Trà Bồng: Bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc

02:03, 15/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện ủy Trà Bồng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 02 “về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Trà Bồng, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện trong việc gìn giữ nét văn hóa rất riêng trong đời sống và sinh hoạt của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là đồng bào Cor.
 
Miệt mài giữ gìn văn hóa truyền thống
 
Ở xã vùng cao Sơn Trà (Trà Bồng), nghệ nhân Hồ Văn Đường là gương sáng trong bảo tồn văn hóa dân tộc Cor. Đã trên 70 tuổi nhưng ông Đường vẫn rất đam mê, miệt mài với việc gìn giữ và bảo tồn những nét độc đáo và được xem như cuốn “bách khoa toàn thư” về văn hóa Cor ở xã vùng cao Sơn Trà. Ông Đường không chỉ biết đánh chiêng, chỉnh chiêng, mà còn chơi đàn Brooc rất hay. Ngoài ra, theo tục lệ của người Cor, đan lát là công việc của nam giới. Do đó, ngay từ nhỏ, ông Đường đã được ông nội và cha dạy đan những vật dụng trong gia đình từ đơn giản đến phức tạp. 
 
Nghệ nhân Hồ Văn Đường (bên trái) gìn giữ nghề đan truyền thống của đồng bào Cor.
Nghệ nhân Hồ Văn Đường (bên trái) gìn giữ nghề đan truyền thống của đồng bào Cor.
Hiện ở thôn Trà Ong, xã Sơn Trà chỉ có ông Đường là còn giữ được nghề đan lát. Ông có thể đan được những vật dụng phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho gia đình như Ka Pưck (nia sẩy lúa), Atró (gùi lúa nhỏ), Ateo (gùi lúa lớn) và cả những vật dụng phức tạp như Ga ráck đheec (mâm dùng cúng lễ), Ka xui (gùi 3 ngăn của đàn ông Cor) hay Và Rá (vật dụng cột trâu trong lễ hiến trâu)... Giờ tuổi cao không đi rừng đi rẫy được thì ông Đường ở nhà đan lát vừa để phục vụ cho gia đình, vừa tạo thu nhập.
 
Bà Hồ Thị Non, ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng), cũng là một trong những hạt nhân nòng cốt trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Cor. Trước sự mai một của những bộ trang sức truyền thống, bà Non đã cất công tìm kiếm, sưu tầm và phục dựng lại.  “Từ các bộ trang sức cũ của người già còn lưu giữ, tôi mượn lại để tìm hiểu và làm theo, phục dựng lại những bộ trang sức của thiếu nữ Cor hay sử dụng trong các dịp lễ, ngày hội truyền thống. Làm cái này không vì kinh tế mà là để giữ gìn bản sắc văn hóa. Sau đó, tôi hướng dẫn cho phụ nữ các xã cách chế tác hay sửa chữa trang sức để có người kế thừa”, bà Non cho biết.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hồ Văn Thịnh cho biết, huyện rất quan tâm đến vấn đề phát triển và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn, nhất là phát huy vai trò các già làng, nghệ nhân. Họ được xem là “báu vật sống” trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác...
 
Đưa nghị quyết vào cuộc sống
 
Hiện nay, trên địa bàn huyện Trà Bồng còn lưu giữ hàng nghìn bộ cồng chiêng và nhiều loại nhạc cụ truyền thống. Mỗi xã, thị trấn đều xây dựng một đội văn nghệ, trong đó các nghệ nhân giữ vai trò nòng cốt. Để xây dựng lực lượng kế tục nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào Cor trong tương lai, huyện Trà Bồng luôn chú trọng tổ chức các lớp truyền dạy nghề hay sử dụng nhạc cụ truyền thống. Hằng năm, huyện mời những nghệ nhân có kinh nghiệm truyền dạy lại cho con cháu những kỹ năng, kỹ thuật đánh chiêng, chế tác và chơi các nhạc cụ truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ... góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trong thời đại hiện nay.
 
Nghệ nhân Hồ Thị Non (bên trái) giới thiệu bộ sưu tập cườm do mình tự làm.
Nghệ nhân Hồ Thị Non (bên trái) giới thiệu bộ sưu tập cườm do mình tự làm.
Nghị quyết chuyên đề số 02 của Huyện ủy Trà Bồng đặt ra mục tiêu là ngăn chặn nguy cơ mai một các giá trị văn các dân tộc trên địa bàn huyện, trong đó có dân tộc Cor. Mục tiêu là tạo sự chuyển biến nhận thức tích cực trong xây dựng đời sống tinh thần giàu bản sắc văn hóa, từ đó tiếp tục xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.
 
Theo Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Đặng Minh Thảo, để cụ thể hóa Nghị quyết 02 về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, Trà Bồng xác định 5 giải pháp chủ yếu. Trước hết là nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn, trong đó phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị, xã hội trong tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức người dân trong xây dựng đời sống văn hóa tinh thần. Huyện sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá, thống kê hiện trạng di sản văn hóa trong huyện để có kế hoạch thực hiện sát thực hơn. Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, để từ đó tạo động lực và góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn...
 
Bài, ảnh: THANH THUẬN
 
 
 
 

.