Tận diệt “cây quen”

09:06, 02/06/2013
.

(QNg)- UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng cần chấn chỉnh tình trạng nhiều thương lái về các huyện vùng cao lùng sục mua cây trâm, cây ké cổ thụ để bán sang Trung Quốc theo kiểu tận diệt. Đây không phải là lần đầu tiên, loại cây quen thuộc như trâm hay ké bị “trốc tận rễ”. Cách đây mấy năm, cây ư rồi cây huỳnh đàn cũng cùng chịu chung số phận như vậy.

Điều đáng nói là, người mua thì đi lùng sục, mua cho bằng được loại cây mình cần, còn người bán thì đào cho bằng hết loại cây đang “hot” hàng, nhưng cả hai bên mua và bán đều không rõ mục đích của việc mua loại cây ấy để sử dụng vào mục đích gì, hậu quả của chuyện mua bán ấy sẽ dẫn tới đâu.

Nghe đồn rằng, thương lái mua cây trâm về bán sang Trung Quốc để bên ấy họ trồng trên các đường phố vừa mới xây dựng. Theo giải thích của những người đi mua trâm thì, bên Trung Quốc họ bảo mua loại cây cổ thụ này về trồng để nhanh có tán mát, vả lại, trâm là cây chịu hạn, có thể vận chuyển dài ngày trên đường mà không bị chết.

Cũng là một cách giải thích “cho qua chuyện” thế thôi chứ không thể hiểu được phía sau của câu chuyện mua trâm theo kiểu “đào tận gốc, trốc tận rễ” của các thương lái để bán sang Trung Quốc thời gian gần đây là nhằm mục đích gì. Chỉ biết rằng, hậu quả của việc mua và bán các loại cây như huỳnh đàn, hạt ư, rồi cây trâm thì đã nhỡn tiền. Nhiều cánh rừng xác xơ sau các đợt càn quét để tìm gỗ huỳnh đàn hoặc tìm hạt ư; nhiều cây cổ thụ ở các rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao đã bị triệt hạ, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái.

Năm ngoái, nhiều thương lái đã về vùng xoài nổi tiếng cả nước ở huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa) để mua... lá xoài. Theo tính toán của các chủ vườn xoài thì giá bán lá xoài cao hơn bán quả xoài. Thế là các chủ vườn thi nhau vặt lá xoài để bán.

Kết quả: Mùa xoài tiếp theo, những cây bị vặt lá, không một cây nào cho quả! Vì ham cái lợi trước mắt mà làm hỏng cả những mùa xoài sau đó. Mua lá xoài hay râu bắp hoặc móng trâu là những “chiêu” mà các thương lái Trung Quốc vẫn thường áp dụng đối với nông dân nước ta từ hàng chục năm nay và chúng ta cũng đã thấm thía qua mỗi bài học xương máu như vậy. Tuy nhiên, dù phải trả “học phí” rất đắt qua mỗi bài học nhưng người nông dân vẫn chưa bao giờ “thuộc bài” cả. Qua vụ mua cây trâm vừa rồi là một ví dụ. Đừng vội thấy cái lợi nhỏ nhoi trước mắt mà ham để rồi phải trả giá đắt. Bởi khi nhận ra sự việc thì đã quá muộn.
 

TRẦN ĐĂNG
 


.