Những chuyện rất bất thường

09:02, 25/02/2015
.

*Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- “Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, trong những ngày nghỉ Tết này đã có hơn 5.000 người phải nhập viện do tai nạn đánh nhau, ngày cao nhất với 900 trường hợp và 11 người tử vong”.

Tôi phải đọc đi đọc lại con số này nhiều lần vì sợ mình nhầm. Nhưng nhiều cơ quan truyền thông đều đưa tin như vậy, con số là do Bộ Y tế công bố sau khi có báo cáo tổng kết. Tai nạn giao thông trong ba ngày Tết là chuyện năm nào cũng có. Nhưng năm nay mới có thêm tổng kết về tai nạn do… đánh nhau.

Đó mới thực sự là tai họa, do con người chủ động gây ra cho đồng bào của mình, và gây ra cho chính mình. Nó là một báo động đỏ về tình trạng bạo lực leo thang trong xã hội. Ngay trong những ngày Tết, là những ngày mà lẽ ra, người Việt mình phải cư xử với nhau một cách hài hòa nhất, thân thiện nhất.
 

Ngày Tết, gặp nhau là chúc vạn sự lành, trăm điều tốt đẹp trong năm mới. Nhiều mắc mớ, trắc trở, mâu thuẫn trong năm cũ cũng được mọi người chủ động dẹp bỏ, gác sang bên trong ba ngày Tết. Lẽ nào trong ba ngày Tết, gặp nhau là đưa… nắm đấm, hoặc tệ hơn, là hung khí để… mừng Xuân(?).

Có thể rượu bia là một tác nhân cho tình trạng bạo lực leo thang ba ngày Tết, nhưng ngay từ xa xưa, người ta đã uống rượu mừng Xuân, chúc nhau vạn sự lành khi gặp gỡ. Chẳng lẽ hồi đó cũng đã có những con số kinh hoàng hơn 5.000 người bị chấn thương do ẩu đả hay sao ? Tôi không tin như vậy, dù hồi xưa không có những con số tổng kết cụ thể như bây giờ.

Cũng như hồi xưa dù trong ba ngày Tết người ta có bày hoa ra đường cho đẹp thì cũng không ai nỡ “xông lên” cướp lấy mang về nhà mình, như thông tin này “22h tối mùng 4 Tết (22/2), đường hoa Hàm Nghi chính thức đóng cửa. Dù bảo vệ canh gác nghiêm ngặt nhưng cũng có một số người tranh thủ lén lấy hoa và trái cây đem về”. Dù đó không phải chuyện lớn như ẩu đả dẫn tới án mạng, nhưng nó cũng phản ánh một tâm lý rất bất thường trong một bộ phận người thuộc một cộng đồng vốn có truyền thống văn hóa và nhân ái như cộng đồng dân tộc Việt.

Đừng xem những chuyện này là chuyện nhỏ, vì nó phản ánh một tâm thế rối loạn nào đó của tâm lý đám đông, nó chứa chất những dồn nén không bình thường nào đó trong những con người vốn bình thường. Chẳng lẽ, ngày Tết lại tạo nên những “bùng nổ” bất thường như thế trong hành xử và tâm lý của đám đông? Đó là điều cả xã hội cần suy nghĩ.

Đã đành, bia rượu là tác nhân tiêu cực trong chuyện này, nhưng cũng không nên đổ hết cho bia rượu những điều mà con người đã làm, dù có uống rượu hay không. Cũng như chuyện “cướp hoa trên giàn”, đây không hẳn vì giá trị sử dụng hay mua bán, vì của cướp được nhiều khi chẳng đáng gi. Nhưng nó phản ánh một thứ tâm lý “xâu xé”nào đó, “của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng” nào đó, mà người dân phải chứng kiến trong suốt cả năm, tới mức một bộ phận trong nhân dân cũng tự nhiên “thấm nhuần” thứ “triết lý vơ vét” tệ hại này.

Bạo lực hay cướp giật đều rất xấu. Nhưng vì sao nó lại xảy ra hơi bị nhiều trong ba ngày Tết-thời gian dành cho sự tốt đẹp và an lành-Đó là điều chúng ta, từ người dân tới các cơ quan công quyền, cần suy nghĩ một cách nghiêm túc về những “hiện tượng lạ” ấy./.        
 


.