Quốc hội thảo luận dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật

09:11, 17/11/2011
.

Chiều nay (17/11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.
 
Đa số các ý kiến tán thành về sự cần thiết ban hành Luật. Nhiều đại biểu cho rằng, phổ biến và giáo dục pháp luật  cần có sự đan xen kết hợp chặt chẽ.

Ngoài những quy định chung trong dự thảo, đại biểu Lý Kiều Vân, Danh Út (Kiên Giang) cho rằng cần có  quy định riêng về giáo dục pháp luật trong nhà trường, gia đình, cơ quan , tổ chức...

 Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) đề nghị đưa  nội dung phổ biến , giáo dục pháp luật thành một môn học bắt buộc và phải thực hiện ngay từ lớp giáo dục mầm non để từ đó  hình thành nhân cách, tránh việc lồng ghép như hiện nay coi là môn giáo dục công dân tạo tâm lý môn học phụ.

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt cũng cho biết thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có chương trình giảm tải chương trình học, vì vậy  cần tính toán bố trí hợp lý cho môn phổ biến giáo dục  pháp luật, xây dựng nội dung  giáo trình phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp về nội dung và thời lượng cho từng cấp học.

Liên quan đến đối tượng phổ biến giáo dục pháp luật, theo các đại biểu Danh Út ( Kiên Giang), Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cần quan tâm ưu tiên đến các đối tượng  vùng dân tộc  thiểu số,  vùng sâu vùng xa, bởi đây là các khu vực trình độ dân trí còn hạn chế.

Ngoài ra, ý kiến nhiều đại biểu cũng đề nghị cần quy định trong luật  thời  gian tổ chức phổ biến pháp luật sau khi Luật ban hành.

Về xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật,  có ý kiến cho rằng cần phải đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực cho công tác này, tuy nhiên dự thảo luật còn quy định chung chung, chưa đưa ra được các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy xã hội hóa.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) đề nghị có chính sách cụ thể như hỗ trợ thuế, bố trí nguồn kinh phí hàng năm.

Ngoài ra, các vấn đề về ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (điều 7), về hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cũng được các đại biểu quan tâm.

Theo đó, dự thảo luật lấy ngày 9/11 hàng năm là ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm giáo dục ý thức thượng tôn của pháp luật. Trong ngày này, cả nước sẽ tổ chức các đợt cao điểm về phổ biến giáo dục pháp luật.
 
Theo VGP

.