Nhà ở cho công nhân

08:08, 06/08/2012
.

(QNg)- Cách đây 3 năm, Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam- Đặng Ngọc Tùng có chuyến thăm công nhân  đang làm việc tại các nhà máy Khu công nghiệp Tịnh Phong. Cuối buổi nói chuyện với số công nhân may tại đây, ông hỏi anh chị em có đề đạt nguyện vọng gì không? Dĩ nhiên là rất nhiều “nguyện vọng” từ số công nhân này, nhưng có một “đề nghị” khá cấp thiết, đó là Nhà nước cần sớm xây nhà cho công nhân. Không phải xây nhà cấp không cho họ  mà là cho thuê giá rẻ.

Ông đã ghi nhận đề đạt đó và trong các buổi làm việc với LĐLĐ tỉnh cũng như lãnh đạo tỉnh sau đó, câu chuyện về nhà ở cho công nhân luôn được ông Đặng Ngọc Tùng đề cập đến. Tuy nhiên, đã nhiều năm trôi qua, câu chuyện về nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp ở Quảng Ngãi vẫn còn bỏ ngỏ. Cho đến mới đây, nhân việc hàng loạt nhà đầu tư triển khai nhiều dự án tại Khu công nghiệp Tịnh Phong, lãnh đạo tỉnh mới bắt đầu “khởi động” câu chuyện nhà ở nói trên. Tại buổi làm việc với hai nhà đầu tư là Công ty TNHH Foster (Đà Nẵng) và Công ty Giày Rieker vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi-Lê Quang Thích đã nhấn mạnh đến sự cấp thiết của việc xây nhà cho công nhân ở KCN Tịnh Phong và yêu cầu huyện Sơn Tịnh cùng các ngành hữu quan khẩn trương nghiên cứu đề xuất các phương án.

Những ai có dịp ghé thăm các khu nhà trọ của công nhân tại Khu Công nghiệp Tịnh Phong và Khu Kinh tế Dung Quất sẽ dễ mủi lòng trước cảnh ăn ở của công nhân tại đây, nhất là số công nhân nữ. Do đặc thù của các khu công nghiệp này là ở vùng quê nên việc xây nhà cho thuê của người dân cũng quá luộm thuộm và tạm bợ. Nhà vừa chật chội, lại thiếu các công trình phụ khép kín nên số công nhân thuê nhà gặp rất nhiều bất tiện trong sinh hoạt.

Cũng đúng thôi, một phòng chừng 15 m2 mà cho thuê mỗi tháng có 300 ngàn đồng (thời điểm năm 2008) thì cũng khó mà yêu cầu chủ nhà trang bị đầy đủ được. Đã thế, để tiết kiệm chi phí, 3-4 công nhân thuê một phòng, họ đã “thu mình” đến mức tối đa trong những cơn bão giá vẫn chà đi xát lại trên đồng lương ít ỏi của họ. Công nhân may và gỗ mỗi tháng nhận 2-2,5 triệu đồng tiền lương, thậm chí có thời điểm, 6 tháng vẫn chưa có lương thì việc tiết kiệm tối đa chi phí hằng ngày là điều dĩ nhiên. Trừ một số rất ít công nhân có nhà gần các khu công nghiệp, họ sáng đi chiều về, đa số còn lại đều ở xa nhà máy 20-30 cây số nên buộc họ phải thuê nhà trọ. Trước đây, một vài nhà máy tại KCN Tịnh Phong còn hỗ trợ cho công nhân mỗi tháng 50-100.000đ tiền thuê nhà nhưng được một thời gian ngắn, kinh tế khủng hoảng, số tiền hỗ trợ trên đã bị cắt.

Theo dự kiến, trong năm 2012 này, chỉ riêng hai công ty trên đã tuyển dụng khoảng 6 ngàn lao động, nâng tổng số công nhân tại KCN Tịnh Phong lên khoảng 15.000 người. Đây quả là một thách thức để giải bài toán chỗ ở của công nhân. Nhà trọ mà người dân tự xây để cho thuê gần như đã bão hòa nên chỉ còn một cách là nhà đầu tư cùng với tỉnh sẽ phối hợp triển khai sớm mà thôi.


 Trần Đăng
 


.