Gặp người thư ký tận tụy của Bác Đồng

04:05, 16/05/2012
.

(QNg)- Hai năm một lần, cứ đến ngày mất của Bác Phạm Văn Đồng (29/4), từ Thủ đô Hà Nội, ông lại lặn lội vào Quảng Ngãi thắp nén nhang thơm tưởng nhớ người mà ông vinh dự được làm thư ký cận kề suốt mấy chục năm trời. Năm nay, cũng đúng ngày này, ông lại về đất Quảng, dự 12 năm ngày giỗ của Bác Đồng và làm một số việc mà ông cho là "nhiệm vụ của người thư ký"…

TIN LIÊN QUAN


Người thư ký ấy là ông Nguyễn Tiến Năng. Năm nay ông 85 tuổi - cái tuổi lẽ thường được vui vầy bên con cháu, an hưởng phút giây thảnh thơi của cuộc đời. Nhưng ông lại tự bắt mình chưa được nghỉ ngơi, vì còn một số việc phải làm để trọn trách nhiệm với quê hương Quảng Ngãi, với thế hệ mai sau…

Người thư ký tận tụy Nguyễn Tiến Năng tỉ mẩn đọc lại các chú thích của kỷ vật trưng bày trong Nhà lưu niệm, nhắc nhở sửa lại cho đúng.
Người thư ký tận tụy Nguyễn Tiến Năng tỉ mẩn đọc lại các chú thích của kỷ vật trưng bày trong Nhà lưu niệm, nhắc nhở sửa lại cho đúng.


Chúng tôi có dịp theo chân ông Nguyễn Tiến Năng về Nhà lưu niệm bác Phạm Văn Đồng tại xã Đức Tân (Mộ Đức) trong những ngày đầu tháng 5/2012. Rong ruổi một ngày cùng tìm hiểu, lắng nghe, trò chuyện với ông, chúng tôi càng kính trọng và hiểu hơn vì sao cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lại chọn ông làm thư ký.

Ông Nguyễn Tiến Năng không nói nhiều về những kỷ niệm với vị cố Thủ tướng kính yêu hay những công trạng đóng góp cho quê hương đất nước. Ông bảo: "Những điều về bác Phạm Văn Đồng sử sách đã ghi chép đủ cả. Tôi chỉ muốn về đây làm nhiệm vụ của người thư ký chăm sóc cho Nhà lưu niệm thêm ấm cúng hơn thôi". Với suy nghĩ ấy, trong suốt thời gian lưu lại Quảng Ngãi, ông Nguyễn Tiến Năng đã dành trọn thời gian cho việc chăm chút, sửa sang lại khu lưu niệm Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Mọi việc ông làm, từ nhỏ nhặt nhất cũng đều toát lên tinh thần của một người thư ký: Tận tụy, chính xác, trung thực, trách nhiệm.

Buổi sáng đầu tiên về Nhà lưu niệm bác Phạm Văn Đồng, ông Năng tìm gặp, trò chuyện cùng Ban Giám đốc nhà lưu niệm. Lời nói, phong cách nhẹ nhàng, thân mật của người thư ký ấy đã tạo nên một không gian vô cùng ấm cúng, gần gũi. Ông Năng nói với đồng chí Lê Hoài Ngân - Giám đốc nhà lưu niệm: "Chú kiểm tra hộ tôi xem các tuyển tập viết về bác Phạm Văn Đồng đã được chuyển về đây đầy đủ chưa. Rồi xem thử việc bố trí phòng đọc sách cho người dân đến tham quan, tìm hiểu như thế đã hợp lý chưa, cần sửa chữa hay mở rộng gì không?".

Đồng chí Giám đốc Nhà lưu niệm đưa cuốn sổ mục kê danh mục sách, báo viết về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của bác Phạm Văn Đồng cho ông xem. Tỉ mẩn dò từng hàng chữ trong cuốn sổ ấy, bỗng ông dừng lại, rồi bảo: "Còn thiếu một số tập trong tuyển tập viết về bác Phạm Văn Đồng, tôi sẽ có trách nhiệm kiểm tra, nhắc nhở nhà xuất bản chuyển vào sớm cho Nhà lưu niệm".

Rồi ông nhắc khéo việc bố trí, sắp xếp lại cây xanh trong khuôn viên nhà lưu niệm cho thật hợp lý. Với giọng nói trầm ấm, ông Năng nói như nhắn nhủ: Các chú cần điều chỉnh lại theo hướng giảm bớt cây cảnh, tăng thêm cây bóng mát; đồng thời di chuyển các loại cây mà bộ rễ có khả năng ăn sâu vào đất, ảnh hưởng đến công trình, kiến trúc ra xa công trình. "Xứ mình là xứ bão, khi trồng cây phải tính cả đến sức chịu đựng của cây trước bão nữa chú ạ. Ưu tiên trồng cây bản địa và trồng thêm một số cây quen thuộc như sấu, hoa sữa vì khi ở Hà Nội làm việc, bác Đồng rất thích hai loại cây này".

Câu chuyện chuyển sang đề tài giữ gìn, trưng bày kỷ vật trong Nhà lưu niệm. Ông chỉ rõ từng điểm bất hợp lý trong chú thích ảnh, chú thích kỷ vật và đề nghị hướng sửa lại.

Ông Năng dừng lại trước một kỷ vật là bức tượng khắc họa chân dung vị cố Thủ tướng kính yêu, có chú thích: "Đây là bức tượng do họa sĩ Nguyễn Văn Ứng kính tặng bác". Ông Năng gọi Giám đốc Nhà lưu niệm lại nhắc nhở: "Chú phải chú thích lại là Tượng chân dung bác Phạm Văn Đồng do họa sĩ quân đội Lê Duy Ứng vẽ kính tặng bác".

Rồi ông kể lại cho mọi người đi cùng về tình cảm đặc biệt của Bác Phạm Văn Đồng khi còn sống đã dành cho người họa sĩ cách mạng tài hoa nhưng bị thương mù cả hai mắt khi tiến vào Sài Gòn giải phóng miền Nam. Lúc bị thương, máu từ hai con mắt chảy ra, Lê Duy Ứng đã lấy máu mình vẽ chân dung của Bác Hồ kính yêu và viết lên đó dòng chữ: "Ánh sáng niềm tin! Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân!". Cảm động trước tình yêu cách mạng của họa sĩ quân đội này, khi vừa giải phóng đất nước, cố Thủ tướng đã giúp đỡ và đưa Lê Duy Ứng ra nước ngoài chữa trị đôi mắt ấy…

Mỗi lời dặn dò, nhắc nhở của ông Năng đều là tâm huyết của cả cuộc đời làm thư ký cho vị cố Thủ tướng. Trước lúc chia tay Ban giám đốc Nhà lưu niệm, ông còn ân cần bảo rằng: "Khi sắp xếp, bố trí lại Nhà lưu niệm, các chú phải ghi nhớ một điều là làm sao cho việc trưng bày kín đáo, thân thiện, thuận tiện, chú thích chính xác. Sinh thời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người sống giản dị, tình nghĩa, thủy chung, không phô trương, hình thức, vì thế việc trưng bày cũng phải toát lên được đức tính này của Bác".


          Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.