Dọc dòng Trà Giang

07:02, 20/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- I. Đã mấy mươi năm rồi tôi mới có dịp đi dọc sông Trà Khúc về đêm. Dòng sông hiền hoà, đã qua những ngày mưa gió, trở lại dáng vẻ yên bình tự ngàn năm. Rặng tre già nghiêng nghiêng, trầm mặc che bóng những con thuyền neo bến nghỉ đêm. Mái chèo gác vội trễ tràng, khẽ lắc lư theo từng đợt sóng chầm chậm kéo vào bờ.
[links()]
 
Nước sông đầy ăm ắp. Những cánh đồng soi ven bờ và những cồn bồi giữa sông đã xanh lên màu của đồng dưa, ruộng bắp. Không phải như dòng sông Nho Quế tận Hà Giang, chảy miên man qua bao hẻm vực của những rặng núi đá vôi nhấp nhô vòng cung Tây Bắc. Chẳng giống với sông Hồng mang ngầu đỏ phù sa từ thượng nguồn xa thẳm, đi dọc trung du rồi xuôi về châu thổ Bắc Bộ trước khi đổ ra biển lớn. Cũng khác nhiều với con nước Mê Kông hùng vĩ, mênh mang mút tầm mắt vùng đồng bằng Tây Nam Bộ mùa nước nổi. Trà giang cửu khúc hồi hoàn (Cao Bá Quát). Sông Trà trong xanh, hiền hoà trôi giữa những cánh đồng màu mỡ ven sông qua chín lần uốn khúc.
 
Hoàng hôn trên sông Trà Khúc.  Ảnh: Lê Hồng Khánh
Hoàng hôn trên sông Trà Khúc. Ảnh: Lê Hồng Khánh
Tôi là đứa con của dòng sông mẹ thân yêu. Mới chào đời đã nghe tiếng guồng xe nước rì rào hoà theo giọng ru của mẹ, xa nhà là nhớ những đồng dâu, nhớ hương đường, mật mía. Nhớ thằng bạn mò tôm, bắt ốc mái tóc hoe vàng. Nhớ những lần cùng đám bạn bơi vượt qua sông phía hữu ngạn, cắt cỏ bói về trữ cho bò, đặng có thời gian chơi Tết.
 
May mắn trong đời, đã có mấy lần tôi xuôi ngược dòng sông trên những con thuyền nhỏ, từ cửa Đại Cổ Lũy cho đến tận đầu nguồn, đi dọc sông Hre, sông Tang, sông Krin (sông Rin), sông Giang, sông Xà Lò. Có lúc là đêm trăng, có khi là chiều xuống. Vài lần ngồi nhấp chén trà với người canh rớ để đón ánh bình minh. Nói rằng dòng sông quê mình thật đẹp, đẹp đến nao lòng, hẳn đã giấu trong đó ít nhiều “thiên vị” riêng tư. Nhưng khi đối diện một hoàng hôn với mặt trời như quả bóng màu cam từ từ chìm xuống mặt hồ Thạch Nham, ánh hồi quang rạng đỏ lưng lửng chân trời, hay nhìn bóng mây buổi sớm ùn lên trên đỉnh núi A Zin khi sông Tang vừa thức giấc, ai có thể lơ đễnh với sông nước, đất trời?
 
Có lần tôi cùng nghệ sĩ ưu tú Đinh Long Ta ngược sông Rin đi về phía Tổng Cà Dong cũ, nay là huyện Sơn Tây. Từ xóm Sông, lội bộ ngược lên làng Mùng, gò Dền, làng Lố. Vừa đặt chân đến đầu làng Mùng, cảnh vật đẹp như tranh hiện ra trước mắt. Bỗng, nghe từ bên kia suối, trong veo một giọng ca choi, có nghĩa: “Em nhìn lên núi cao/ Núi quý như cha, vì núi là bóng mát cha muôn thuở/ Em nhìn xuống sông/ Sông quý như mẹ, vì sông là dòng sữa mẹ hiền”. Câu dân ca Hrê ngọt ngào mang theo niềm tự hào, tình yêu say đắm sông núi quê hương.
 
II. Lang thang dọc sông Trà Khúc, từ bến Tam Thương lên bãi Ông Bành, ngược núi Ông, qua cầu Trường Xuân, quay về núi Sứa. Dừng một lát rồi xuống Quán Cơm. Đèn khuya lung linh, bóng cây đa cổ thụ chập chờn. Sương thấm lạnh, trời đã về khuya. Cái lạnh của đất trời làm nhớ cái lạnh của lòng người trong câu ca dao một thuở: “Sớm mai em xuống Quán Cơm em thấy hòn núi Hó/ Chiều về Đồng Có em thấy hòn núi Tròn/ Về nhà than với chồng con/ Ra đi gan nát dạ mòn vì đâu?”.
 
