Những con số biết nói

07:01, 02/01/2015
.

*Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- “GDP Việt Nam 2014 đạt 5,98%”. Đó là một tin hết sức tốt lành trong ngày đầu năm mới 2015, nếu người ta biết trong năm 2014 kinh tế thế giới đã phải trải qua những biến động và khó khăn tới mức nào.

TIN LIÊN QUAN

Đơn cử: một người bạn lớn truyền thống của Việt Nam là Nga đã bị sụt giảm GDP “một cách đáng sợ” và kinh tế có nguy cơ hiển nhiên rơi vào suy thoái trong năm 2015. Trong khi đó, với Việt Nam, lần đầu tiên sau 3 năm, khu vực sản xuất và công nghiệp xây dựng có mức tăng cao hơn khu vực dịch vụ. Doanh thu bán lẻ tăng, bên cạnh việc thu nhập đang tăng nhanh hơn chi tiêu cho đời sống. Thị trường bất động sản xuất hiện những tín hiệu phục hồi, đặc biệt là phân khúc bình dân.

Giá trị tiền đồng ổn định chính là yếu tố then chốt để bình ổn tỷ giá. Lạm phát được kiểm soát tốt khi con số lạm phát năm 2014 đã thấp ngoài dự đoán của Tổng cục Thống kê với việc 12 tháng qua chỉ tăng 1,86%. Chính điều này cũng là nhân tố góp phần làm giảm lãi suất.

Tôi đọc những con số ấy với niềm vui. Không phải những người làm văn chương chỉ biết tới những con chữ đẹp. Họ còn quan tâm tới những ‘con số biết nói”, vì những con số đó liên quan trực tiếp tới đời sống của họ, của gia đình họ, của cộng đồng mà họ đang chung sống.

Nhưng không phải tất cả những con số trong năm 2014 đều là những con số lạc quan cả. Như chỉ số nợ công chẳng hạn. Nó đang tăng nhanh, gần tới ngưỡng báo động, còn “báo động” ấy có màu gì thì lại phụ thuộc vào năm 2015 và những năm tiếp sau, Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề nợ công  như thế nào. Tôi mới rất vui vì thông tin từ Bộ Y tế rằng bắt đầu 1.1.2015, người nghèo, người dân tộc thiểu số (đối tượng 1), người cận nghèo (đối tượng 2) trong cả nước khi đi chữa bệnh đúng tuyến sẽ được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả 100% cho đối tượng 1, và 95% cho đối tượng 2.

Chưa kịp vui nhiều hơn thì lại gặp thông tin từ 1.1.2015, cũng BHYT sẽ giảm chi trả tới 50% cho các loại thuốc đặc trị và những kỹ thuật điều trị cao với một số bệnh hiểm nghèo, trong đó có bệnh ung thư. Lý do: Sợ Quĩ BHYT “bể”. Đó là một lý do rất đáng sợ, nhưng không thể vì vậy, mà nhà nước không có những giải pháp, để những người lương thấp, thu nhập thấp mắc bệnh hiểm nghèo cam đành chịu chết. Vì cả hai con số ấy đều là những “chỉ số nhân ái” của chế độ, nó tác động tới xã hội nhiều hơn là chúng ta tưởng.

Việt Nam hiện nay có dân số ước tính khoảng hơn 93 triệu người, đứng hàng thứ 13/243 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Về giáo dục, theo chỉ số Human Development, Việt Nam đứng hàng 121/187, dưới trung bình. Không một trường đại học nào của Việt Nam lọt vào danh sách trường đại học có danh tiếng và có chất lượng trên thế giới.

Về bằng phát minh sáng chế, theo International Property Rights Index, Việt Nam đứng hàng thứ 108/130 tính theo giá trị trí tuệ, nghĩa là gần đội sổ. Theo chỉ số ô nhiễm, Việt Nam đứng ở vị trí 102/124, cũng gần đội sổ về ô nhiễm môi trường. Về thu nhập tính theo đầu người, Việt Nam đứng trong nhóm 1/3 quốc gia có mức thu nhập tính theo đầu người thấp nhất. Như thế, dù với tăng trưởng kinh tế tính theo GDP năm 2014 Việt Nam đạt 5,98%-vào loại cao trên thế giới-nhưng chúng ta còn biết bao việc phải làm để thoát cái bẫy “thu nhập trung bình” mà chúng ta vừa hồ hởi bước vào.

Có hai chỉ số thực sự đáng báo động với Việt Nam, đó là chỉ số giáo dục thấp và chỉ số ô nhiễm môi trường cao. Trong khi “môi trường giáo dục” của chúng ta từ bao năm qua đầy những vấn đề bức xúc và thiếu tích cực, thì môi trường sống của chúng ta lại đầy ô nhiễm tới mức đáng báo động. Những con số lặng lẽ và khách quan đã nói lên rất nhiều, hơn cả những phê phán nặng nề hay ngợi ca dễ dãi.

Là nhà thơ, lẽ ra trong bài viết đầu năm của mình, tôi ưu tiên cho chữ nghĩa, cho “những lời có cánh” như thông lệ. Vì sao tôi lại quan tâm nhiều tới những con số lạnh lùng? Vì tôi nghĩ, những con số như vừa dẫn trung thực và công bằng hơn cả ngôn ngữ, và nó nói lên được nhiều điều hơn với chúng ta ở ngày đầu năm mới. Cải cách giáo dục đang được khởi động ở Việt Nam như một yêu cầu nội tại, nhưng sẽ cải cách theo hướng nào, có thực chất không hay vẫn hình thức…tất cả vẫn đang ở thời điểm chờ đợi.

Nếu trong 10 năm tới, chúng ta không cải thiện được vị thế trên bảng xếp hạng về giáo dục, nước ta sẽ tụt hậu rất sâu. Cũng như vậy, nếu môi trường sống không được cải thiện, chúng ta rồi kẻ trước người sau sẽ là nạn nhân của bệnh tật, trong đó nổi lên là những bệnh hiểm nghèo. Và lúc đó, dẫu BHYT có chi trả 100% cho các loại thuốc đặc trị ung thư chẳng hạn, thì con số người chết vì ung thư hàng năm sẽ khiến chúng ta phải kinh hoàng.

Những con số lạnh lùng cảnh báo với chúng ta về những nguy cơ rất hiện thực, nó cũng không kém phần nguy hiểm nếu so với nguy cơ tham nhũng. Cũng như việc chống tham nhũng, việc nâng cao chất lượng và vị thế giáo dục của Việt Nam, việc cải thiện môi trường sống chống ô nhiễm ở Việt Nam là những việc rất lớn không thể giải quyết trong ngắn hạn. Nhưng không thể nhắm mắt làm ngơ hay trì hoãn “sống chung”, mà không có những chiến lược cụ thể để khắc phục.

Đó cũng là những việc lớn chúng ta không thể hô hào suông, khẩu hiệu suông mà hy vọng mọi chuyện tốt lên./.
 


.