Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Đình Khối:
Hướng tới trí thức hoá cán bộ cấp xã, chuyên môn hoá cán bộ cấp huyện và đào tạo cán bộ có tầm chiến lược cấp tỉnh

03:07, 29/07/2009
.
 
 
(QNg) - Đồng chí Phạm Đình Khối-Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh: Để tiếp tục tạo ra sức bật mới đưa tỉnh nhà đi lên, một trong những nhiệm vụ được đặt ra là phải tập trung phát triển nguồn nhân lực, trong đó cần "xây dựng đội ngũ cán bộ theo hướng trí thức hoá cán bộ cấp xã, chuyên môn hoá cán bộ cấp huyện và đào tạo cán bộ có tầm chiến lược cấp tỉnh”.

 *PV: Thưa đồng chí, từ ngày tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã trải qua 4 kỳ đại hội (XIV, XV, XVI và XVII), dấu ấn của mỗi kỳ đại hội trong việc đề ra mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng tỉnh qua từng giai đoạn là gì?

*Đồng chí Phạm Đình Khối: Hai mươi năm sau ngày tái lập tỉnh, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tỉnh Quảng Ngãi đã thu được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng với nhịp độ khá cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật được đầu tư xây dựng và có bước phát triển khá. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện. Bức tranh kinh tế -  xã hội của tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều những gam màu tươi sáng đầy hứa hẹn. Có được những thành tựu quan trọng đó, một trong những nguyên nhân cơ bản là Đảng bộ tỉnh đã có quyết sách đúng đắn, phù hợp với từng giai đoạn. Điều này được thể hiện qua việc xác định các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển của 4 kỳ đại hội Đảng bộ, từ Đại hội XIV đến Đại hội XVII, mà mỗi kỳ đại hội đều đã để lại những dấu ấn khá sâu sắc.

Đại hội lần thứ XIV (1991-1995) Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu tổng quát là: Vượt qua mọi khó khăn thử thách, ổn định và phát triển kinh tế, từng bước nâng dần đời sống nhân dân, tạo tiền đề vật chất để đi lên trong những năm sau. Thực hiện mục tiêu này, Tỉnh tập trung mọi nguồn lực hoàn thành các hạng mục chủ yếu của công trình thuỷ lợi Thạch Nham, mở ra triển vọng to lớn trong sản xuất nông nghiệp và khả năng thuỷ lợi hoá ở các huyện đồng bằng. Công nghiệp chế biến mía đường và sau đường có bước phát triển khá. Cũng ở giai đoạn này, Tỉnh đã tích cực cùng với các Bộ, ngành Trung ương tiến hành khảo sát xây dựng đề án cảng nước sâu Dung Quất.

 Đại hội lần thứ XV (1996-2000), mục tiêu được đề ra là: Tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, vượt qua khó khăn thử thách, tích cực khai thác có hiệu quả nguồn lực của địa phương kết hợp chặt chẽ với tranh thủ nguồn lực bên ngoài để phát triển; tập trung đầu tư cho sản xuất đi đôi với đầu tư phát triển nguồn lực con người, cải thiện đời sống nhân dân. Ở giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt mức 8,56% (giai đoạn 1991-1995 là 6,73%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng, giảm tỷ trọng nông-lâm-ngư nghiệp (tỷ trọng nông-lâm-ngư nghiệp từ 51,16% năm 1995 giảm còn 40,19% năm 2000; tỷ trọng công nghiệp-xây dựng từ 15,74% năm 1995 tăng lên 22,96% năm 2000). Cơ sở vật chất phục vụ sản xuất nông nghiệp được tăng cường, có khoảng 120 công trình thuỷ lợi lớn nhỏ được xây dựng trong giai đoạn này, với tổng chiều dài kênh mương tưới tiêu hơn 1.600 km, trong đó hệ thống kênh mương Thạch Nham có 1.200 km. Về sản xuất công nghiệp, ngoài Khu công nghiệp Dung Quất được hình thành do Trung ương quản lý, tỉnh đã xây dựng 02 khu công nghiệp với hàng chục nhà máy, xí nghiệp đi vào hoạt động.

 Đại hội lần thứ XVI (2001-2005), mục tiêu được xác định là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa tỉnh ta trở thành tỉnh có công nghiệp và dịch vụ phát triển. Phát triển nông nghiệp toàn diện và vững chắc theo hướng sản xuất hàng hoá; phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, khôi phục các ngành nghề truyền thống mà tỉnh có nhiều lợi thế về nguyên liệu, lao động; góp phần cùng với Trung ương hình thành Khu Kinh tế Dung Quất và hoàn thành Nhà máy Lọc dầu số 1.
 
Xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển... Điểm nổi bật ở giai đoạn này là tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 10,3%. Đây là nhiệm kỳ đầu tiên chúng ta cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra (27/30 chỉ tiêu). Về cơ cấu kinh tế, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 22,96% năm 2000 lên gần 30% năm 2005, tỷ trọng nông-lâm-ngư nghiệp từ 40,19% năm 2000 xuống còn 34,76% năm 2005. Trong nông nghiệp đã hoàn thành việc chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ/năm. Kinh tế trang trại, kinh tế vườn có bước phát triển, với trên 400 trang trại quy mô vừa và nhỏ được hình thành. Kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn được tăng cường, nhiều hệ thống kênh mương được kiên cố hoá. Cùng với các khu công nghiệp, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch 8 cụm công nghiệp-làng nghề ở các huyện, thành phố. Đây cũng là giai đoạn, Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển Khu công nghiệp Dung Quất thành Khu Kinh tế Dung Quất, phát triển theo hướng hình thành khu kinh tế tổng hợp.

 Đại hội lần thứ XVII (2006-2010), Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu: Huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa tỉnh ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá đạt mức trung bình so với cả nước, trong đó, công nghiệp có bước phát triển nhảy vọt, dịch vụ phát triển mạnh, nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hoá đa dạng và chất lượng. Cùng với Trung ương đẩy mạnh xây dựng và phát triển Khu Kinh tế Dung Quất, trọng tâm là hoàn thành đúng tiến độ xây dựng Nhà máy Lọc dầu...

 Tiến bộ rõ nét nhất trong giai đoạn này là tốc độ tăng GDP bình quân ước đạt 14,82%. Trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 29,95% năm 2005 lên khoảng 46-47% năm 2009; nông-lâm-ngư nghiệp giảm từ 34,76% năm 2005 xuống còn 24-25% năm 2009. Phát triển công nghiệp được coi là nhiệm vụ đột phá của tỉnh trong giai đoạn này, với giá trị sản xuất tăng bình quân 37,77%. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động, dự kiến đạt sản lượng 3,2 triệu tấn năm 2009. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2006-2009 tăng bình quân hằng năm 41,81%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân hằng năm 59,76% (năm 2009 ước đạt hơn 3.000 tỷ đồng). GDP bình quân đầu người tăng nhanh, từ 0,24 triệu đồng năm 1989 đã nâng lên 5,11 triệu đồng năm 2005 và ước đạt 14,2 triệu đồng năm 2009.

 *PV: Theo đồng chí, công tác xây dựng Đảng trong 20 năm qua đạt được những thành tựu nào cơ bản nhất và những tồn tại cần khắc phục?

 *Đồng chí Phạm Đình Khối: Cùng với tập trung phát triển kinh tế văn hoá, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, công tác xây dựng Đảng thời gian qua luôn được Đảng bộ đặc biệt coi trọng. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn về tổ chức, bộ máy và cán bộ. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được tăng cường. Công tác tổ chức cán bộ đi vào nền nếp và đạt được những kết quả tích cực. Đại đa số cán bộ đảng viên có phẩm chất chính trị tốt, có lập trường, quan điểm cách mạng vững vàng, kiên định với mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Hệ thống tổ chức đảng và đảng viên có bước phát triển đáng kể.

 Khi tái lập tỉnh, toàn Đảng bộ có 20.982 đảng viên sinh hoạt tại 652 tổ chức cơ sở đảng, đến nay đã nâng lên trên 34.000 đảng viên, với 801 tổ chức cơ sở đảng. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm đúng mức. Nếu trong những năm đầu sau tái lập tỉnh, mỗi năm Đảng bộ chỉ kết nạp được 400 - 500 đảng viên thì ba năm trở lại đây bình quân mỗi năm kết nạp được 1.700 đến 1.800 đảng viên. Công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý được thực hiện thường xuyên, đồng bộ và đi vào chiều sâu. Công tác kiểm tra được tăng cường, góp phần thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị và giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

 Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn có những hạn chế cần khắc phục. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nói và làm theo Nghị quyết của Đảng. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chưa thật sự chuyển biến thành hành động thực tế. Trình độ, năng lực một bộ phận cán bộ chưa theo kịp yêu cầu, tỷ lệ cán bộ cấp xã chưa đạt chuẩn còn cao, tỷ lệ cán bộ khoa học so với số dân còn thấp. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị các cấp còn hẫng hụt. Một số chính sách liên quan đến công tác cán bộ, đến phát triển nguồn nhân lực còn chậm đi vào cuộc sống...

