Chất lượng đảng viên: Vấn đề sống còn của Đảng

10:02, 07/02/2012
.

Việc nâng cao chất lượng đảng viên phải được kiểm soát một cách toàn diện trên cả 3 khâu: kết nạp, rèn luyện và đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Câu chuyện về những đảng viên vi phạm pháp luật thời gian gần đây đã không còn là chuyện hiếm, nhất là những đảng viên đương chức, đương quyền.

Theo báo cáo của Uỷ ban kiểm tra các cấp, năm 2011, đảng viên có dấu hiệu vi phạm tăng 15% so với năm 2010.

Đáng lưu ý những đảng viên vi phạm kỷ luật liên quan đến nhiều lĩnh vực  như: Vi phạm pháp luật, nguyên tắc tập trung dân chủ, chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, buôn lậu, trốn thuế, xử lý hành chính…

Ông Trần Lưu Hải- Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Trung ương cho biết, trong quá trình đi thực tế để chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 4 vừa qua, không ít đảng bộ cho rằng, chất lượng đảng viên là vấn đề thực sự cấp bách.

Thực tế cho thấy, việc đánh giá chất lượng đảng viên và tổ chức đảng hiện nay có nhiều bất cập.
 

Đại hội III diễn ra từ ngày 5/12-9 năm 1960, Đại hội lần đầu tiên tại thủ đô Hà Nội (Ảnh tư liệu)
Đại hội III diễn ra từ ngày 5/12-9 năm 1960, Đại hội lần đầu tiên tại thủ đô Hà Nội (Ảnh tư liệu)


Nhiều đảng viên và cán bộ được đánh giá “đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ” nhưng lại vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng.

Các chi bộ có đảng viên vi phạm pháp luật vẫn được đánh giá là “chi bộ trong sạch vững mạnh”... Những sai sót như vậy trong đánh giá chất lượng đảng viên, tổ chức đảng là rất nguy hiểm cho Đảng.

TS Đức Lượng- nguyên Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân cho biết, bài học của Liên Xô đổ vỡ vẫn còn đó. Hơn 20 triệu đảng viên vô cảm, đứng ngoài cuộc trong cuộc chính biến. Chính vì vậy, chất lượng đảng viên phải luôn luôn được coi trọng, phải được kiểm soát một cách toàn diện trên cả 3 khâu, từ khâu kết nạp cho đến khâu kỷ luật.

Ông Lượng phân tích, khi kết nạp đảng viên phải rất chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn, chất lượng và đặc biệt là xem động cơ của người vào Đảng. Thứ hai, khi đảng viên đã đứng trong hàng ngũ của Đảng thì phải không ngừng vươn lên, đúng vai trò tiên phong chứ không phải chỉ vào Đảng là xong. “Đã là đảng biên, bao giờ cũng gắn liền với sự hy sinh chứ không phải vào đảng là để đòi hỏi quyền lợi”, ông Lượng nhấn mạnh

Và một công đoạn nữa là đưa đảng viên ra khỏi đảng. Theo ông Lượng, khâu này cực kỳ quan trọng. Những người bị kỷ luật đảng phải bị xử lý nghiêm minh hơn đối với chính quyền.

Muốn cho đảng mạnh thì chi bộ phải mạnh. Muốn chi bộ mạnh thì cán bộ, đảng viên phải mạnh. Đó là quan điểm của PGS-TS Vũ Văn Phúc- Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Nhưng nuốn làm được điều này, ông Phúc cho rằng, đầu tiên phải nâng cao chất lượng đảng viên ở cơ sở và chất lượng sinh hoạt ở các loại hình chi bộ. Đồng thời trên cơ sở đó cần tổng kết thực tiễn để rút ra những vấn đề lý luận nhằm tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo và các tổ chức cơ sở Đảng. Mặt khác, đảng uỷ cấp trên cũng phải thường xuyên quan tâm đến tổ chức cơ sở Đảng và xây dựng đội ngũ đảng viên. Đặc biệt là phải thường xuyên thực hiện tốt công tác kiểm tra của Đảng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng là gồm các đảng viên mà tổ chức nên. Mọi công việc của Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết của Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”.

Đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy, việc xây dựng đội ngũ đảng viên thực sự trong sạch vững mạnh vừa là đòi hỏi tất yếu, vừa là yêu cầu cấp bách của toàn Đảng, toàn dân./.

 

Theo VOV


.