Cách mạng Tháng Tám – 1945: Bước ngoặt vĩ đại của dân tộc

08:08, 19/08/2010
.
*Tuấn Anh

( QNĐT)- Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, nhân dân cả nước đã đồng loạt đứng dậy tiến hành Cuộc Tổng khởi nghĩa và đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền trong cả nước thuộc về tay nhân dân.
   
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước ta. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, đế quốc trong gần một thế kỷ, lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế mấy nghìn năm, lập nên nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông nam Châu Á, nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình.

Đảng ta từ một đảng hoạt động bí mật, bất hợp pháp trở thành một đảng cầm quyền và lãnh đạo chính quyền trong cả nước. Từ đây, đất nước, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
 
 
Phủ Khâm Sai (Bắc Bộ Phủ) 19/8/1945. Ảnh: T.L.
Phủ Khâm Sai (Bắc Bộ Phủ) 19/8/1945. Ảnh: T.L.

Nhận định về sự kiện, mốc son lịch sử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: …“Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc…".
   
Ở Quảng Ngãi, sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ vào ngày 11/3/1945, hệ thống chính quyền của địch rơi vào khủng hoảng, bộ máy thống trị của thực dân Pháp hầu như đã bị rệu rã.

Trước tình hình đó, hội nghị Tỉnh uỷ mở rộng vào cuối tháng 3 năm 1945 đề ra nhiều chủ trương cấp bách. Tỉnh uỷ Quảng Ngãi đã ra kế hoạch phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ VIII (tháng 5/1941); chương trình Điều lệ của Mặt trận Việt Minh và thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi đồng bào cả nước. Sau đó, tổ chức Việt Minh và Ủy ban Vận động cứu quốc các cấp nhanh chóng được hình thành, phát triển trong toàn tỉnh.

Bản chỉ thị "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" ngày 12/3/1945 của Trung ương Đảng được Tỉnh uỷ tiếp nhận, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng trong toàn Đảng bộ và quần chúng nhân dân.

Sau khi nhận được tin Hồng quân Liên Xô đã đánh bại phát-xít Nhật, trưa ngày 14/8/1945, tuy chưa nhận được lệnh của Trung ương, nhưng Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ngãi đã họp và nhận định: Thời cơ khởi nghĩa đã đến, phải cấp tốc huy động quần chúng nổi dậy vũ trang khởi nghĩa, đánh đổ toàn bộ chính quyền địch, giành chính quyền về tay nhân dân. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhanh chóng ra hai chỉ thị số 8 và số 9 gửi đến các cấp uỷ đảng và lực lượng vũ trang trong tỉnh.

Đúng 16 giờ ngày 14/8, tiếng trống khởi nghĩa vang lên từ Thi Phổ Nhất (Mộ Đức), rồi nhanh chóng lan đến các địa phương trong toàn tỉnh. Mệnh lệnh khởi nghĩa được truyền đến đâu, lập tức nhân dân các địa phương được vũ trang bằng gậy gộc cùng với các tổ chức tự vệ cứu quốc và du kích cứu quốc dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng và Việt Minh vùng lên khởi nghĩa.

    Từ chiều và đêm 14/8, hầu hết các làng, xã dọc đường Quốc lộ số 1, các lực lượng khởi nghĩa và nhân dân đã vùng dậy giành chính quyền. Riêng ở thị xã Quảng Ngãi, khởi nghĩa chưa kịp tiến hành bên trong nội thị nhưng ở bên ngoài quần chúng nhân dân đã nổi dậy, các lực lượng cứu quốc ở ga xe lửa đã huy động quần chúng chiếm ga và các vùng lân cận.

Đến đêm 15/8 hầu hết các làng xã, phủ, tổng, huyện kể cả thị xã Quảng Ngãi và đảo Lý Sơn, nhân dân đã nổi dậy giành quyền làm chủ. Ngày 15/8/1945, Tỉnh uỷ ra chỉ thị thành lập chính quyền cách mạng ở các làng, tổng, phủ, huyện, tỉnh.

Ở thị xã Quảng Ngãi trong đêm 15/8 lực lượng khởi nghĩa thu toàn bộ hồ sơ của Sở mật thám. Chánh Sở mật thám chạy trốn và bị bắt. Đến đêm 16/8, quân khởi nghĩa đánh chiếm dinh tỉnh trưởng và các cơ quan trực thuộc ngụy quyền, kể cả kho bạc. Tỉnh trưởng Lương Trọng Hối phải giao toàn bộ ấn tín, tiền bạc, vũ khí cho cách mạng.

Lực lượng khởi nghĩa bắt giữ Lương Trọng Hối để liên lạc, đàm phán với quân Nhật. Đến chiều ngày 25/8/1945, sau nhiều lần đàm phán, Việt Minh Quảng Ngãi và Nhật đã ký vào bản giao ước hòa bình, để quân Nhật rút khỏi thị xã.

Đến rạng sáng ngày 30/8/1945, hàng chục vạn quần chúng từ khắp các địa phương trong tỉnh kéo về tỉnh lỵ cùng quần chúng nhân dân ở Thị xã Quảng Ngãi tham dự mít tinh chào mừng lễ ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Lê Trung Đình.

Cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Ngãi đã giành được thắng lợi to lớn chỉ trong 3 ngày (từ chiều 14/8 đến tối 16/8/1945). Đó là ngày hội lớn của nhân dân các dân tộc, các tầng lớp, đặc biệt là đông đảo quần chúng lao động trong tỉnh vốn có truyền thống yêu nước và cách mạng lâu đời.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, trong Cách mạng Tháng Tám 1945, lần đầu tiên nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nhất tề đứng lên đập tan toàn bộ ách thống trị của bọn đế quốc và bè lũ tay sai tại địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân và mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ nhân dân làm chủ quê hương và vận mệnh của mình. Đó là thắng lợi vẻ vang, chói lọi và là một trong những bước ngoặt vĩ đại nhất của cuộc đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi.
   
Thắng lợi to lớn của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Ngãi là kết quả tất yếu của quá trình vận động cách mạng từ khi Đảng bộ được thành lập, trải qua các cuộc tổng diễn tập. Đó là cao trào cách mạng 1930-1931, thời kỳ Mặt trận dân chủ 1936-1939 và cao trào toàn dân nổi dậy giành chính quyền 1939-1945.

Trải qua 15 năm kiên trì đấu tranh cách mạng theo con đường của Đảng và Bác Hồ, tuy ở xa sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương, nhưng Đảng bộ đã bám chắc vào nghị quyết của Đảng, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm đấu tranh cách mạng, biết phát huy yếu tố truyền thống yêu nước, vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể để đề ra chủ trương, phương pháp và các hình thức tổ chức tập hợp lực lượng cũng như các phương thức đấu tranh phù hợp với từng thời kỳ.

Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Ngãi diễn ra trong lúc quân Nhật chưa kịp nhận lệnh đầu hàng, nên cuộc chiến đấu giữa ta và quân Nhật rất quyết liệt. Đó cũng là một đặc trưng của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám diễn ra ở Quảng Ngãi. Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng Quảng Ngãi đã đoàn kết đứng lên giành chính quyền trong toàn tỉnh khá sớm, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 trong cả nước./.

.