Góc khuất của thành phố trẻ

03:10, 17/10/2010
.
TRẦN ĐĂNG

(QNĐT)- Thị xã Quảng Ngãi thì “già” nhưng thành phố Quảng Ngãi thì chỉ mới 5 năm tuổi, nên được gọi là thành phố trẻ. Lẽ ra, trẻ thì luôn gắn với khỏe và năng động, song những gì mà thành phố này có được vẫn chưa tương xứng với sức trẻ mà nó đang gánh vác trên vai.

Những số liệu được công bố tại lễ kỷ niệm 5 năm mới đây về thành phố này sau 5 năm thành lập là hết sức ấn tượng: Giá trị sản xuất của các ngành kinh tế bình quân hàng năm tăng 22,45%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh, đúng hướng, tỷ trọng dịch vụ tăng bình quân hàng năm 24,79%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm ước đạt 7.067 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 27,7%.

Nhiều công trình, dự án quan trọng được hoàn thành tạo điểm nhấn cho thành phố; hệ thống vỉa hè, công viên, cây xanh, cấp thoát nước, điện, đường, trường, trạm... từng bước được hoàn thiện, cảnh quan đô thị ngày càng khang trang, khởi sắc, đặc biệt, thành phố đã hoàn thành xóa nhà tạm cho hộ nghèo…

Đọc những số liệu trên đây, nếu không tận mắt “cận cảnh” thành phố Quảng Ngãi sẽ dễ dàng nghĩ ngay nó là một thành phố khang trang và hoành tráng bậc nhất trong các đô thị vừa mới lên thành phố trong 5 năm qua tại miền Trung như Tam Kỳ, Tuy Hòa.

Nói như thế không có nghĩa là người dân không tin vào những số liệu trên đây, song nhìn tổng quan hay cận cảnh thì chúng ta vẫn thấy đây là một thành phố còn vô cùng luộm thuộm và nhiều việc cần phải nỗ lực để giải quyết.

Bộ mặt của đô thị luôn là tấm gương phản ảnh trung thực về tư duy quy hoạch đô thị của các nhà quản lý. Ở thành phố Quảng Ngãi, người ta có cảm giác như bị thả nổi trong quy hoạch vậy.

Lấy ví dụ một vài con đường, điều dễ nhận thấy nhất trong mắt người dân thì rõ. Đường Phan Bộ Châu sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhà cửa hai bên đường mọc lên rất khang trang nhưng hãy nhìn kỹ mà xem, không một đô thị nào mà hướng nhà lại kỳ quặc như ở con đường này. Thường thì mặt nhà quay ra đường, còn ở đây thì đa số nhà đều lệch với mặt phố.
 
Chỉ cần một trận mưa lớn thì ngã năm cũ (đoạn giữa Nguyễn Nghiêm, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Công Phương) chìm trong nước
Chỉ cần một trận mưa lớn thì ngã năm cũ (đoạn giữa Nguyễn Nghiêm, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Công Phương) chìm trong nước. Ảnh: QNĐT

Vì sao? Vì khi giải tỏa, các nhà quy hoạch sợ tốn kém đền bù nên để nguyên hiện trạng nhà cũ, chỉ “đền” có mỗi con đường thôi, khi đường đã có, người dân cứ thế xây trên phần đất xiên xẹo của mình. Hoặc có những con đường mà chỉ làm hai đầu, còn chính giữa thì chẳng biết nó sẽ đi theo hướng nào như đường Nguyễn Tự Tân chẳng hạn.

Sẽ còn rất nhiều những ví dụ như trên. Đó là chưa kể đến chuyện bụi bặm trên rất nhiều tuyến đường mà thành phố chỉ gắn biển lên cho có tên đường, người dân đã kêu mỏi mệt, song chẳng có một hồi âm nào ngoài những con số “ấn tượng” vẫn thường xuất hiện trên các diễn đàn.

Ai cũng biết, để có một thành phố vạm vỡ như mong ước của người dân thì rất cần những cơn trở dạ đau đớn, song vì thiếu đi những dưỡng chất cần thiết khi thai nghén nên sản phẩm sinh ra vẫn còn xuất hiện những góc khuất như thế./.

.