Chuyện học và hành

03:01, 30/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bao nhiêu năm nay, chúng ta cứ nói mãi: Học phải đi đôi với hành. Hành là hành động, nhưng với học sinh còn nhỏ tuổi, thì lao động, tập lao động chính là hành động. Tuy nhiên, cũng từ bao nhiêu năm nay, học không hề đi đôi với hành, chỉ học chay mà không hề có chương trình làm quen với lao động. Tới mức bây giờ, học sinh chỉ biết học, học ngày học đêm, học thêm học bớt, còn hành thì... không biết.

Đến nỗi, như lời kể của con dâu tôi dạy học ở TP.Hồ Chí Minh, thì sinh viên bây giờ tới lớp nhiều em còn phải để cha mẹ đưa đón, thậm chí để cha mẹ bỏ sách vở vào ba lô cho mình. Hôm nào cha mẹ quên bỏ quyển sách hay quyển vở của môn học đó, là sinh viên... bó tay, phải học chay, không cả sách lẫn vở. Như thế mà nói là “học đi đôi với hành” thì khó quá?

Tôi hỏi ra, mới biết, những gia đình thương con tới quá mức ấy, không hẳn là gia đình giàu có. Nhiều gia đình cũng chỉ vừa đủ ăn. Nhưng con họ thì hơn cả vàng, và chỉ có học, học nữa, học mãi, mà không hề biết bất cứ kỹ năng lao động nào.

Chương trình học mới cam kết sẽ cho học sinh học những nội dung thật sự cần thiết cho con người. Vậy thì, còn gì cần thiết cho một con người hơn là lao động? Là những kỹ năng lao động, dù là lao động chân tay hay lao động trí óc, lao động công nghệ cao hay lao động cần sự khéo léo và cảm xúc.

Còn nhớ, hồi nhỏ tôi đi học, cứ buổi sáng học chính khóa, thì buổi chiều lao động ngoại khóa. Chúng tôi lúc ấy còn rất nhỏ, nhưng đã biết trồng rau, tưới nước, bón phân cho vườn rau. Chúng tôi được nhìn tận mắt vườn rau mình chăm sóc xanh tốt thế nào, và đó là niềm vui hồn hậu của tuổi thơ.

Bây giờ, làm sao ở cấp học tiểu học hay THCS, hằng tuần học sinh được tổ chức cho về thăm và tham gia lao động nông nghiệp ở một vùng gần trường nào đó. Nếu có những vùng trồng rau sạch công nghệ cao thì quá tốt: Học sinh sẽ vừa biết chăm bón cây rau, vừa làm quen với kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao. Đó là những tiền đề căn bản để học sinh khi lớn lên hoàn toàn không bỡ ngỡ trước cuộc cách mạng 4.0.

Đừng bắt trẻ em phải làm những việc lao động hoàn toàn hình thức và phần nhiều là vô bổ nữa. Hãy hướng tới lao động kỹ thuật, nhưng ở mức độ rất vừa phải, phù hợp với lứa tuổi và khả năng nhận thức của các em. Đó mới thật sự là “hành” trong thời đại mới.

Muốn có thời gian cho học sinh được lao động, được “hành”, thì chương trình phải cắt giảm những kiến thức học không cần thiết hoặc quá tầm của lứa tuổi học sinh. Phải cắt giảm những lý thuyết suông, và tăng cường những bài học thực hành cụ thể, sinh động và phù hợp với thời đại công nghiệp và nông nghiệp kỹ thuật cao này.

Phải hướng học sinh tới ý thức bảo vệ môi trường, yêu quý thiên nhiên, biết từ trong lòng thiên nhiên mà tưởng tượng những điều đẹp đẽ, những ý tưởng mang tính sáng tạo, những cảm xúc trước cái đẹp, và biết phẫn nộ trước những cái xấu, cái ác. Đó chính là bài học đạo đức được dạy và học giữa thiên nhiên và giữa cộng đồng. Trường học không hề là một ốc đảo biệt lập với xã hội và môi trường.      

THANH THẢO
 


.