giải phóng các tỉnh còn lại: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Long An, Hậu Nghĩa, Mỹ Tho, Trà Vinh, Bến tre, Kiến Tường, An Giang, Châu Đốc, Sa Đéc, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Chương Thiện, Ba Xuyên, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau đã đứng lên giành quyền làm chủ. Ngày 1.5.1975, toàn bộ lãnh thổ trên đất liền miền Nam Việt Nam đã hoàn toàn giải phóng.

Cùng với các tỉnh ở đất liền, ngày 30.4.1975, các chiến sỹ yêu nước bị địch giam giữ ở Côn Đảo đã nổi dậy, làm chủ hoàn toàn đảo này. Ngày 2.5.1975, Quân giải phóng phối hợp với nhân dân tiến công và nổi dậy, giành quyền làm chủ hoàn toàn đảo Phú Quốc. Trước đó, trong tháng 4 năm 1975, quân ta giải phóng các đảo dọc bờ biển Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Trong quần đảo Trường Sa, quân ta tiến công và giải phóng các đảo do quân ngụy chiếm giữ như: Đảo Song Tử Tây, đảo Sơn Ca, đảo Nam Yết, đảo Sinh Tồn, đảo Trường Sa và đảo An Bang.

Chiến dịch Hồ Chí Minh là đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Thắng lợi của Chiến dịch Hồ chí Minh là thắng lợi vĩ đại nhất, trọn vẹn nhất, kết thúc 30 năm chiến tranh lâu dài, gian khổ, ác liệt nhất nhưng cũng vẻ vang nhất trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Đúng như văn kiện Đảng ta đã nhận định: “Thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh yêu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc”.

 Sau 39 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang của miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”, với những thành tựu to lớn đã đạt được trong suốt 39 năm qua, TP.Hồ Chí Minh đã khẳng định vị trí là trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học-công nghệ và là nơi giao lưu quốc tế của khu vực và cả nước. Những biến chuyển kỳ diệu đã góp phần tạo nên một đô thị với nhiều cái nhất so với các địa phương khác trong cả nước, kinh tế của thành phố chiếm hơn 20% GDP và 1/3 ngân sách quốc gia. Điều đó cho thấy TP.Hồ Chí Minh luôn là đầu tàu kinh tế của cả nước, xứng đáng là thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.                
         

T.H

Những mốc chính trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975

Quân giải phóng đánh sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30.4.1975.   Ảnh: Internet
Quân giải phóng đánh sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30.4.1975. Ảnh: Internet



(Báo Quảng Ngãi)- *Chiến dịch Tây Nguyên (4.3 đến 24.3): Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng. Nhưng do địch nhận định sai hướng tiến công của ta nên bố trí lực lượng ở đây mỏng. Bộ Chính trị Trung ương Đảng chọn Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu trong năm 1975. Ngày 10.3.1975, ta tiến công Buôn Ma Thuột thắng lợi, mở màn chiến dịch. Ngay sau đó địch phản công chiếm lại Buôn Ma Thuột nhưng thất bại. Ngày 14.3.1975, địch được lệnh rút toàn bộ quân khỏi Tây Nguyên. Tây Nguyên với hơn 60 vạn đồng bào các dân tộc đã được giải phóng, 12 vạn quân địch đã bị tiêu diệt, qua đó mở ra thời kỳ sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài Gòn.

Chiến dịch Huế–Đà Nẵng (21.3 đến 29.3): Ngày 21.3 ta tiến công Huế, chặn các đường rút chạy của địch. Đến 26.3, các lực lượng vũ trang nhân dân đã tiến hành hợp vây và cùng với đông đảo lực lượng quần chúng cách mạng nổi dậy tiêu diệt tập đoàn phòng ngự Thừa Thiên-Huế gồm 4 vạn tên địch, làm chủ thành phố Huế và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên.

Tiếp đến, sáng 29.3 ta tiến công Đà Nẵng, đến 3 giờ chiều Đà Nẵng-thành phố lớn thứ hai ở miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ta đã tiêu diệt và làm tan rã hơn 10 vạn quân địch, trong đó có cơ quan Bộ tư lệnh quân đoàn 1 ngụy, đập nát căn cứ liên hợp quân sự mạnh nhất của địch ở miền Trung. Từ cuối tháng 3 đến tháng 4, các tỉnh ven biển miền Trung, Nam Tây Nguyên và một số tỉnh Nam Bộ, quân và dân ta nổi dậy đánh địch giải phóng quê hương, đưa cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta tiến lên một bước với sức mạnh áp đảo.

Chiến dịch Hồ Chí Minh (26.4 đến 30.4): Sau thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên và Huế–Đà Nẵng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định giải phóng miền Nam trước mùa mưa. Bộ Chính trị quyết định lấy tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn–Gia Định là "Chiến dịch Hồ Chí Minh". Lúc 17 giờ ngày 26.4, ta nổ súng mở đầu chiến dịch, 5 cánh quân vượt tuyến phòng thủ vòng ngoài tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch. Lúc 10 giờ 45 phút ngày 30.4, xe tăng và bộ binh ta tiến vào dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ Chính phủ Trung ương Sài Gòn, Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho quân dân ta tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn các tỉnh còn lại ở Nam Bộ. Đến ngày 2.5.1975, ta giải phóng hoàn toàn miền Nam.

 

                               
 


.