Đại biểu Quốc hội bức xúc trước tình trạng tham nhũng

09:10, 29/10/2013
.

Thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng dù quyết tâm chính trị cao nhưng tham nhũng vẫn tăng cả về số vụ và số bị can qua các năm.
 

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh. Ảnh VGP/Thành Chung
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh. Ảnh VGP/Thành Chung


Thảo luận công tác phòng, chống tham nhũng trong chiều 29/10, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (TP. Cần Thơ) dẫn lại báo cáo đánh giá tình hình tham nhũng năm nay không giảm mà còn tăng. “Số vụ tăng 12,9% còn bị can thì tăng 15,56% là sự nhức nhối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước”.

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp nhận định: “Thực chất đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong nội tại bộ máy của chúng ta chưa hiệu quả” khi mà việc phát hiện ra tham nhũng không xuất phát nhiều từ hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, kể cả từ đấu tranh ở nội bộ cơ quan, mà thường do nhân dân tố giác, báo chí lên tiếng.

“Cử tri đòi hỏi đẩy lùi tham nhũng và cơ quan phòng, chống tham nhũng phải đáp ứng đòi hỏi đó. Con số vụ án tham nhũng và bị can phải giảm qua từng năm. Chứ năm sau tăng lên so với năm trước thì gây bức xúc lòng dân”, ông Tiếp nói.

Đại biểu Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) đề nghị: Cần nêu những con số, vụ án cụ thể, xử lý như thế nào, chứ cứ để dân nghe chung chung là tình hình tham nhũng gia tăng thì dân bức xúc lắm.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng cần đặt ra vấn đề trách nhiệm của cơ quan chức năng, người đứng đầu các cấp trong chống tham nhũng. Ngoài ra Quốc hội cần có giải pháp để việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng quyết liệt và hiệu quả hơn. Đặc biệt khi có xảy ra tham nhũng thì phải xử lý nghiêm minh dù đó là ai.

Liên quan đến xét xử tội phạm tham nhũng, ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội đều cho rằng án treo cho tội phạm tham nhũng giảm (năm 2012 là 34,2%, năm 2013 giảm còn 31,2%) là chưa đủ sức răn đe với loại tội phạm này. Một số đại biểu đặt nghi vấn có “chạy án” để giảm nhẹ tội hay không?

Nhìn nhận về ý kiến này, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh ở góc độ Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Trong một vụ án tham nhũng có nhiều  đối tượng tham gia, có đối tượng đồng phạm là do chỉ đạo của Giám đốc, Kế toán trưởng thì phải làm. Những người đồng phạm này có nhân thân tốt mà ta xử lý họ như những người chủ mưu, hưởng lợi lớn thì cũng là bất công. Đó là lý do án treo cho tham nhũng giảm”.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh nói tiếp: “Có người hỏi tôi có kế nào giảm tội tham nhũng hưởng án treo không? Tôi nói là không phải hiến kế gì cả, pháp luật đầy đủ rồi, bị cáo bị truy tố ra tòa án xét xử bất kỳ tội gì phải bình đẳng như nhau, vì lúc đó không còn chức, còn quyền nữa. Bị cáo nào nhân thân tốt thì được hưởng (giảm nhẹ tội), có tình tiết tăng nặng nào thì phải áp dụng”.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng ngành Tư pháp có thể ra Nghị quyết ai vi phạm tham nhũng không được hưởng án treo. Nhưng ông Ánh cũng không tin làm như vậy thì sẽ giảm tham nhũng, cũng giống như trước đây không áp án treo cho tài xế vi phạm luật giao thông làm chết người mà tai nạn giao thông cũng không giảm.

Theo đại biểu của ngành Tòa án, “vấn đề không phải là tòa ít tuyên án treo mà phải là đối tượng đó bị xử lý thế nào, có đúng người đúng tội. Phân loại tội phạm với từng đối tượng cụ thể cần thiết hơn”.

Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp lại chỉ ra một thực trạng hiện nay mà chưa có lời giải thích cặn kẽ, đó là xét xử án tham nhũng kéo dài, ban đầu khởi tố với hàng loạt tội danh, sai phạm, nhưng càng về sau tội danh càng thu hẹp lại, đến lúc xét xử thì tuyên án treo.



Theo Thành Chung/Chinhphu.vn


.