Chảy máu chất xám

09:01, 17/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nói chuyện “chảy máu chất xám” thì trước nhất, phải hỏi lại: “Có “chất xám” hay không, để mà “chảy”?” Còn khi, câu hỏi ấy đã được trả lời rõ ràng: Có chất xám! Thì câu chuyện “chảy máu chất xám” đối với Việt Nam đã thành câu chuyện đáng lo ngại. Việc hàng trăm phi công ở VietNam Airlines (VNA) đồng loạt tìm cách xin nghỉ việc có thể được nhìn từ mấy góc độ khác nhau, nhưng tựu trung, đó là một hồi chuông gióng lên ngay trước thềm Việt Nam chuẩn bị hội nhập vào khối Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 với quy định: Các quốc gia thành viên phải thực hiện cam kết về tự do luân chuyển lao động trong khối.

Nếu nhìn vào lộ trình tăng lương của VNA đối với phi công và cán bộ kỹ thuật hàng không của họ, thì dường như vấn đề lương chưa phải là vấn đề nổi cộm khiến cùng lúc hàng trăm phi công muốn rời khỏi VNA. Vậy thì vì cái gì? Điều này, chính lãnh đạo VNA phải tìm ra câu trả lời chính xác, nếu không muốn rơi vào khủng hoảng vì “thiếu nhân lực trình độ cao”. Một khi đã có luật lao động, nhất là khi luật luân chuyển lao động trong hàng chục quốc gia thuộc khối ASEAN có hiệu lực (dĩ nhiên ở đây phải ngầm hiểu là “lao động có trình độ cao”), thì việc muốn giữ chân lao động có trình độ cao không chỉ dựa vào mức lương là đủ. Cuộc “giữ chân” ấy phải được thực hiện một cách đồng bộ, từ lương, thưởng, tới môi trường làm việc, thái độ đối với nhân lực có chất xám cao, khả năng phát huy năng lực cao ấy trong điều kiện cụ thể. Tóm lại, phải tạo được một “không gian sáng tạo” dành cho nhân lực có trình độ cao. Nói tới môi trường sáng tạo, là phải nghĩ ngay tới môi trường của tự do và dân chủ. Không tạo được điều kiện cần và đủ cho chủ thể sáng tạo, thì không thể có thành quả của sáng tạo. Trong mỗi công việc cần chất xám thực sự, đều tiềm ẩn một câu hỏi: Người sáng tạo phải được đối xử như thế nào?

Tôi vừa có cuộc làm việc ở Nhà máy lọc dầu Dung Quất (NMLD DQ), khi “ngôi vị độc tôn” về lọc dầu ở Việt Nam của Nhà máy này sắp phải chịu áp lực và thách thức từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa). Đầu tiên, sẽ là thách thức về “dòng lưu chuyển nhân lực”, khi mức lương ở Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có thể cao gấp đôi mức lương ở NMLD DQ trả cho cùng một đối tượng. Đó mới là thách thức về mức lương. Sẽ còn những thách thức khác nữa, nếu lãnh đạo NMLD DQ chưa nhận ra. May quá, lãnh đạo NMLD DQ ngay từ trước đó đã nhận ra những thách thức này và đã tìm rất nhiều biện pháp nhằm “giữ chân người tài” của mình.

Phải nói, qua 6 năm chính thức vận hành thành công và tuyệt đối an toàn, NMLD DQ đã là một điển hình ngời sáng không chỉ cho nền công nghiệp Việt Nam, mà còn cho “chuỗi” nhà máy lọc dầu đang hình thành tại Việt Nam. Một trong những kinh nghiệm của NMLD DQ khi muốn giữ chân người tài là phải liên tục đào tạo “người tài mới”, học theo cách làm bóng đá của Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG, là chủ động đào tạo nhân tài để cung ứng cho nhu cầu “nước chảy chỗ trũng”. Nếu trong tương lai gần, với NMLD DQ, “chỗ trũng” đó là nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, thì từ năm 2016, dự kiến Dung Quất sẽ cung ứng cho Nghi Sơn từ 50-70 chuyên gia tầm quốc tế. Nhưng cũng phải nói, cái khó nhất với NMLD DQ hiện tại vẫn là chuyện…lương. Nếu muốn giữ chân người tài của mình, mà mức lương vẫn như bây giờ, thì thật khó!.      
  

Thanh Thảo
 


.