Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện dân chủ

07:10, 30/10/2012
.

Trong dự thảo Nghị định về thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan thay thế Nghị định số 71/1998/NĐ-CP, Bộ Nội vụ đề xuất quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan và của cán bộ công chức trong việc thực hiện dân chủ trong hoạt động nội bộ của cơ quan.

Dự thảo quy định rõ người đứng đầu phải có trách nhiệm trọng dụng đối với người có tài năng. Đồng thời phải chỉ đạo việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời những thông tin tài liệu, cách thức tổ chức thực hiện, trách nhiệm thực hiện và trách nhiệm giải trình những nội dung công việc trong cơ quan.

Kịp thời xử lý người có hành vi cản trở việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan

Bên cạnh đó, người đứng đầu phải xem xét giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cán bộ, công chức và kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân của cơ quan, kịp thời báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.

Đối với người có hành vi cản trở việc thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan và người có hành vi trả thù, trù dập cán bộ, công chức khiếu nại, tố cáo kiến nghị theo quy định của pháp luật dự thảo quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu phải kịp thời xử lý.

Tham gia góp ý kiến, phê bình đối với cơ quan cấp trên

Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan là phải lắng nghe ý kiến phản ánh, phê bình của cán bộ, công chức và không được có hành vi trù dập đối với cán bộ, công chức đã góp ý, phê bình mình. Khi cán bộ, công chức đề nghị được gặp thì phải bố trí thời gian thích hợp để gặp và trao đổi các vấn đề có liên quan.

Nội dung quy định mới về quan hệ giữa người đứng đầu cơ quan với cơ quan cấp trên, theo dự thảo là được "phản ánh những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; kiến nghị lên cơ quan cấp trên những vấn đề không phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung trong các chế độ, chính sách, các quy định của pháp luật và trong chỉ đạo, điều hành của cơ quan cấp trên. Tham gia đóng góp ý kiến, phê bình đối với cơ quan cấp trên;..."

Không tiếp nhận tài liệu và giải quyết công việc của công dân, tổ chức ngoài trụ sở làm việc

Đối với trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan, ngoài việc phải chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan như quy định trước đây, dự thảo mới bổ sung thêm trách nhiệm của cán bộ, công chức phải chịu trách nhiệm trước người phụ trách trực tiếp.

Dự thảo mới cũng bổ sung trách nhiệm của cán bộ, công chức thực hiện các quy định của Luật Cán bộ, công chức về nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức và những việc cán bộ, công chức không được làm.

Bộ Nội vụ cũng phân tích, theo Quy chế ban hành kèm theo Nghị định số 71/1998/NĐ-CP trước đây quy định cán bộ, công chức không được tiếp nhận và giải quyết công việc của công dân, tổ chức tại nhà riêng. Quy định như vậy vẫn còn sơ hở, chưa chặt chẽ, do vậy tại dự thảo mới đã sửa lại quy định là "Cán bộ, công chức không tiếp nhận tài liệu và giải quyết công việc của công dân, tổ chức ngoài trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước".

Những việc phải công khai

Trong bố cục Dự thảo mới dành riêng Điều 6 để quy định về những việc phải công khai để cán bộ, công chức biết. So với quy định trước đây, dự thảo bổ sung một số việc phải công khai về công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, đi công tác nước ngoài, giải quyết chế độ thôi việc, nghỉ hưu đối với cán bộ công chức.

Cụ thể về nội dung này, dự thảo nêu những việc phải công khai là "tuyển dụng, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, đánh giá, đi công tác nước ngoài, giải quyết chế độ thôi việc, nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức".

Đồng thời, dự thảo yêu cầu trách nhiệm phải công khai về kết quả tiếp thu ý kiến của cán bộ, công chức về những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của người đứng đầu cơ quan đưa ra lấy ý kiến cán bộ, công chức.

Về hình thức công khai, dự thảo bổ sung thêm một hình thức công khai mới là đăng trên trang thông tin nội bộ của cơ quan. Ngoài ra, tất cả các việc phải công khai theo quy định đều được thông báo bằng văn bản cho Đảng ủy, Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan.
 



Theo Trần Mạnh/Chinhphu.vn


.