Chọn hành trình

01:01, 19/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Không phải chọn việc mà là chọn hành trình”. Tôi vừa đọc trên facebook của một anh bạn trẻ đã viết như thế. Để viết được câu này, tôi biết anh bạn trẻ ấy đã trải qua một quãng thời gian “làm người nhà nước” để rồi bỏ ngang. Rất nhiều bạn trẻ thèm muốn chỗ anh vừa bỏ ngang ấy. Tất nhiên, anh bạn nọ không phải chê vị trí anh đang có, hay công việc mà anh từng gắn bó. Anh ấy bỏ ngang chỉ vì sau một thời gian “chọn việc”, anh đã tìm thấy đường đi riêng cho mình, tức “tìm thấy hành trình”.

Quả thế thật, anh bạn trẻ nọ giờ đã là ông chủ của một doanh nghiệp chuyên làm ra những sản phẩm “không đụng hàng”. Ở Quảng Ngãi có hai người mà tôi rất ngưỡng mộ họ, dù “hành trình” mà họ đang đi ấy chỉ mới là bước khởi đầu. Đó là anh “vua tỏi” ở Lý Sơn và anh Tuấn Sport-người đã nghĩ ra cái bể bơi “di động” khá độc đáo. Chính sự độc đáo này mà anh chàng đã “kéo” được cả ngôi sao-kình ngư Ánh Viên về thị phạm các em học sinh tập bơi ở bể bơi của anh tại phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi). Cả hai thanh niên tôi ngưỡng mộ ấy, họ dám bỏ ngang công việc khá là “lý tưởng” cho nhiều bạn trẻ, để tìm hướng đi cho mình.

Dĩ nhiên, không một ai vừa mới bước vào đời đã thành một ông chủ cả, trừ con cái những “ông chủ” có một cơ ngơi sẵn, mà tất cả đều phải trải qua một chặng đường để mày mò, tìm kiếm hướng đi riêng cho mình. Tôi thích những bạn trẻ dám bước qua sự “ổn định” để dấn thân như thế. Dám dấn thân thì mới nhìn thấy “hành trình”. Dấn thân ở đây hoàn toàn khác với làm liều, khác với mơ mộng hão huyền.

Hằng năm, ngành LĐ-TB&XH đều có những báo cáo nêu các con số về giải quyết việc làm cho người lao động. Đoàn thanh niên cũng có báo cáo số liệu về giải quyết việc làm cho thanh niên trong năm. Mức khả tín về những con số báo cáo ấy sẽ rất thấp, nếu như các nhà quản lý không chỉ ra được đó là những công việc gì đã được “giải quyết”, hay chỉ nuôi dăm bảy chục con gà, vài con bò thì được gọi là “có việc”? Đó cũng là một dạng “có việc”, tạm gọi như thế, song chúng ta hoàn toàn không thấy được “hành trình” của người có việc ấy sẽ đi đến đâu cả.

Tiếp xúc với nhiều bạn trẻ mới ra trường, tôi thật sự tin vào họ khi nghe họ không thích “chạy chọt” xin xỏ để được làm “người nhà nước” mà họ “tự biên chế” cho mình. Ở một đất nước mà Nhà nước chấp nhận cho tồn tại nhiều thành phần kinh tế như nước ta hiện nay, thì những khát vọng “tự biên chế” để tìm “hành trình” cho mình là điều nên khuyến khích. Chừng nào loại bỏ hoàn toàn ý nghĩ phải phấn đấu để có biên chế nhà nước thì chừng ấy đất nước mới có cơ may thoát khỏi sự ì ạch như hiện nay. Muốn loại bỏ ý nghĩ đó, việc “chọn hành trình” cho mình là điều vô cùng quan trọng vậy.              

    TRẦN ĐĂNG
 


.