Dân bảo vệ môi trường

09:04, 23/04/2015
.

*Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Có người sẽ hỏi ngược: Dân không bảo vệ môi trường thì ai bảo vệ? Nhưng hỏi như thế thì bỏ Cục Cảnh sát bảo vệ môi trường cho ai?

Tôi thử mở trang web của Cục chức năng này, thì những đơn vị doanh nghiệp bị phạt vì làm ô nhiễm môi trường được cập nhật mới nhất là ở tháng 4 năm… 2014. Và đều là những vụ rất nhỏ lẻ. Ở đây phải công nhận vai trò của Cảnh sát môi trường (CSMT) tuy đã có nhưng còn rất mờ nhạt.

Có rất nhiều lý do để phần nào thông cảm với những khó khăn, những áp lực của CSMT, nhưng quả thật, trong điều kiện môi trường Việt Nam bị xâm hại liên tục và nặng nề như hiện nay, thì ở nhiều lúc và nhiều nơi, cơ quan nhà nước chuyên bảo vệ môi trường đã không thể làm xuể.

Bây giờ thì mỗi người dân thường cũng đều thấy, môi trường sống quan trọng với mình đến thế nào! Có thể kiếm ra nhiều tiền, đời sống vật chất của gia đình có thể khá lên, nhưng nếu phải sống trong môi trường bị ô nhiễm và xâm hại, thì của cải, tiền bạc sẽ đều “đổ sông đổ biển”, sẽ đều “đội nón ra đi”, bởi bệnh tật hiểm nghèo đang sầm sập kéo đến, bởi chết chóc tang thương đang báo hiệu.

Môi trường không phải chuyện của một người, của một vùng cư dân, của một địa phương, thậm chí của một quốc gia. Việt Nam đã hơn một lần phản đối việc xây dựng thủy điện lớn trên sông Mê-Kông ở Trung Quốc, ở Lào. Vì sông Mê-Kông là một dòng chảy thống nhất, nó thuộc về tất cả các quốc gia mà nó chảy qua, kể cả những quốc gia lân cận với dòng sông. Không lẽ gì, khi nhà nước phản đối chuyện xây dựng thủy điện lớn trên sông Mê-Kông vì bảo vệ môi trường, thì tỉnh Đồng Nai ngang nhiên cho lấp sông Đồng Nai để “tạo quỹ đất” làm việc khác.

Sông Đồng Nai đâu phải của riêng Đồng Nai, vì thế hành động này là vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ môi trường và phải bị xử lý nghiêm khắc. Nhưng cho tới bây giờ, chưa có cơ quan chức năng nào phán quyết một cách rõ ràng về trường hợp này.

Còn với vụ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 xả xỉ thải và bụi bẩn gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, thì nhân dân Bình Thuận đã phải lên tiếng nói bảo vệ môi trường. May mà sau đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải chính thức xin lỗi dân và khẩn cấp ngăn chặn việc xả bẩn, đồng thời cam kết biện pháp và thời hạn khắc phục.

Có thể những hành động bảo vệ môi trường của người dân là tự phát, nhưng một khi các cơ quan chức năng có trách nhiệm bảo vệ môi trường không “tự giác” làm phần việc của mình, thì làm sao trách dân “tự phát”.

Trong các vụ dân phục kích chặn bắt các xe chở gỗ lậu mới bị lâm tặc chặt phá trên rừng, thì càng thấy vai trò chủ động của nhân dân, và vai trò rất bị động của kiểm lâm. Còn với những vụ hút cát trên sông hay trên biển, thì dù là “hút lậu” hay “hút có… phép”, một khi đã xâm hại môi trường sống và bị nhân dân phản đối, thì giải pháp tối ưu là lãnh đạo các địa phương có “hút cát” phải lập tức cho dừng ngay chuyện hút cát, và phải lập tức xử lý để trả lại môi trường bình thường cho cuộc sống người dân.

Ở đây, có thể thấy, vai trò tích cực của nhân dân trong bảo vệ môi trường, khi “mỗi người dân là một cảnh sát môi trường”. Chúng ta đã chẳng từng hô hào như thế sao?       
     
 


.