Gần lắm... Ba Xa

10:03, 07/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trên bản đồ huyện Ba Tơ, xã Ba Xa có hình thù hệt như một nhánh gừng vắt trên rẻo cao. Đây là xã vùng cao, vùng xa của huyện Ba Tơ, nằm giáp với huyện Kpang (Gia Lai) và huyện Kon Plông (Kon Tum). Biệt lập trên cao, giao thông ở xã Ba Xa chia cắt bởi núi cao, sông rộng, đường giao thông tạm bợ. Điều ấy khiến cho khoảng cách giữa Ba Xa với phố thị trở nên xa vời vợi... Nhưng rồi đó là chuyện của những năm về trước...
 
Hôm nay, đường về xã Ba Xa rộng thênh thang, cuộc sống của người dân đã đổi thay từng ngày. Trên bản đồ, Ba Xa là địa chỉ của "điểm dừng chân lý tưởng cho các nhà đầu tư", là vùng đất có tên trong biểu đồ phân bố ngành năng lượng của Việt Nam.
 
Theo tiếng gọi an cư, no ấm
 
Xuân Nhâm Dần 2022 là mùa xuân thứ 7 "an cư, lạc nghiệp" của các hộ dân ở khu tái định cư Mang Póc, thôn Gọi Re, xã Ba Xa. Những ngôi nhà sàn dựng lên ở làng mới Mang Póc giờ đây hiện diện nụ cười bởi cuộc sống mới ấm no, đủ đầy của 36 hộ đồng bào dân tộc Hrê. Họ đã an cư, lạc nghiệp, không còn nỗi lo nứt núi đe dọa mỗi khi mưa lũ đến.
 
Ruộng bậc thang của người Hrê ở thôn Nước Chạch, xã Ba Xa (Ba Tơ).        Ảnh: Th.Nhị
Ruộng bậc thang của người Hrê ở thôn Nước Chạch, xã Ba Xa (Ba Tơ). Ảnh: Th.Nhị
Đây là lần thứ 5 chúng tôi về thôn Gọi Re. Lần đầu là vào mùa mưa bão năm 2013. Khi ấy, chúng tôi tác nghiệp ở thôn Gọi Re với sự trăn trở, người dân tháo chạy lúc nửa đêm vì nứt núi. Hiện ra trước mắt chúng tôi lúc bấy giờ là cảnh  ngổn ngang đất đá quanh núi Tốt. Những căn nhà sàn bị xô nghiêng, con đường về làng trơ toàn đá hộc. Lần thứ hai vào tháng 8/2015 khi dự án khẩn cấp xây dựng làng tái định cư Mang Póc cho 36 hộ dân bị sạt lở hoàn thành, tổ chức di dân về nơi ở mới. Ngày ấy, giữa cái nắng chói chang tháng Tám mà trong lòng người dân nơi đây như có cơn gió mát, xua tan nỗi ám ảnh của "một tiếng nổ lớn, núi nứt ra, đá tảng lăn xuống".
 
Trong lần ấy, chúng tôi còn được trải nghiệm cảm giác lắc lư, đu đưa trên chiếc cầu dây độc đáo nhưng khá nguy hiểm, để qua sông Re về làng. Sau đó, anh em báo chí đã nói hộ mong ước của người dân, đó là sớm có một cây cầu chắc chắn để đi lại. Và thế là chúng tôi có lần thứ ba về lại Gọi Re vào tháng 9/2015 khi cây cầu treo vững chãi có tên "Cầu thôn Gọi Re" được Tổng Cục đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng... Lần thứ 4 là lần kéo điện về cho các thôn xa xôi ở xã Ba Xa, trong đó có thôn Gọi Re. Vậy là ở Gọi Re không còn cảnh âm u, tĩnh mịch, trẻ em không còn phải học bài bên ánh đèn dầu leo lét... Gọi Re rực sáng bởi ánh điện. Mỗi lần đi, đến rồi trở về lại thêm sự thôi thúc trong tôi về với Gọi Re. Lần thứ 5, chúng tôi về với Gọi Re là ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022. Lần này, tôi dành nhiều thời gian trò chuyện với người làng về cuộc sống hôm nay.
 
Tôi gặp lại anh Phạm Văn Non sau 7 năm, anh vẫn không khác xưa là mấy. Trên vai anh gùi bó đót hái từ rừng sâu về. Anh nhận ra tôi, cười vui bảo rằng: "Mình về làng mới là về với no đủ, về nơi không lo sạt lở, nứt núi nữa. Dân mình làm nông, bám rừng, bám rẫy thì phải chịu cảnh lam lũ, nhưng mà không đói, không bất an nữa rồi. Làng mình ai cũng bảo năm xưa nghe lời vận động của cán bộ di dời khỏi chân núi Tốt là đi theo tiếng nói đúng".
 
“Xã Ba Xa đang trên đà phát triển, với hướng đi đúng đắn, mục tiêu là không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống người dân. Công trình Thủy điện Đăk Re đi vào vận hành đã góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương, đóng góp an sinh xã hội và tăng thu ngân sách. Ngoài ra còn đóng góp một lời giải cho "bài toán" phát triển thủy điện bền vững".
  Bí thư Huyện ủy Ba Tơ
ĐINH NGỌC VỸ

Ở làng Mang Póc, giờ có hộ dân sắm ôtô tải để chở keo, chở mì thuê; mua xe ôtô 12 chỗ làm dịch vụ chở khách đi lại. Đầu làng, có vựa thu mua nông sản. "Mây, đót mình hái từ rừng đem về là họ thu mua ngay, có nhiều khi họ còn đặt hàng trước. Ở đây, nếu siêng năng vào rừng tìm hái mây, đót, củi, cũng như các sản phẩm của rừng thì ngày nào cũng có thu nhập. Mình đi rừng còn vì đã cam kết với cán bộ là vào rừng để phát hiện xem có ai phá rừng không để ngăn chặn", anh Phạm Văn Tiên ở Mang Póc phấn khởi nói. 

