Ngư dân "quay lưng" với lưới rê Việt

02:04, 08/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ba năm trở lại đây, nhiều tàu hành nghề lưới rê trên địa bàn tỉnh đang dần chuyển từ lưới rê do các cơ sở trong nước sản xuất sang sử dụng lưới rê có xuất xứ từ nước ngoài. Vì thế, sản phẩm lưới rê “Made in Việt Nam” đang dần thất thế ngay trên “sân nhà”. 
Không bền bằng lưới Thái
 
Nghề lưới rê là một trong những nghề cá phát triển mạnh tại Quảng Ngãi, với số lượng tàu lên đến gần 1.300 chiếc, chiếm hơn 1/5 tổng số lượng tàu thuyền đánh bắt thủy sản toàn tỉnh. Chuyên đánh bắt dài ngày ở vùng biển xa, nên bình quân mỗi tàu hành nghề lưới rê luôn mang theo từ 10 - 30 bộ lưới trong mỗi chuyến vươn khơi. Tổng kinh phí đầu tư cho lưới cụ có thể dao động từ 400 triệu - 1,5 tỷ đồng. 
 
Lưới Thái Lan đang được ngư dân làm nghề lưới rê trên địa bàn tỉnh ưa chuộng.
Lưới Thái Lan đang được ngư dân làm nghề lưới rê trên địa bàn tỉnh ưa chuộng.
 
Theo nhiều chủ tàu làm nghề lưới rê, do chi phí đầu tư lớn, đồng thời năng suất đánh bắt của nghề lưới rê, nhất là lưới rê ở tầng nước nổi lại phụ thuộc phần lớn vào lưới cụ, nên hầu hết các chủ tàu đều không tìm các loại lưới chất lượng, giúp họ nâng cao sản lượng đánh bắt. Trong 3 năm trở lại đây, sau khi tiếp cận loại lưới rê có xuất xứ từ Thái Lan, hầu hết các chủ tàu đều sử dụng loại lưới này thay cho lưới Việt Nam trước đó.
 
Phân tích lý do lựa chọn lưới rê Thái Lan phục vụ hoạt động đánh bắt, chủ tàu QNg 94857 TS Nguyễn Thành Sơn, phường Phổ Quang (thị xã Đức Phổ) cho biết: “Tôi làm nghề lưới rê tầng nước nổi, chuyên bắt các loại cá lớn như cá kiếm, cá thu, cá ngừ, với trọng lượng mỗi con có khi lên đến hàng trăm ký, đòi hỏi lưới đánh bắt phải chắc chắn.
 
Tuy nhiên, từ 2014 - 2017, các tấm lưới rê do các cơ sở trong nước sản xuất mà tôi sử dụng, dù mua mới vẫn thường xuyên bị rách, khiến hiệu quả đánh bắt giảm sút, tàu bị lỗ tổn liên tục. Vì vậy, năm 2018, tôi quyết định tạm ngưng sử dụng lưới Việt và chuyển sang đầu tư 1,3 tỷ đồng để mua 200 tấm lưới rê Thái Lan. Qua thực tế đánh bắt hơn 2 năm qua, tôi thấy rằng, tuy có kích thước, cách đan giống nhau, nhưng lưới Thái Lan bền hơn nhiều so với lưới trong nước sản xuất. Năng suất đánh bắt nhờ vậy mà tăng lên từ 4 - 5 lần”.
 
Đắt nhưng hiệu quả kinh tế
 
Sau khi sử dụng lưới Thái Lan vào đánh bắt, tàu lưới rê của ngư dân Nguyễn Thành Sơn liên tục gặt hái những phiên biển bội thu. Từ năm 2019 đến nay, bình quân mỗi tháng, tàu của ông Sơn  thu về từ 600 - 700 triệu đồng.
 
Không chỉ giúp tăng sản lượng đánh bắt, việc ứng dụng lưới Thái Lan vào sản xuất còn giúp ngư dân hành nghề lưới rê tiết kiệm được chi phí và nhân công vá lưới sau mỗi chuyến biến.
 
Chuyển từ lưới Việt sang lưới Thái, không chỉ là hướng đi mới của gần 100 chiếc tàu làm nghề lưới rê chuyên đánh bắt các loại cá có kích thước lớn như cá ngừ sọc dưa, cá cờ gòn, cá kiếm... tại Đức Phổ, mà ngay cả các tàu hành nghề lưới rê đánh bắt các loại cá có kích thước nhỏ hơn như cá chuồn, cá nục tại nhiều làng chài khác trên địa bàn tỉnh cũng chuộng loại lưới này.
 
Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) Lê Văn Phúc cho biết: “Sau nhiều năm sử dụng lưới rê Việt Nam, đến nay, hơn 200 chiếc tàu làm nghề lưới rê chuồn (chuyên đánh bắt cá chuồn ở tầng nước nổi) trên địa bàn xã cũng chuyển sang dùng lưới xanh của Thái Lan. Kinh phí trang bị lưới cụ của mỗi tàu lưới rê chuồn dao động từ 400 - 500 triệu đồng, cao hơn khoảng 20% so với lưới Việt, nhưng nhiều ngư dân vẫn ưa chuộng hơn vì cho rằng lưới Thái có sợi lưới mảnh, nhẹ hơn lưới Việt, trong khi độ bền lại cao hơn hẳn, nên khi gặp luồng cá chuồn lớn lên đến hàng chục tấn, ngư dân không phải thấp thỏm sợ rách lưới”.
 
Giúp ngư dân nâng cao được hiệu quả đánh bắt, nên lưới rê Thái Lan đang dần chiếm lĩnh thị trường. Theo chia sẻ của nhiều đại lý ngư lưới cụ trên địa bàn tỉnh, trước nhu cầu ngày càng lớn của ngư dân, hiện các đại lý đều ngưng bán lưới rê trong nước sản xuất, đẩy mạnh việc nhập lưới rê Thái Lan để đủ số lượng cung ứng cho ngư dân.
 
Bài, ảnh: Ý THU
 
 
 

.