Tên Nôm của làng

09:09, 23/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tên Nôm là tên dân dã trong tiếng Việt của một thực thể địa lý ở Việt Nam, thường là làng, xóm... nhưng cũng có khi là một thực thể thiên nhiên như sông ngòi, núi, đèo... Vậy nên, dù trải qua bao biến thiên của thời gian thì những tên Nôm của những tên làng ở Quảng Ngãi vẫn lưu truyền qua bao thế hệ cho đến tận ngày nay.
[links()]
 
Tên Nôm thân thuộc, dễ nhớ
 
Ngày trước, trước khi được đặt tên chữ Hán - Việt, nhiều làng xã xứ Quảng được người làng đặt tên Nôm dân dã. Tên Nôm của làng thường được đặt từ đặc thù về cảnh quan, môi trường sinh thái nơi làng đó cư trú. Đó là tên các làng: Cây Quýt, Bàu Sa (Mộ Đức), Bàu Bèo, Nước Ngọt (Bình Sơn), Cù Lao Ré (Lý Sơn)...
 
Theo tấu nghị được Vua Minh Mạng chuẩn y thi hành vào năm 1824, thì phường Cù Lao Ré đổi tên thành Lý Sơn.  Ảnh: Ý THU
Theo tấu nghị được Vua Minh Mạng chuẩn y thi hành vào năm 1824, thì phường Cù Lao Ré đổi tên thành Lý Sơn. Ảnh: Ý THU
Theo Địa chí Quảng Ngãi, sở dĩ có tên Cù Lao Ré vì đây là cù lao có nhiều cây ré - một loài thực vật mọc hoang, nên dân gian từ đó gọi thành tên. Đối với làng Cây Quýt, nay là thôn Lâm Thượng, xã Đức Phong (Mộ Đức), khi đặt chân đến mảnh đất này để khai phá đất đai, các vị tiền hiền họ Nguyễn, Lê, Huỳnh, Phạm... đã lấy tên cây quýt - một loại cây mọc tự nhiên xuất hiện rất nhiều tại vùng đất này để đặt tên cho làng. Còn tên Bàu Sa, là tên xưa của làng Phú An, xã Đức Hiệp (Mộ Đức), vì nơi đây là vùng đất ven sông nên được phù sa sông bồi đắp.
 
Ở Bình Sơn, căn nguyên của những địa danh như Bàu Bèo, Nước Ngọt cũng rất giản đơn, thân thuộc. Tại làng Nước Ngọt, nay là thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, tên làng được đặt theo tên lăng vạn Nước Ngọt - nơi có ý nghĩa rất đặc biệt đối với đời sống tín ngưỡng của người dân miền biển. Còn tên làng Bàu Bèo, tên của một xóm nhỏ nằm ở xã Bình Chánh bây giờ, được đặt do làng có nhiều bàu nước rộng lớn với rất nhiều bèo...
 
Hành trình đổi tên làng qua “Minh Mạng tấu nghị”
 
Tên Nôm là lớp tên gọi đầu tiên của làng, mang tính trực quan cao, phản ánh quá trình khai khẩn lập làng của người xưa. Nhưng dần dà về sau, những tên gọi nôm na, chất phát này dần bị đổi tên. Nói về bước chuyển căn bản, xóa dần tên Nôm  của làng, phải kể đến bản tấu về việc thay đổi địa danh cũ trên phạm vi cả nước có “âm Nôm và mặt chữ không nhã” thành các “gia danh” (tên đẹp) do bộ Hộ soạn, được Vua Minh Mạng chuẩn y thi hành vào tháng 2 năm Minh Mạng thứ 5 (1824).
 
Sự kiện thay đổi địa danh (phần lớn là tên làng) được chính sử của Triều Nguyễn chép lại trong Đại Nam thực lục chính biên rằng, năm Minh Mạng thứ 5, mùa xuân, tháng 2 có chép, “lại sai bộ Hộ xét danh hiệu các tổng xã thôn phường ở các địa phương, những tên nôm và mặt chữ không nhã, thì bàn định đổi đi”.
 