Núi Hó có dạng tựa khối hình thang vuông như chiếc ấn, nên có tên chữ là Thiên Ấn. Núi Tròn, nhìn từ xa như cái bát úp, tròn xoay, Đại Nam nhất thống chí chép tên là Viên Sơn. Kể cũng lý thú, dân gian gọi núi Tròn mà không ai gọi Viên Sơn, trong khi ai cũng biết Thiên Ấn, còn cái tên núi Hó chỉ đọng lại trong ca dao. Câu ca nhắc đến núi Ấn, núi Tròn. Mẹ tròn, con vuông. Tròn, vuông là chuyện viên mãn, hoàn thiện trong quan niệm của người Á Đông. Vậy mà người trong câu hát dân gian lại nói đến nỗi buồn phiền. Tôi tin đây không phải là lời tâm sự của một người phụ nữ nào đó, mà là tâm trạng của những người yêu nước trước cảnh nước mất nhà tan thời thuộc Pháp. Lời than của ông Nguyễn Vịnh, người Đồng Có, nay thuộc xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh), nhà yêu nước, hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Cần vương năm Giáp Ngọ (1894) do ông và ông Thái Thú cầm đầu đó chăng?
 
Dọc đôi bờ sông Trà Khúc, có biết bao địa danh gắn với lịch sử truyền ngôn, giai thoại. Từ truyền thuyết núi Long Đầu và cậu bé chăn trâu, đến giai thoại về ông Bùi Tá Hán gắn với ngọn núi Trấn Công (núi Ông). Từ núi Thiên Mã và câu ca về dòng họ Trương Mỹ Khê nổi tiếng, đến những bí ẩn về ngọn núi Sứa mà không nhiều người biết. Rồi đến bến Tam Thương, một thời không xa là bến ghe kinh (đò dọc) sầm uất, trên bến dưới thuyền. Có đường ghe lấy hàng từ Thu Xà về thành Quảng Ngãi. Có đường ghe lên bến Hà Nhai, Đồng Có để mua hàng nông thổ sản của miền Tây, bán cho đồng bào vùng cao những mặt hàng từ vùng đồng bằng, ven biển như muối, mắm, đá lửa, hàng công nghệ...
 
Phía tây bến Tam Thương là hai bờ xe nước liên tiếp nhau, dân gian gọi là bờ xe Chiếc và bờ xe Đôi. Thực ra là ba bờ xe dẫn nước cho những cánh đồng Vạn Tượng, Ba La Hạ, Ba La Thượng. Ngó qua bên tả ngạn là bờ xe An Bường, bờ xe Đông Dương, nhích về phía tây là bờ xe Trường Xuân mà anh chàng phóng viên chiến trường người Mỹ Stewart W. Herman đã ghi hình thật đẹp từ năm 1972. Muốn kể cho hết chuyện bờ xe trên sông Trà Khúc thì phải tỉ mẩn như ông quan Bố Chánh Nguyễn Thông (1827 - 1884), trong cuốn sách có tên là “Nghĩa Châu thuỷ lợi tiểu sách tự” (Cuốn sách nhỏ về thuỷ lợi ở châu Quảng Nghĩa). Gọi là nhỏ nhưng mà không nhỏ. Đếm kể các bờ xe, con kênh, con đập, mô tả rành mạch, rõ ràng, đâu phải là chuyện dễ, nếu không có tri thức, kết hợp với điều tra thực địa, dò hỏi kỹ lưỡng trong làng xã. Nhưng quan trọng nhất là tấm lòng với dân, với nước của một ông quan thanh liêm, rất đáng được dân Quảng Ngãi kính trọng, tôn thờ.
 
Mưu sinh trên sông.   Ảnh: Lê Hồng Khánh
Mưu sinh trên sông. Ảnh: Lê Hồng Khánh
Trời mưa phùn, mang theo se lạnh về đêm. Hoa mùa xuân nở rộ trên những cánh đồng ven sông. Xa xa, tiếng chuông chùa Thiên Ấn vọng về, như mang bao nỗi muộn phiền gửi theo mây gió, để lòng người thanh thản, vui đón Xuân sang.
 
Lê Hồng Khánh
 
 
 
 
 

.