Kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Ban Bí thư khóa XI

08:09, 06/09/2012
.

(QNg)- Xuất khẩu lao động XKLĐ là hoạt động kinh tế - xã hội góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập và nâng cao trình độ tay nghề, tác phong công nghiệp cho người lao động, tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Với tầm quan trọng như vậy, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác XKLĐ. Ngày 8/5/2012 Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 16-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW, ngày 22/9/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về XKLĐ và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Ở Quảng Ngãi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 2 chỉ thị; HĐND, UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành 18 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác này.

Từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh có 4.948 lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài. Công tác XKLĐ của tỉnh thực sự khởi sắc kể từ năm 2009. Năm 2006- 2007 bình quân toàn tỉnh chỉ có 120 người tham gia XKLĐ, thì đến năm 2008 đã tăng lên 507 người và đến giai đoạn 2009 -  2011, bình quân mỗi năm có trên 1.200 người tham gia.

Mặc dù chưa đạt so với chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao nhưng so với các tỉnh, thành trong khu vực Trung Trung Bộ thì Quảng Ngãi là tỉnh dẫn đầu về công tác XKLĐ.

Để công tác XKLĐ thực sự đạt hiệu quả cao và bền vững thì việc đào tạo nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động nhằm tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài đáp ứng yêu cầu của thị trường XKLĐ là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Thời gian qua, lao động của tỉnh Quảng Ngãi trước khi đi làm việc ở nước ngoài đều được các doanh nghiệp XKLĐ phối hợp với các địa phương, các Trung tâm giới thiệu việc làm tổ chức bồi dưỡng nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cho người lao động. Ngoài ra các trung tâm giới thiệu việc làm và cơ sở dạy nghề thông qua chương trình đào tạo nghề nông thôn bước đầu đã tổ chức đào tạo nghề, ngoại ngữ cho người lao động nhằm tạo nguồn lao động chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường XKLĐ. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các huyện, thành phố đã tổ chức phối hợp và tư vấn, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người lao động về đào tạo nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi tham gia đi làm việc ở nước ngoài. Đến nay, khoảng 50% lao động đi làm việc ở nước ngoài được đào tạo nghề.

Từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh có 4.948 người đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 109 lao động về nước trong thời hạn. Thu nhập bình quân của người lao động từ 6 -7 triệu đồng/người/tháng, trong đó một số thị trường có thu nhập cao như Hàn Quốc (17-20 triệu đồng/người/ tháng), Nhật Bản (18 - 20 triệu đồng/người/tháng), Đài Loan (12 - 15 triệu đồng/người/ tháng). Một số thị trường có thu nhập thấp như Malaysia từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Các ngành nghề chủ yếu của người lao động khi làm việc ở nước ngoài là: Nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác thủy sản, xây dựng, cơ khí, lắp ráp điện tử, sản xuất chế tạo…

Hiện nay toàn tỉnh có 4.000 người đang làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng. Đa số các lao động của tỉnh đều chăm chỉ, sống, làm việc có tinh thần năng động, sáng tạo, có thái độ tuân thủ pháp luật và hợp đồng đã ký với đối tác nước ngoài.

Các gia đình có con em đi làm việc ở nước ngoài trên 90% có cuộc sống tốt hơn so với trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Nhiều gia đình nhờ vào nguồn thu nhập của con em đi lao động, làm việc ở nước ngoài đã phát triển sản xuất, xây dựng được nhà cửa khang trang, cải thiện đời sống vật chất cũng như tinh thần. Điều này được thể hiện rõ qua các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có con em đi làm việc ở nước ngoài theo Quyết định 71/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ.


Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, nhu cầu tiếp nhận lao động của các nước rất lớn. Các cơ chế, chính sách ngày càng được bổ sung hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh, là cơ hội để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của việc đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài.

Tỉnh Quảng Ngãi xem XKLĐ là biện pháp có hiệu quả nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập, phân công lại lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng nguồn thu ngoại tệ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tỉnh nhà.


Trần Tấn Châu
 


.