Thi giáo viên dạy giỏi

12:04, 26/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lâu nay, chuyện thi cử luôn là nỗi lo không chỉ đối với học sinh mà kể cả các bậc phụ huynh, thầy cô giáo và mỗi đơn vị nhà trường. Bởi lẽ, kết quả đó minh chứng cho cả một quá trình phấn đấu dạy và học. Để giảm dần những áp lực đó, ngành giáo dục đã có những thay đổi nhất định trong công tác tổ chức thi. Tuy nhiên, áp lực trong chuyện thi cử vẫn còn khá nặng nề.

Mà một khi bị áp lực thì người thi khó có thể dồn hết trí lực cho kỳ thi. Ngay cả những thầy cô giáo được coi là "quen với áp lực này" nhưng khi đi thi giáo viên dạy giỏi, thi đồ dùng dạy học... cũng không tránh khỏi điều này. Bởi vì, đây đó căn bệnh thành tích vẫn còn trong những kỳ thi này và cả những bất cập trong khâu tổ chức.

Để tham gia kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, mỗi thầy cô vừa phải lo công việc chuyên môn thường ngày, vừa phải thực hiện "một núi công việc" trong một khoảng thời gian ngắn. Nào là, học lý thuyết, soạn giáo án, chuẩn bị đồ dùng cho 2 tiết dạy, trong đó áp lực nhất là khâu chuẩn bị cho 2 tiết dạy thực hành. Giáo viên phải sử dụng tất cả các mối quan hệ để được “bật mí” cho cái sườn của tiết dạy, vì nếu không sẽ mất điểm vì soạn không đúng ý Ban giám khảo. Không chỉ vậy, trước khi lên lớp thực hành, giáo viên đều dạy thử tại đơn vị mình vài ba lần để đồng nghiệp góp ý về nội dung giáo án, phương thức truyền đạt. Thực tế đó làm mất đi sự chủ động, sáng tạo của người thi, vì sản phẩm của tiết dạy mang dấu ấn của tập thể nhiều hơn dấu ấn cá nhân đi thi.

Với những giáo viên am hiểu giáo án trình chiếu thì tự mày mò làm và thể hiện. Còn những ai không biết thì phải đi thuê kỹ thuật viên vi tính làm, mặc dù cách dạy này chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc. Phương thức dạy này, người đi thi ít tốn tiền làm đồ dùng, nhưng phải thuê thiết bị trình chiếu từ 150.000đ- 300.000đ/tiết dạy, vì mỗi trường chỉ có 1 máy, nhưng số giáo viên đi thi lại đông và phải tay xách, nách mang, nếu không có sự hỗ trợ của đồng nghiệp hoặc người thân. Những giáo viên dạy phương pháp truyền thống thì ngoài bảng chính còn phải sử dụng nhiều bảng phụ và nhiều dụng cụ khác, nhưng tất cả đều phải tự bỏ tiền túi để mua. Những bộ môn đòi hỏi nhiều tranh ảnh như môn tiếng Anh thì số tiền bỏ ra làm đồ dùng  không dưới 1 triệu đồng/ tiết dạy.  

Áp lực còn được tạo ra ngay tại đơn vị đăng cai cuộc thi. Đó là, hệ thống điện tại các phòng học không đảm bảo; chưa có sự hỗ trợ kịp thời của giáo viên bộ môn tin học khi máy trình chiếu gặp sự cố kỹ thuật. Lo lắng hơn cả vẫn là học sinh nơi giáo viên thi thực hành, vì dù có dạy tốt mấy đi chăng nữa nhưng học sinh không tham gia phát biểu hoặc xung phong phát biểu nhưng cố tình tạo ra những tình huống sai để gây căng thẳng cho giáo viên, vì phần lớn giáo viên đi thi không trực tiếp dạy các em. Vì thế, trước khi lên lớp, giáo viên đi thi đều đến gặp lớp trước để làm công tác tư tưởng, nào là "các em tham gia phát biểu đúng thầy cô sẽ có quà".  Cách làm đó chắc chắn sẽ tạo ra trong học sinh cái nhìn lệch lạc đối với thầy cô giáo.

Đáng buồn ở đây nữa là, những tiết dạy thế này chỉ để lấy thành tích cho giáo viên, cho mỗi đơn vị trường chứ không thể áp dụng đại trà trong các tiết học ở nhà trường, vì thiếu trang thiết bị, phòng học không đủ chuẩn và giáo viên cũng không thể tự bỏ ra cả triệu đồng để làm đồ dùng dạy học, mặc dù hằng năm ngành giáo dục chi cả tỷ đồng để mua trang thiết bị, đồ dùng dạy học cấp cho các  trường. Vì vậy, đã đến lúc ngành giáo dục cần có sự thay đổi triệt để trong việc thi cử.
                   

Đức Nguyễn
 


.