Bộ TN-MT chịu trách nhiệm quản lý nguồn tài sản quốc gia

08:06, 02/06/2010
.

Bộ TN-MT được giao nhiệm vụ giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về khoáng sản, nên giao cho Bộ này lập Quy hoạch về thăm dò, khai thác khoáng sản chung của cả nước sẽ thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản.

 

Than bị khai thác và đem bán vô tội vạ
Than bị khai thác và đem bán vô tội vạ

Chiều 2/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi). Đây là dự Luật quy định về việc quản lý, bảo vệ, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và hoạt động khoáng sản trong phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) có 87 điều được thể hiện trong 11 Chương. Trong đó có 53 điều được bổ sung mới toàn bộ về nội dung và 34 điều được sửa đổi, bổ sung. Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân về tài nguyên khoáng sản.

Luật Khoáng sản được Quốc hội khoá IX thông qua tại kỳ họp thứ 9, có hiệu lực từ ngày 1/9/1996 và được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2005 là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần thúc đẩy công nghiệp khai khoáng nước ta phát triển, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản còn có thiếu sót và nhiều bất cập. Hệ thống cơ chế quản lý chưa hoàn thiện, việc phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản còn phân tán, chưa hợp lý như phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, công tác tổ chức lập, thực hiện quy hoạch khoáng sản, khoanh định công bố khu vực khoáng sản... dẫn đến việc hoạt động khoáng sản còn phức tạp ở nhiều địa phương; nạn khai thác, tiêu thụ khoáng sản trái phép, xuất khẩu khoáng sản thô vẫn diễn ra ở nhiều nơi làm thất thoát nhiều tài nguyên khoáng sản.

Bên cạnh đó, được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên phong phú, nhiều chủng loại, tuy nhiên nguồn thu về cho ngân sách nhà nước từ các loại tài nguyên khoáng sản lại bị thất thu quá nhiều.

Trước thực trạng ấy, đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đa số đại biểu khi thảo luận đều đồng tình với việc phải sửa đổi Luật Khoáng sản hiện hành và cho rằng, dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) cơ bản đã khắc phục được những nhược điểm của luật hiện hành.

Thiếu quy hoạch chung, khoáng sản bị khai thác bừa bãi

Phân tích nguyên nhân của tình trạng khai thác, thăm dò khoáng sản lộn xộn, bừa bãi như vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng, nguyên nhân chính là chúng ta chưa có một quy hoạch chung về khoáng sản. Đại biểu Lê Quốc Dung (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh: Khoáng sản được coi là lương thực của các ngành công nghiệp, các nước khác đều đi khắp thế giới để tìm mua, thậm trí dự trữ, trong khi đó nguồn khoáng sản của Việt Nam lại chưa được hạch toán hết giá trị, chưa có chiến lược, quy hoạch để khai thác trong ngắn, trung và dài hạn.

“Mới chỉ có ngành Dầu khí có quy hoạch, còn lại các ngành khác đều chưa có, nhưng chúng ta vẫn tiến hành cấp phép khai thác”, đại biểu Đào Xuân Nay (đoàn Bình Thuận) bức xúc.

Trong khi quy hoạch là một khâu có ý nghĩa quan trọng trong quản lý tài nguyên khoáng sản và cần phải có Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung của cả nước để bảo đảm sự tập trung, thống nhất quản lý khoáng sản và tổ chức hoạt động khoáng sản theo quy hoạch chung, phù hợp với Chiến lược tài nguyên khoáng sản quốc gia, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm khoáng sản được bảo vệ, thăm dò, khai thác một cách hợp lý cả trước mắt và lâu dài, bảo vệ cảnh quan, môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững.

Bộ Tài nguyên-Môi trường chịu trách nhiệm lập quy hoạch chung

Nhiều đại biểu thống nhất với quan điểm của Ủy ban Kinh tế đề nghị giao Bộ Tài nguyên - Môi trường lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung của cả nước.

Bộ Tài nguyên-Môi trường được giao nhiệm vụ giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về khoáng sản nên giao cho Bộ này lập Quy hoạch về thăm dò, khai thác khoáng sản chung của cả nước sẽ thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản.

Bộ Tài nguyên môi trường là cơ quan tổ chức thực hiện điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; lập Chiến lược tài nguyên khoáng sản; khoanh định và công bố khu vực khoáng sản; cấp giấy phép hoạt động khoáng sản; thanh tra hoạt động khoáng sản, do đó việc giao cho Bộ tài nguyên và Môi trường thẩm quyền lập Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung của cả nước để trình Thủ tướng phê duyệt sẽ bảo đảm tính hệ thống, thống nhất, đồng bộ, đúng chức năng, nhiệm vụ và tính khả thi cao.

Sau đó, căn cứ vào các quy hoạch này, các ngành sản xuất (Bộ Công thương, Bộ xây dựng) lập Quy hoạch khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của ngành mình trên cơ sở tính toán cân đối các nguồn cung khoáng sản trong nước và ngoài nước để đảm bảo mục tiêu sản xuất của ngành.

Quyền lợi người dân khu vực khai thác khoáng sản được bảo vệ bằng luật

Nhiều ý kiến đại biểu đánh giá cao phần đổi mới ở dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) đó là đưa vào nội dung quy định về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác: như vấn đề ưu tiên sử dụng lao động địa phương; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất bị thu hồi để thực hiện dự án khai thác khoáng sản; đặc biệt, Nhà nước có chính sách điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác...

Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, đó chỉ là chính sách dành cho những khu vực đã có hoạt động khai thác khoáng sản.

Đại biểu Đào Xuân Nay (đoàn Bình Thuận) băn khoăn, đối với những khu vực, địa phương bị đưa vào diện cấm khai thác trong khoảng thời gian dài thì phải có chính sách dành cho người dân ở khu vực này, giúp họ có cuộc sống ổn định. Vấn đề này chưa được đề cập trong luật, đại biểu Đào Xuân Nay kiến nghị bổ sung nội dung này vào luật.

Đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) kiến nghị phải gắn trách nhiệm cụ thể, không chung chung như trong dự thảo luật để doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải có trách nhiệm với người dân và môi trường nơi có khoáng sản được khai thác.

Đại biểu Nguyễn Văn Ba (đoàn Khánh Hòa) kiến nghị nên có khoản riêng quy định các mỏ như thế nào, vị trí khai thác ra sao, nguồn khoáng sản, loại khoáng sản nào cho phép doanh nghiệp nước ngoài vào khai thác để tránh tình trạng “chảy máu” tài nguyên khoáng sản.

Sáng 3/6, theo chương trình làm việc, Quốc hội nghe các tờ trình Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Tố tụng hành chính, Luật Viên chức và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Buổi chiều, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050./.

Theo VOV


.