Phân luồng trong giáo dục phổ thông

04:01, 18/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày trước, thế hệ tôi và GS Nguyễn Minh Thuyết, học phổ thông chỉ mất 10 năm. Sau này thì hệ thống phổ thông chúng ta là 12 năm. Ngày trước, chưa có phân luồng trong giáo dục phổ thông, nhưng số học sinh thi đỗ vào đại học không nhiều, vì thi rất khó. Những học sinh không đủ điểm vào đại học có thể học trung cấp hay học nghề để đi làm công nhân, làm nhiều việc mà hệ trung cấp đào tạo được xã hội chấp nhận.

Bây giờ, học trung cấp thì gần như ra trường không xin được việc làm.

 Học đại học thì có nhiều trường đại học đào tạo “không thiếu thứ gì” nhưng ra trường cũng không xin việc được. Phải thấy số lượng ngày càng lớn tới mức nguy hiểm những sinh viên tốt nghiệp đại học ở Việt Nam không xin được việc làm. Với thị trường lao động ASEAN mở cửa, tôi nghĩ, số sinh viên tốt nghiệp và thất nghiệp này của Việt Nam cũng không có cơ hội tìm được việc. Vì trình độ tiếng Anh khá yếu kém, trình độ chuyên môn không cao, khả năng tự chủ trong công việc càng là vấn đề, do trường đại học ở ta đào tạo theo kiểu người học tiếp thu thụ động, bao năm rồi vẫn học theo kiểu thuộc lòng, nhai lại, thì làm sao vào được những thị trường lao động đòi hỏi sự năng động, chủ động và có kiến thức thực tế như thị trường Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Philippines? Người ta đang dự báo một làn sóng nhân lực lao động từ nhóm nước phát triển trong ASEAN này sẽ tràn sang Việt Nam và đó là điều hết sức nan giải cho chúng ta. Trả lời báo Thanh niên, GS Nguyễn Minh Thuyết nói: “So sánh với Châu Âu, điển hình là Đức, chúng ta thấy sự phân luồng nhân lực của họ rất rõ.

Ở Đức, sau khi học tiểu học 6 năm, học sinh (HS) sẽ được phân thành 3 luồng: Luồng thứ nhất là vào trường trung học 6 năm. HS phải có điểm tổng kết loại giỏi thì mới có thể vào học vì chương trình nặng hơn. Học xong chương trình này, các em có thể yên tâm vào ĐH. Tuy nhiên, số này chiếm tỷ lệ không lớn, vì để đạt được điểm tổng kết toàn 1 (điểm cao nhất của Đức) rất khó. Luồng thứ hai là vào trường trung học 5 năm, dành cho HS khá. Tốt nghiệp loại trường này, HS có thể học tiếp lên cao đẳng kỹ thuật.

Luồng thứ ba là vào trường trung học 4 năm. Tốt nghiệp loại trường trung học này, HS sẽ vào các trường trung học kỹ thuật.

Phân luồng như vậy mới là phân luồng nhân lực theo nhu cầu của thị trường lao động, còn phân luồng của ta cho đến nay vẫn ứng với các khối thi ĐH và như vậy thì không giải quyết được bế tắc hiện nay về việc phân luồng”.

Chính vì ở ta bây giờ có quá nhiều trường đại học, trong đó có những trường chất lượng đào tạo rất kém, cứ “mọi ngả đường đều dẫn tới…đại học” như thế, nên hệ thống trường dạy nghề ngày càng teo tóp.

Cái gì tốt của thế giới thì chúng ta nên học tập. Cái gì người ta đã sáng tạo thành công rồi thì chúng ta cứ áp dụng, khỏi cần “sáng tạo lại” nữa. Cũng như vậy, việc phân luồng trong giáo dục phổ thông đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng từ lâu và đã cho kết quả tốt đẹp, hà cớ gì mình cứ nêu “đặc điểm Việt Nam” để từ chối không áp dụng? Một khi giáo dục của chúng ta không tương thích với thế giới đang hội nhập ở trình độ ngày càng cao, thì khả năng bị “văng khỏi con tàu” là rất dễ thấy. Một công nhân giỏi còn hơn mười kỹ sư tồi, đó cũng là điều rất dễ thấy.   

 
Thanh Thảo


 


.