Chiến lược của niềm tin

07:05, 27/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9.2.2007 "Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020". Nghị quyết đề ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo...

Với Quảng Ngãi, một tỉnh ven biển, có ví trí địa lý kinh tế, an ninh quốc phòng khá quan trọng trong quá trình thực hiện chiến lược biển quốc gia. Vì thế, tỉnh ta xác định, xây dựng vùng biển, ven biển, hải đảo phát triển toàn diện, bền vững cả nông- lâm- ngư nghiệp; công nghiệp- xây dựng- thương mại dịch vụ và xuất nhập khẩu, để đến năm 2020 trở thành một tỉnh phát triển mạnh về biển, làm giàu từ biển.
 

Đến nay, sau gần nửa chặng đường thực hiện, mục tiêu "phát triển mạnh về biển, làm giàu từ biển" đã bắt đầu có hình hài rõ nét. Đó là, một KKT Dung Quất  với cảng biển nước sâu Dung Quất năng động, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; một hạ tầng kinh tế- xã hội vùng ven biển, hải đảo đã và đang từng bước được đầu tư đồng bộ; một huyện đảo Lý Sơn ngày một khởi sắc; một TP.Quảng Ngãi đang hướng ra biển...

Hàng ngàn tỷ đồng đã được giải ngân, hỗ trợ cho ngư dân mua sắm ngư lưới cụ, cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi xa đánh bắt hải sản. Phương thức hoạt động đánh bắt đơn lẻ của ngư dân được thay đổi bằng những mô hình đánh bắt theo tổ, đội để phù hợp với điều kiện mới và có hiệu quả hơn. Phương thức quản lý, hỗ trợ ngư dân của Nhà nước cũng theo kịp với yêu cầu phát triển mới, bằng cách hình thành và ra đời các Nghiệp đoàn nghề cá, HTX dịch vụ thuỷ sản, đánh bắt xa bờ; các cơ chế tài chính ưu đãi... Nhờ đó, hoạt động trên biển của ngư dân không còn lẻ loi, đời sống vật chất, tinh thần cũng từng bước được nâng lên, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng ven biển, hải đảo

Dẫu vậy, trong tiến trình thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 ở tỉnh ta cũng bộc lộ nhiều bất cập, nếu không kịp thời có giải pháp tháo gỡ sẽ khó đạt được trọn vẹn khi về đích. Đáng chú ý là tiến trình hiện đại hoá đội tàu đánh bắt xa bờ. Được chọn thực hiện thí điểm đóng mới 22 tàu cá vỏ thép, theo thiết kế của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam, nhưng đến nay mới thực hiện được 1 chiếc mang tên Hoàng Anh 1, với công suất 903CV, trọng tải 120 tấn, trị giá 6,5 tỷ đồng.

Để con tàu này đi vào hoạt động, ông Mai Văn Thành ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (người được giao sử dụng tàu) phải bỏ thêm khoảng 2 tỷ đồng để mua sắm ngư lưới cụ. Như vậy, so với tàu gỗ có cùng công suất, trọng tải thì chi phí dóng tàu vỏ sắt cao hơn khoảng 40%. Đây cũng là lý do khiến một số  ngư dân ở Bình Sơn, Lý Sơn và Đức Phổ e ngại trong việc tiếp tục triển khai đầu tư đóng mới tàu vỏ thép như đã đăng ký.

Mặt khác, khâu dịch vụ và hạ tầng phục vụ nghề cá của tỉnh dù đã được đầu tư lớn nhưng vẫn là khâu yếu. Tàu ít về bến, dẫn đến giải quyết việc làm trên bờ không nhiều và không kích cầu được các doanh nghiệp trong lĩnh vực thuỷ sản đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất. Một bộ phận ngư dân chưa thực sự nắm vững những kiến thức pháp lý căn bản về biển, đảo nên mắc phải những vi phạm không đáng có.

Biển không chỉ đem lại nhiều nguồn lợi to lớn để phát triển kinh tế, mà còn là địa thế quốc phòng, an ninh mang tính chiến lược hàng đầu của đất nước. Do đó, mục tiêu phát triển kinh tế biển gắn liền với tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh quốc gia và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển là yêu cầu cấp thiết không chỉ trong giai đoạn hiện nay mà còn mang ý nghĩa lâu dài. Đây được coi là chiến lược của niềm tin, nhất là trong giai đoạn Biển Đông đang trong trạng thái bất ổn với hành vi ngang ngược của Trung Quốc khi đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
      

 Phú Đức
 


.