Theo như tấu nghị được Vua Minh Mạng chuẩn y thi hành vào năm 1824, Quảng Ngãi có  15 ngôi làng buộc phải đổi tên. Đó là xã Sâm Sông đổi thành xã Sâm Giang, thôn Tân Lập Bàu Án đổi thành thôn Ngọc Án, thôn Phụ Lũy Ngòi Tôm đổi thành thôn Hà Khê, Vạn tứ chiếng Tân lập Cây Thụ Phò Địa đổi thành phường Dao Trì, thôn Cây Quýt đổi thành thôn Quýt Lâm, trại Xuân An Đèo Ải đổi thành trại Xuân Sơn, thôn Cựu Đồng Gạo đổi thành thôn Mễ Sơn, phường Cù Lao Ré đổi thành Lý Sơn...
 
Từ những thay đổi về địa danh của làng nói trên, có thể thấy, các địa danh được đổi là các tên gọi chỉ đối tượng tự nhiên gồm các dạng địa hình như núi, đèo, bàu... và liên quan đến thực vật như cây, đồng... Đối với các địa danh này, Triều Nguyễn ngày ấy đã lược bỏ đi danh từ chung, chuyển đổi thành các chữ Hán - Việt có nghĩa tương ứng, hoặc dùng các mỹ từ thay thế. Ví dụ như làng Cây Quýt thì bỏ đi danh từ chung là “cây”, rồi sửa thành “làng Quýt Lâm”, Trại Xuân An Đèo Ải thì bỏ đi từ nôm chỉ đối tượng tự nhiên là “đèo” rồi chuyển thành chữ “sơn”, thành “trại Xuân Sơn”…
 
Sống mãi với thời gian
 
Chính thức bị xóa đi những “âm Nôm và mặt chữ không nhã” từ năm 1824, tiếp sau đó, tên làng xã Quảng Ngãi trải qua thêm mấy trăm năm với bao lần cải đặt. Ấy vậy mà, tên Nôm xưa cũ của nhiều ngôi làng vẫn còn được bao thế hệ cư dân của làng lưu lại đến tận ngày nay.
 
Tại làng Cây Quýt, sau đó được cải danh thành Quýt Lâm và nay là thôn Lâm Thượng, xã  Đức Phong (Mộ Đức), dù đã trải qua mấy trăm năm dâu bể, nhưng nay, hầu hết người làng đều vẫn nhớ cái tên đầu tiên của làng, cũng như nguồn gốc của nó. Tuy không còn được lưu tên bằng tên gọi hành chính, nhưng người làng đã lưu lại tên làng bằng câu ca mộc mạc, “Ai về làng Quýt mà xem/Đồng ruộng, chợ búa còn thêm nhà lầu/Bà con xin có một câu/Thề với tiên tổ ở đâu cho bằng” Tại làng Quán Lác, dầu rằng nay đã có tên gọi hành chính là thôn 6, xã Đức Chánh (Mộ Đức), song, cái tên Quán Lác vẫn được các hộ kinh doanh ghi bảng hiệu của mình. Chẳng những thế, từ tên chợ, đến ngã 3 giao nhau giữa Quốc lộ 1 và đường về trung tâm xã Đức Chánh, mọi người vẫn gọi nôm na là Quán Lác... 
 
Thế mới biết, dù Triều Nguyễn đã có quyết nghị thay đổi và các địa danh thay mới đã được lưu truyền, tiếp sau đó, các làng cũng lần lượt trải qua nhiều lần đổi tên nhưng những tên gọi nôm na, chất phác xưa cũ vẫn có sức sống mãnh liệt trong dân gian. Từ câu chuyện của quá khứ, thiết nghĩ, những việc liên quan đến lựa chọn tên gọi mới cho làng xã, công trình giao thông... cần được các ngành chức năng quan tâm đúng mức và tham chiếu các giá trị lịch sử, văn hóa của làng xã, để việc thay đổi trở nên phù hợp với giá trị truyền thống vốn có từ ngàn xưa.
 
Ý Thu
 
 
 

.