 
Đánh thức núi rừng
 
Chúng tôi đã có 2 ngày ở Ba Xa, rong ruổi khắp ngõ ngách. Nhà cửa của người dân khang trang hơn. Đường giao thông thênh thang, rộng rãi, xe ôtô tải có thể đến tận rẫy keo, mì để thu mua, vận chuyển. Giá nông sản ở đây vì thế không thấp hơn mấy so với ở khu vực gần trung tâm huyện Ba Tơ.
 
Giờ đây, ở xã Ba Xa có nhiều vùng sản xuất lúa đẹp nhất nhì các huyện vùng cao trong tỉnh. Những dải ruộng bậc thang uốn lượn, trải dài. Lúa đang thì con gái xanh tốt ngút ngàn. Gió từ đồng thổi lên mang hương lúa ngan ngát len lỏi vào từng nếp nhà sàn. Mùa này về Ba Xa, ít khi thấy người dân có ở nhà. Họ ra đồng, lên rẫy hoặc đi làm trong nhà máy, xí nghiệp, làm nghề tự do ở Bình Định, Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên. Những rẫy mì, ruộng lúa ở nhà chỉ cần vài người chăm sóc. Đến khi thu hoạch, họ lại về tập trung gặt lúa, nhổ mì rồi trở lại công việc thường nhật.
 
Một góc làng tái định cư Mang Póc, thôn Gọi Re, xã Ba Xa (Ba Tơ).           Ảnh: Th.Nhị
Một góc làng tái định cư Mang Póc, thôn Gọi Re, xã Ba Xa (Ba Tơ). Ảnh: Th.Nhị
Phó Chủ tịch UBND xã Ba Xa Phạm Văn Thiết kể với chúng tôi đầy vẻ tự hào về người làng của mình. "Người dân đã biết yêu lao động, ít uống rượu, bỏ hết các hủ tục lạc hậu như nghi kỵ cầm đồ thuốc độc, săn bắn thú rừng, ăn Tết muộn. Trên địa bàn xã, những năm gần đây được Nhà nước đầu tư đường giao thông, điện thắp sáng, trường học. Sắp tới còn được xây dựng khu tái định cư rộng 3ha, kinh phí 46 tỷ đồng, để sắp xếp lại dân cư; đầu tư cầu, đường ở những nơi còn thiếu. Ở xã còn có cả nhà máy thủy điện lớn, mang lại nguồn thu cho ngân sách".
 
Chuyện làm thủy điện
 
Chúng tôi đến Nhà máy Thủy điện Đăk Re vào một ngày hạ tuần tháng 2/2022. Tiếp chúng tôi, đại diện Ban điều hành nhà máy cho biết, dự án Thủy điện Đăk Re do Thiên Tân Group làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư 3.200 tỷ đồng, công suất thiết kế 60 MW, bao gồm 2 tổ máy phát điện, được xây dựng trên địa phận xã Ba Xa (Ba Tơ) và xã Hiếu, huyện Kon Plông (Kon Tum). Bình quân hằng năm, Nhà máy Thủy điện Đăk Re đóng góp cho lưới điện quốc gia 270 triệu kwh, đóng góp ngân sách 70 tỷ đồng. 
 
Theo phương án ban đầu được phê duyệt, dự án sẽ di dời hơn 600 hộ dân, giải phóng mặt bằng 140ha lúa nước và có đến 170ha rừng tự nhiên bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sau 4 lần điều chỉnh thiết kế, chủ đầu tư đã lựa chọn phương án xây đập tự tràn với cao trình thấp hơn và đào hầm dẫn dòng, không sử dụng van xả lũ mà nước sẽ tự tràn khi đạt cao trình của đập. Kết quả, không có hộ dân nào phải di dời tái định cư, không ảnh hưởng đất lúa và diện tích rừng tự nhiên giảm 9,5 lần so thiết kế ban đầu. 
 
Người dân Ba Xa thu hoạch đót bán cho tư thương.                                  Ảnh: Th.Nhị
Người dân Ba Xa thu hoạch đót bán cho tư thương. Ảnh: Th.Nhị
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thiên Tân Group Huỳnh Kim Lập chia sẻ, chúng tôi chọn phương án tốt nhất để ít ảnh hưởng đến dân sinh, môi trường, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về thủy điện. Chúng tôi chấp nhận bỏ kinh phí ban đầu cao, mất nhiều thời gian hơn để có môi trường làm ăn bền vững. Chọn phương án này kinh phí tăng 25%; thời gian nghiên cứu thực hiện dự án kéo dài đến 16 năm. Bù lại, tháng 9/2014 dự án phát điện, chính quyền, doanh nghiệp và người dân đều vui với niềm vui chung". 
 
Công trình Thủy điện Đăk Re tuy công suất không phải là lớn nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay nhưng khối lượng thi công với con số "khủng", có thể kể đến như 11km đường hầm các loại, 58km đường dây truyền tải 110kV, 50km đường công vụ, cột tháp điều áp cao nhất miền Trung hiện nay...
 
Chia tay Ba Xa trở về thành phố, chúng tôi mang theo hình ảnh về cuộc sống no ấm và nụ cười rạng ngời trên khuôn mặt của đồng bào dân tộc Hrê. Vậy là Ba Xa nay đã gần!
 
THANH NHỊ
 
 
 
                                                                                                                                                                                                                                                                           
 

.