Tiếp tục đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng công tác cán bộ

08:02, 01/02/2012
.

Theo Ban Tổ chức Trung ương, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong năm 2012 là tiếp tục đổi mới, triển khai đồng bộ và nâng cao chất lượng trong thực hiện các khâu của công tác cán bộ, chú trọng công tác đánh giá, quy hoạch, luân chuyển cán bộ và quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.  

 

Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2012. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2012. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Cùng với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay , trong năm 2012, ban tổ chức cấp ủy, cơ quan làm công tác tổ chức, cán bộ các cấp thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, đảm bảo quy trình, dân chủ, công khai, minh bạch các khâu của công tác cán bộ. Ngành Tổ chức xây dựng Đảng tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các đề tài, đề án thực hiện Kết luận số 37-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ đến năm 2020; tham mưu xây dựng một số đề án về công tác cán bộ: Đề án “Sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp quản lý cán bộ, Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử”. Ngành tham mưu hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, xác nhận quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành nhiệm kỳ 2015-2020; nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện quy hoạch cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý sản xuất, kinh doanh, cán bộ nghiên cứu khoa học, đội ngũ chuyên gia đầu ngành.

Ban Tổ chức Trung ương và ban tổ chức cấp ủy tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh thực hiện công tác luân chuyển cán bộ diện cấp ủy quản lý nhiệm kỳ 2010-2015; phối hợp tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết, các cấp ủy tổ chức thực hiện đổi mới công tác đào tạo lý luận chính trị trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quy định về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Ban Tổ chức cấp ủy các cấp tiếp tục nghiên cứu, tham mưu ban hành và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ: lương, phụ cấp, nhà ở, khen thưởng…; đề án chính sách nhà ở cho cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị…

Ban Tổ chức Trung ương cho biết, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, công tác quy hoạch cán bộ đã từng bước đi vào nền nếp, cơ bản đảm bảo sự đồng bộ từ dưới lên. Mỗi chức danh cán bộ được quy hoạch từ 2-3 người.

Số lượng cán bộ quy hoạch khá dồi dào góp phần chủ động trong công tác cán bộ, thúc đẩy thực hiện các khâu trong công tác cán bộ. Đến nay, cả nước đã có trên 1.100 cán bộ quy hoạch các chức danh diện Trung ương quản lý; 6.800 lượt cán bộ quy hoạch các chức danh diện Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý. Trình độ đào tạo của cán bộ trong quy hoạch được nâng lên.

Tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số có tiến bộ. Công tác bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử và luân chuyển cán bộ cơ bản theo quy hoạch. Kết quả bầu cử cấp ủy nhiệm kỳ 2010-2015 và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 vừa qua cho thấy: trên 95% cấp ủy viên, gần 100% ủy viên ban thường vụ và cán bộ chủ chốt HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong quy hoạch, 100% cán bộ được bổ nhiệm thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trong quy hoạch.

Một số địa phương, đơn vị (Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Nam Định, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, An Giang, Quân đội, Công an, Bộ Tài chính, Trung ương Đoàn, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam...) đã cụ thể hóa tiêu chí lựa chọn, giới thiệu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số.

Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ, tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc… đã cụ thể hóa tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ làm cơ sở cho công tác đánh giá, quy hoạch cán bộ. Một số địa phương: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Đà Nẵng, Lâm Đồng… đã có chương trình tiếp nhận, đào tạo sinh viên xuất sắc ra trường để quy hoạch, tạo nguồn cán bộ lâu dài.

Công tác luân chuyển cán bộ đã có chuyển biến tích cực, góp phần tích cực vào việc đào tạo, rèn luyện cán bộ trong thực tiễn, tạo điều kiện để cán bộ trẻ trưởng thành nhanh hơn, toàn diện hơn, từng bước khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín, trì trệ, bảo thủ trong đội ngũ cán bộ.

Đến nay, cả nước có trên 42.000 lượt cán bộ, lãnh đạo, quản lý được luân chuyển. Nhiều tỉnh, thành phố thực hiện việc luân chuyển, bố trí các chức danh bí thư, chủ tịch UBND cấp huyện không phải là người địa phương (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang…).

Các ngành kiểm sát, tòa án, công an, quân đội thực hiện tương đối rộng rãi chủ trương này ở cấp tỉnh và cấp huyện. 36% chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự và biên phòng, 20/63 giám đốc công an tỉnh, thành phố và trên 67% trưởng công an quận huyện không phải là người địa phương. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với địa phương luân chuyển một số cán bộ cấp vụ quy hoạch thứ trưởng về làm giám đốc sở các địa phương./.
 

Theo TTXVN


.