Trách nhiệm với đình làng xưa

09:02, 18/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để gìn giữ những giá trị truyền thống của đình làng xưa, người dân thôn Xuân Phổ Tây, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) và thôn An Chuẩn, xã Đức Lợi (Mộ Đức) đã huy động, góp sức, góp của trùng tu, sửa chữa lại những mái đình làng đã cũ kỹ, nhuốm màu thời gian.
 
Nằm khuất sâu dưới bóng dừa, mái đình An Chuẩn của thôn An Chuẩn, xã Đức Lợi đã có tuổi đời hơn trăm năm. Trải qua những thăng trầm, biến cố, tác động của thiên nhiên và chiến tranh, mái đình làng này đã xuống cấp, hư hỏng. Thấy thế, người dân trong thôn đã kêu gọi, huy động tất cả mọi người góp công, góp sức để trùng tu, sửa chữa lại, nhưng vẫn giữ lại những giá trị văn hóa vốn dĩ lâu đời. 
 
Theo ông Trần Ngọc Công, trưởng ban Tế tự đình làng An Chuẩn, năm 2014, đình làng An Chuẩn được UBND tỉnh ghi nhận là di tích cấp tỉnh. Nơi đây là nơi lưu giữ các sắc phong thời Nguyễn rất có giá trị. Đình làng cũng là nơi thờ phụng các vị vua, vị tướng và các vị Nam hải Đại tướng quân. 
 
Đình làng An Chuẩn, xã Đức Lợi (Mộ Đức).
Đình làng An Chuẩn, xã Đức Lợi (Mộ Đức).
 
Đình làng An Chuẩn được xây dựng theo lối kiến trúc cổ xưa của người Việt với hai gian nhà chính. Gian trước được gọi là gian chính, thờ các vị Nam hải Đại tướng quân; gian phụ thờ ngũ hành tam nương, tam thần... Hằng năm có đến 3 ngày cúng bái. Những ngày đó con cháu khắp nơi cùng với bà con trong và ngoài xóm tập trung sum vầy, mỗi người mỗi tay hoàn thành các thủ tục dâng hương lên các vị quan thần.
 
“Năm 2012, chúng tôi tổ chức kêu gọi bà con nhân dân cùng với các mạnh thường quân khắp nơi đóng góp để sửa chữa lại đình làng. Sau khi quyên góp được hơn 400 triệu đồng, chúng tôi tiến hành sửa chữa cổng ngõ, tiền sảnh và mua sắm trang thiết bị. Đến nay, các gian tự của đình cơ bản đã được sửa chữa lại mới, nhưng vẫn giữ nguyên những nét kiến trúc ban đầu”, ông Công cho hay.
 
Từ lâu, đình làng Xuân Phổ Tây, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) chính là cái hồn và là nét văn hóa đặc trưng của người dân ở đây. Mỗi khi lớp người trước nhắc về đình làng này, con cháu lại nhớ về một thời cha ông khai thiên lập địa nên mảnh đất này. Hơn nữa, nơi đây từng là căn cứ cách mạng nuôi giấu bộ đội, du kích trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
 
Theo nhiều người dân ở thôn Xuân Phổ Tây, trước đây ngôi đình này được xây dựng đơn giản, thô sơ bằng các cột kèo gỗ, mái ngói đơn sơ. Theo thời gian, cộng với sự tàn phá của chiến tranh, ngôi đình này xuống cấp nặng nề. Người dân nhiều lần cùng nhau chung tay, kêu gọi sửa chữa. "Ngôi đình được xây dựng, với kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Đây là số tiền mà chúng tôi kêu gọi được cùng với sự đóng góp nhiệt tình từ người dân”, ông Phạm Cao Vinh, người dân thôn Xuân Phổ Tây, cho biết.
 
Là một người con của địa phương làm ăn ở TP.Hồ Chí Minh, sau khi nhận được thư ngỏ của bà con quê nhà kêu gọi quyên góp xây dựng đình làng, anh Nguyễn Ngọc Đại đã ủng hộ 100 triệu đồng. “Địa phương cần gì thì mình giúp đỡ, không góp công thì góp ít của cải, tiền bạc, miễn là quê hương phát triển là mình vui rồi”, anh Đại bộc bạch.
 
Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU
 
 

.