* PV: Từ nay đến cuối năm 2010 sẽ diễn ra đại hội đảng các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, xin đồng chí cho biết quan điểm đổi mới của Tỉnh uỷ trong lãnh đạo, chỉ đạo đại hội đảng các cấp - nhất là khâu nhân sự và chuẩn hoá, trẻ hoá đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh giai đoạn 2010-2015?

 *Đồng chí Phạm Đình Khối: Nghị quyết 06 của Tỉnh uỷ về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2007-2010, định hướng đến năm 2015 và Đề án 8738 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về đào tạo, tuyển chọn, chuẩn hoá đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn của tỉnh; tăng cường đội ngũ cán bộ có trình độ về cơ sở, đã thể hiện khá rõ quan điểm phát triển nguồn nhân lực - một trong hai nhiệm vụ đột phá của tỉnh. Đây cũng là những quan điểm cơ bản trong lãnh đạo, chỉ đạo về công tác nhân sự đại hội đảng các cấp, cần được quán triệt và vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cấp, từng ngành. Vì vậy, trong công tác cán bộ, tôi muốn nhấn mạnh ba vấn đề trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, về chuẩn hoá, trẻ hoá đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh, từ năm 2010 trở đi cần chú ý thực hiện đồng bộ các khâu: Quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ phải đảm bảo tính khách quan nhằm phục vụ cho phát triển... Thực hiện đúng quy trình khi bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử lần đầu đối với một số chức danh cán bộ, cần phải áp dụng các tiêu chuẩn đã quy định tại Nghị quyết 06 của Tỉnh uỷ. Trước mắt, cùng với việc chuẩn bị nhân sự để tiến hành đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 phải đảm bảo các tiêu chuẩn chính trị, trình độ, năng lực. Trong cơ cấu, ưu tiên trẻ hoá, nữ, dân tộc, đảm bảo tỷ lệ và cơ cấu hợp lý. Tỉnh uỷ sẽ triển khai thực hiện thí điểm hai nội dung lớn theo chủ trương của Bộ Chính trị, đó là thực hiện thí điểm chủ trương "đại hội đảng bộ cơ sở bầu cấp uỷ, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư" và "thực hiện thí điểm bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch uỷ ban nhân dân ở cấp xã".

Thứ hai, có thể nói rằng, công tác cán bộ là nội dung trọng tâm của nhiệm vụ đột phá về phát triển nguồn nhân lực. Trong điều kiện thực tế hiện nay, nhất là về trình độ, xu thế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từ nay đến năm 2015 và những năm tiếp theo phải tập trung vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ theo hướng trí thức hoá đội ngũ cán bộ cấp xã, chuyên môn hoá đội ngũ cán bộ cấp huyện và đào tạo đội ngũ cán bộ có tầm chiến lược cấp tỉnh. Có như vậy mới có thể vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, tiếp tục tạo ra sức bật mới, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới.

 Thứ ba, tuy khó khăn thách thức còn nhiều, nhưng thực tế ngày càng khẳng định Quảng Ngãi đang đứng trước những cơ hội rất lớn. Đó là, Nhà máy Lọc dầu đi vào hoạt động hết công suất; một số nhà máy lớn trong Khu Kinh tế Dung Quất nay đã đi vào sản xuất; nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang vào khảo sát, tìm cơ hội làm ăn tại Dung Quất Quảng Ngãi... Đặc biệt là tỉnh đang xây dựng đề án quy hoạch mở rộng và phát triển Khu Kinh tế Dung Quất thành thành phố công nghiệp mở, trong đó có trung tâm lọc - hóa dầu quốc gia và cơ chế chính sách, tài chính đặc thù cho tỉnh Quảng Ngãi trong một số năm đầu Nhà máy Lọc dầu đi vào vận hành sẽ trình và xin Trung ương trong quý III/2009. Do vậy, viêc phát triển nguồn nhân lực có ý nghĩa hết sức quan trọng và quyết định cho sự phát triển của tỉnh nhà.

*PV: Xin cám ơn đồng chí.

THANH TOÀN (thực hiện)

 

.