Quảng Ngãi, vài chuyện thời lập tỉnh

08:01, 12/01/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), các trấn ở phía nam cũng như Quảng Ngãi được đổi thành tỉnh, tức đến ngày nay (2022), đúng 190 năm. Thời lập tỉnh lúc bấy giờ, có nhiều chuyện được lưu vào chính sử.
 
Về tên gọi Quảng Ngãi
 
Lâu nay, có nhiều bộ lịch sử, địa chí, ghi chép về quá trình hình thành vùng đất Quảng Ngãi. Có thể tóm lược như sau: Năm 1402, nhà Hồ thu phục vùng đất Cổ Lũy động đặt làm châu Tư và châu Nghĩa. Nhưng khi nhà Minh sang xâm lược nước ta, Chiêm Thành lại tái chiếm vùng đất này. Vào mùa xuân năm Tân Mão (1471), vua Lê Thánh Tông thân chinh đem đại binh lấy lại vùng đất từ Quảng Nam đến đèo Cả, lập nên đạo Thừa tuyên Quảng Nam - là đạo Thừa tuyên thứ 13 của nước Đại Việt. Vùng đất Quảng Ngãi bấy giờ chỉ là một phủ của thừa tuyên Quảng Nam, với tên gọi là phủ Tư Nghĩa, gồm 3 huyện Nghĩa Giang, Bình Sơn, Mộ Hoa.
 
Tiếp nhận tài liệu Hán Nôm của gia tộc họ Đặng ở Lý Sơn. Văn bản này do quan Bố chánh và Án sát tỉnh Quảng Ngãi cùng hiệp y cử các binh phu đi Hoàng Sa vào năm Minh Mạng thứ 15 -1834 (ảnh chụp ngày 9/4/2009).      Ảnh: PV
Tiếp nhận tài liệu Hán Nôm của gia tộc họ Đặng ở Lý Sơn. Văn bản này do quan Bố chánh và Án sát tỉnh Quảng Ngãi cùng hiệp y cử các binh phu đi Hoàng Sa vào năm Minh Mạng thứ 15 -1834 (ảnh chụp ngày 9/4/2009). Ảnh: PV
Theo bản sắc phong cổ nhất mà chúng tôi tìm thấy trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, được vua Lê Thế Tông ban ngày 4 tháng 8 năm Quang Hưng thứ 19 (1596), ban cho Trần Cẩm làm Tham tướng Cai phủ Quảng Nghĩa, thì ngay năm này đã có tên gọi là phủ Quảng Nghĩa, thuộc dinh Quảng Nam. Nhưng vì sao danh xưng Quảng Nghĩa sau này lại gọi là Quảng Ngãi, thì có nhiều cách giải thích khác nhau. Theo một số nhà nghiên cứu ở Viện Hán Nôm, việc đọc chệch “Nghĩa” thành “Ngãi” là do kiêng thụy hiệu của Hoằng Nghĩa vương Nguyễn Phúc Thái (1667 - 1691).
 
Năm 1776, thời Tây Sơn, phủ Quảng Ngãi được đổi thành phủ Hòa Nghĩa. Năm 1801, Gia Long đổi phủ Hòa Nghĩa lại thành dinh Quảng Nghĩa (Ngãi), đặt chức Lưu thủ, Cai bạ, Ký lục. Đến năm Gia Long thứ 7 (1808), lại đổi dinh Quảng Nghĩa thành trấn Quảng Nghĩa, đổi Lưu thủ thành Trấn thủ. Vào năm Minh Mạng thứ 12 (1831), vua Minh Mạng cho đổi các trấn ở phía bắc thành tỉnh. Đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832), nhà vua lại cho đổi các trấn ở phía nam thành tỉnh. Trấn Quảng Ngãi cũng được đổi thành tỉnh Quảng Ngãi. 
 
Sách Đại Nam thực lục, chính biên, đệ nhị kỷ, ghi rằng: Vào tháng 10 năm Minh Mạng thứ 13 (1832), nhà vua cho chia tỉnh hạt, đặt quan chức từ Quảng Nam trở vào. Tỉnh Quảng Ngãi thống trị 1 phủ Tư Nghĩa và 3 huyện Chương Nghĩa, Bình Sơn, Mộ Hoa.
 
Về sự kiện thành lập tỉnh Quảng Ngãi năm 1832 có nêu trong nhiều tài liệu, tiêu biểu là Địa chí Quảng Ngãi, do UBND tỉnh chủ trì biên soạn, Nhà xuất bản Tự điển Bách Khoa xuất bản năm 2008.
 
