Loài sâu được mệnh danh 'kẻ hủy diệt' cây trồng xuất hiện tại Quảng Ngãi

09:06, 13/06/2019
.
( Baoquangngai.vn) - Sinh vật ngoại lai mang tên sâu keo mùa thu, loài sâu được mệnh danh là “kẻ hủy diệt” cây trồng đã xuất hiện tại Quảng Ngãi và đang tấn công cây bắp. Nhiều nông dân đang hết sức lo lắng vì sâu tàn phá cây bắp đến chóng mặt.
Sâu “lạ” tàn phá chóng mặt
Hiện tại nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống diện tích bắp vụ hè thu. Đến nay, phần lớn diện tích bắp được khoảng 1 tháng tuổi. Nhiều nông dân đang hết sức lo lắng vì sâu “lạ” tàn phá cây bắp đến chóng mặt, đã phun thuốc nhiều lần nhưng không diệt trừ hết sâu. 
 
Vụ này gia đình ông Nguyễn Thanh, ở thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) trồng 4 sào bắp, 1 sào xuống giống sớm được 1,5 tháng khi bắp lên cao khoảng 50cm thì xuất hiện sâu cắn rách nát hết phần lá non trên ngọn và đọt cây.
 
Sâu keo mùa thu đang tấn công cây bắp.
Nông dân lo lắng vì bắp nhiễm sâu lạ.
 
Vạch lá non thấy rất nhiều trứng và sâu nằm sâu ở trong nõn, một cây bắp từ 2 - 5 con. Chỉ trong 3 ngày, cả sào bắp của ông Thanh bị sâu ăn gãy cả đọt. Ban ngày, sâu chui vào thân trốn, đến chiều mát mới chui ra ngoài. Ông Trung phải xịt thuốc 3 lần, xịt ướt đẫm cả tàu lá xuống bẹ mới hạn chế được sâu.
 
Tại cánh đồng ở thôn Kim Lộc, xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi), nông dân cũng than trời vì sâu keo tấn công bắp. Tại ruộng bắp hơn 1 sào của gia đình bà Phạm Thị Minh đang bị sâu cắn phá xơ xác.
 
Bà Minh cho hay, từ trước đến nay, sâu gây hại trên cây bắp thường là con sâu màu xanh. Loài sâu này rất dễ diệt trừ, mức độ cắn phá cũng không đáng kể. Thế nhưng, 1 tháng nay, trên cây bắp xuất hiện một loại sâu “lạ”, mình dài, đầu to, màu nâu đen, thân rất dai, phun các loại thuốc diệt trừ sâu thông thường không có tác dụng.
 
Sâu keo mùa thu đang tấn  công cây bắp.
Sâu keo mùa thu cắn phá nát cây bắp.
 
“Lần đầu tiên nông dân gặp loại sâu tàn phá bắp nhanh đến chóng mặt. Tôi xem trên truyền hình thấy rất giống với sâu keo mùa thu. Nếu như sâu xanh mỗi vụ chỉ cần phun 1 lần, còn sâu này phun đã 2 lần không chết, ngày mai tôi phun tiếp lần nữa xem sao” - bà Minh nói.
 
Cần chủ động diệt trừ
 
Loài sâu “lạ” đang tấn công các ruộng ngô là sâu keo mùa thu (Spodoptera Frugiperda), loại sâu được mệnh danh là “kẻ hủy diệt”. Mức độ gây hại của sâu có thể ảnh hưởng tới 30 - 40% năng suất của cây trồng. Không chỉ gây hại trên cây bắp, sâu keo mùa thu còn gây hại trên nhiều loại cây trồng khác. 
 
Theo Bộ NN&PTNT, đây là loài sâu hại ngoại lai mới xâm nhập vào nước ta, có khả năng di trú xa, gây hại nặng cho bắp và nhiều loại cây trồng khác. Hiện nay, sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Quảng Ngãi. 
 
Theo thống kê của Chi cục TT&BVTV tỉnh, tính đến ngày 10.5, tại 7 huyện, thành phố gồm: Bình Sơn, Sơn Tịnh, TP. Quảng Ngãi, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức và Đức Phổ đã có hơn 24/96ha bắp bị nhiễm. 
 
Sâu keo gây hại và phân bố trong giai đoạn bắp 2 lá - xoáy noãn, mật độ sâu phổ biến từ 2 - 7 con/m2, nơi cao như ở TP. Quảng Ngãi từ 10 - 30 con/m2.
 
Bà Lê Thị Thanh Xuân, nhân viên kỹ thuật, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tư Nghĩa cho biết, để tổ chức phòng trừ kịp thời và hiệu quả loài sâu hại này, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã ban hành hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu để hạn chế thấp nhất thiệt hại, đảm bảo năng suất và sản lượng cây trồng.
 
 
Sâu keo được mệnh danh là "kẻ  dủy diệt" cây trồng.
 
Theo đó, bà con cần tuân thủ biện pháp canh tác như làm sạch cỏ dại xung quanh vườn bắp để hạn chế nơi trú ẩn của sâu. Làm sạch đất rồi phơi khô để ấu trùng, nhộng trong đất chết hoặc dễ dàng bị thiên địch tiêu diệt. Nông dân nên trồng luân canh cây bắp - lúa nước ngay sau vụ bắp để diệt nhộng trong đất.
 
Biện pháp thủ công là thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn bắp 3 - 6 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy; sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn bắp diệt sâu non.
 
Khuyến khích sử dụng các biện pháp sinh học, hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học để bảo vệ thiên địch của sâu keo. Nông dân cũng có thể sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng... để phun trừ sâu khi sâu tuổi nhỏ; dùng biện pháp bẫy bã, bã đèn để bẫy sâu.
 
“Với biện pháp hóa học, hiện nay trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam chưa có thuốc được đăng ký để phòng trừ sâu keo mùa thu. Do vậy, các loại thuốc BVTV chỉ sử dụng tạm thời tối đa đến 31.12.2019 như một số thuốc mà Cục BVTV khuyến cáo nông dân sử dụng là Radiant 60SC, Opulent 150SC, Match 50EC. Khi sử dụng bà con cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng in trên bao bì”,  bà Xuân cho biết thêm.
 
Bài, ảnh: A.KIỀU

.