Núp bóng địa danh

08:11, 04/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mới đây, tại Hà Nội có một chuyện liên quan đến việc mua bán nhưng lại mượn tên của một địa danh nổi tiếng là “Lý Sơn” để tiêu thụ thứ sản phẩm mà người nọ đang cần bán. Người đó tên Thắm, quê ở đảo Lý Sơn, mang tỏi và hành ra thủ đô, nhờ đội thiện nguyện giăng băng rôn để kêu gọi mọi người mua hành, tỏi Lý Sơn “đang tồn kho”. Theo giá đề trên tấm băng rôn thì tỏi 75.000đ/kg, hành 45.00đ/kg.

Giá này cũng không quá đắt vì hiện nay, tại chợ Quảng Ngãi, giá 1kg tỏi loại 1 đã 70.000 đồng và hành thì 35.000 đồng/kg rồi. Vận chuyển cả nghìn cây số mà bán mỗi ký tỏi chênh lệch 5.000 đồng, hành 10.000 đồng thì có lẽ số lãi kiếm được chẳng đáng là bao. Vậy “anh Thắm” tự xưng là dân Lý Sơn và nói tỏi hành đang tồn kho hàng trăm tấn như thế để làm gì? Chỉ có thể trả lời rằng, để gợi chút trắc ẩn của mọi người đặng mà bán cho nhanh, chứ hoàn toàn không phải để “chặt chém” khi bán hành tỏi.

Nói đến Lý Sơn thì người dân cả nước đều biết. Người ta biết đến Lý Sơn không chỉ vì đó là hòn đảo xinh đẹp mà địa danh ấy gợi cho người dân Việt Nam nhớ về sự can trường của cha ông ta thuở đi mở cõi và trải qua hàng trăm năm bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Vì vậy, mọi sự khó khăn của người dân ở Lý Sơn lập tức nhận được ngay sự đồng cảm và chia sẻ của cộng đồng. Mua ủng hộ vài ký tỏi, đôi cân hành thì chẳng đáng là bao, nhưng lòng người mua sẽ được thanh thản vì họ cảm thấy mình đã chia khó với nơi đầu sóng ngọn gió ấy rồi.

Núp bóng địa danh để bán được hàng là một cách tiếp thị sản phẩm có phần “láu cá” của người bán hàng nhưng không làm phương hại đến túi tiền của người mua. Nếu có phương hại chăng thì cũng chỉ là làm giảm đôi chút “uy tín” của các nhà phân phối hành tỏi ở đất đảo mà thôi. Vì rằng, một sản phẩm như tỏi và hành, đã có “số má” như vậy mà bán không trôi thì là quá kém trong khâu phân phối vậy.

Tuy nhiên, qua câu chuyện “núp bóng” này có thể sẽ giúp cho các nhà quản lý ở Lý Sơn “sáng ra” nhiều việc, trong đó có việc tiêu thụ sản phẩm “đặc thù” là hành tỏi Lý Sơn. Không phải năm nào loại đặc sản này cũng tiêu thụ tốt, không còn hàng tồn kho. Có những năm, tỏi Lý Sơn rớt giá thê thảm, đã vậy còn tiêu thụ chậm khiến hàng trăm gia đình gắn với cây tỏi, cây hành phải lao đao. Một phần do tỏi Trung Quốc giá rẻ ồ ạt tràn vào nước ta, nó đánh trực diện vào các bà nội trợ “ham của rẻ”, nhưng có lẽ phần lớn là khâu tiếp thị còn yếu. Nhiều người bạn của tôi ở Hà Nội và TP. HCM sau khi sử dụng tỏi Lý Sơn một vài lần là y như rằng họ “dính” luôn với loại sản phẩm này trong mỗi bữa ăn chứ không xài loại tỏi khác.

Vậy thì các nhà phân phối hành tỏi ở Lý Sơn có cần phải “núp bóng địa danh” như anh Thắm kia không? Hẳn là không cần phải núp bóng như thế một khi chúng ta tiếp thị sản phẩm một cách tốt nhất và có một hệ thống phân phối rộng khắp.


TRẦN ĐĂNG
 


.