Việc đặt quan chức và quy tắc làm việc
 
Theo Đại Nam thực lục, đệ nhị kỷ, về đặt quan chức, hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi có chung 1 quan Tuần phủ, nhưng kiêm cả chức Bố chánh Quảng Nam. Quảng Ngãi có riêng 2 ty Bố - Án (Bố chánh, Án sát). Các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Biên Hòa, Định Tường, Hà Tiên, mỗi tỉnh đặt 1 Lãnh binh dùng quan Tòng tam phẩm, nhưng Quảng Ngãi cũng như các tỉnh Bình Định, Bình Thuận, Phiên An, Vĩnh Long, An Giang, mỗi tỉnh cũng có 1 quan Lãnh binh, nhưng có trật Chánh tam phẩm và 1 phó Lãnh binh, trật Tòng tam phẩm. Quan Lãnh binh Quảng Ngãi chuyên coi quản lục cơ Tĩnh Man, cơ Nghĩa Tượng; Phó lãnh binh chuyên coi cơ Nghĩa Tráng, cơ Quảng Ngãi, kiêm coi cả Thủy cơ Quảng Ngãi. Thủy cơ Quảng Ngãi nguyên là 8 đội thuộc vệ Minh Nghĩa ở Tả quân dồn bổ lại. Việc thăng trật cho quan Lãnh binh và Phó lãnh binh ở Quảng Ngãi, cũng như giao coi quản việc binh ở vùng đất này là khá đặc biệt so với các tỉnh khác. 
 
Cũng giống như các tỉnh phía bắc, nhà vua cũng chuẩn y về quy tắc làm việc, như: Khi có việc chính sự lớn thì Tuần phủ, Tổng đốc cùng bàn bạc và ký chung một giấy để tâu, nếu có ý kiến khác nhau thì cho làm tờ tấu riêng; hai quan Bố chánh và Án sát tâu lên việc gì cũng phải trình báo cho quan Tổng đốc, Tuần vũ, nhưng nếu bị chèn ép, hoặc có ý kiến khác nhau thì được trình thẳng lên cho vua...  Về quy định quan Bố chánh và Án sát cùng hiệp y trong các văn bản, đặc biệt trong các bằng cấp, còn thấy rõ trong “tờ lệnh” cử các binh phu đi Hoàng Sa vào năm Minh Mạng thứ 15 (1834) mà gia tộc họ Đặng trên đảo Lý Sơn còn truyền đời gìn giữ suốt 175 năm, trước khi bàn giao cho Nhà nước vào năm 2009.
 
Trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của Nội các triều Nguyễn (quyển 12, tập II, Nxb Thuận Hóa, 2004, tr 109) có nêu rõ số viên chức làm việc tại tỉnh thành Quảng Ngãi, trong Ty Phiên và Ty Niết lúc bấy giờ. Ty Phiên phụ trách kinh tế, thuế, tài chính, đinh, điền, hộ tịch... Ty Niết chuyên về hình án, tư pháp. Nơi đóng dinh thự là thành Cù Mông (sau là Chánh Mông, Chánh Lộ) được xây dựng từ năm 1807 và hoàn thành vào năm 1815. 
 
Các quan chức tỉnh Quảng Ngãi lúc bấy giờ
 
Cùng với việc thành lập tỉnh, sắp đặt chức quan, ban hành quy tắc làm việc, vua Minh Mạng đã điều chuyển, bổ nhiệm các quan lại tại tỉnh Quảng Ngãi.
 
Trấn thủ trấn Quảng Ngãi đương thời là Lê Văn Thường, thự Vệ úy, trật Chánh tam phẩm được sung làm Lãnh binh An Giang; bổ nhiệm Tham tri Bộ Lại Hộ lĩnh Hộ tào thành Gia Định là Đặng Chương làm Tuần phủ Nam - Ngãi. Nhưng tháng sau Đặng Chương lại bị giáng chức. Vua Minh Mạng lại cử Thự Hữu tham tri Bộ Binh là Đỗ Khắc Thư làm Tuần phủ Nam - Ngãi. Hiệp trấn Quảng Ngãi là Lưu Đình Luyện được bổ làm Bố chánh sứ. Lang trung Hiệp lý Hộ tào thành Gia Định là Dương Văn Phong điệu bổ làm Án sát sứ Quảng Ngãi. Trấn thủ Hà Tiên là Trần Văn Hựu, cho làm Vệ úy, trật Chánh tam phẩm, sung quan Lãnh binh Quảng Ngãi. Quản cơ Tĩnh Man là Nguyễn Vĩnh cho làm Phó vệ úy, trật Tòng tam phẩm, sung Phó Lãnh binh Quảng Ngãi.
 
Như vậy, số quan chức hiện thời tại Quảng Ngãi chỉ còn giữ lại 2 người là Hiệp trấn Lưu Đình Luyện, làm Bố chánh sứ (Chánh tam phẩm) và Quản cơ Nguyễn Vĩnh, làm Phó lãnh binh (Tòng tam phẩm), còn lại từ Tuần phủ, Án sát, Lãnh binh đều từ các Bộ hoặc các địa phương khác được điều chuyển về.
 
Tiến sĩ NGUYỄN ĐĂNG VŨ
 
 
 

.