Thăm lại Di tích trụ sở Ủy ban kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ

09:12, 19/12/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Cách nay 75 năm, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến". Thời điểm ấy, Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung bộ (1946 - 1949) đóng tại thôn Phú Bình, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp ở vùng Nam Trung Bộ. Lúc bấy giờ, đây là nơi ở và làm việc của Cụ Huỳnh Thúc Kháng và đồng chí Phạm Văn Đồng.
 
Là trụ sở Ủy ban kháng chiến trong điều kiện bí mật lãnh đạo cuộc kháng chiến nên nơi ở và làm việc của Cụ Huỳnh Thúc Kháng và đồng chí Phạm Văn Đồng là của người dân. Đó là nhà ông Nguyễn Tương nơi cụ Huỳnh Thúc Kháng ở và làm việc và nhà ông Ngô Đồng là nơi làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng. Hai địa điểm này cách nhau một mảnh vườn. Khi làm việc tại đây, cụ Huỳnh là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam; còn đồng chí Phạm Văn Đồng là đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ tại Nam Trung Bộ.
 
Học sinh cùng thầy cô giáo của Liên đội trường Tiểu học Hành Thuận (Nghĩa Hành) đến thăm di tích vào dịp kỷ niệm 75 ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Thầy cô và học sinh dâng hương Cụ Huỳnh và nghe kể những câu chuyện lịch sử về địa điểm đặc biệt này. Ở một góc trong khuôn viên di tích nơi có chiếc bàn đá đặt dưới tán cây nhãn cổ thụ, một nhóm anh chị em trong Câu lạc bộ bài chòi huyện Nghĩa Hành đang tập luyện các tác phẩm mới để biểu diễn dịp kỷ niệm mộr năm ra mắt câu lạc bộ...

 

Di tích Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ.
Di tích Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ.
 
Ông Nguyễn Lãnh là cháu ông Nguyễn Tương đang trông nom di tích và hương khói tại đây cho hay, hàng tháng, các trường học trên địa bàn huyện đều tổ chức cho học sinh đến thăm viếng di tích và dâng hương Cụ Huỳnh. Ông là người trực tiếp kể những câu chuyện liên quan đến cụ Huỳnh và di tích này với những gì ông biết. Thi thoảng, có một số hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng diễn ra tại đây. Di tích này đã phát huy vai trò giáo dục truyền thống lịch sử cho lớp trẻ, đặc biệt là các cháu học sinh. Đối với gia đình ông, đây cũng là niềm tự hào của dòng tộc. Hiện trong căn nhà di tích được phục dựng là nơi thờ tự Cụ Huỳnh và gia tộc của ông Nguyễn Lãnh.
 
Nơi ở và làm việc của Cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng đồng chí Phạm Văn Đồng và trụ sở của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ giai đoạn 1946 - 1949 trở thành một di tích ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Quảng Ngãi nói riêng, Nam Trung Bộ nói chung thời kỳ đầu kháng Pháp; là niềm tự hào về truyền thống yêu nước, cách mạng hào hùng của nhân dân Quảng Ngãi.Trụ sở của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ tại Quảng Ngãi đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1994.

 

Thầy cô giáo và học sinh  Trường Tiểu học Hành Thuận tìm hiểu về di tích Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ
Thầy cô giáo và học sinh Trường Tiểu học Hành Thuận tìm hiểu về di tích Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ
 
Trong kháng chiến chống Pháp, huyện Nghĩa Hành có một vị trí chiến lược quan trọng. Đây là vùng trung du, vừa thuận lợi trong việc liên lạc với các huyện miền núi và Tây Nguyên thông qua địa bàn huyện Ba Tơ; vừa dễ dàng huy động sức người, sức của từ các huyện Mộ Đức, Đức Phổ; lại có thể tránh được mũi tiến công trực diện của Pháp từ hướng biển, khống chế được hành lang chiến lược từ đồng bằng nam Quảng Nam và bắc Bình Định lên Tây Nguyên. Đặc biệt, nơi đây là địa phương giàu truyền thống yêu nước, cách mạng.
 
Cuối năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng đi kinh lý các tỉnh miền Trung và lưu lại tại Quảng Ngãi để truyền đạt đường lối kháng chiến cứu nước của Chính phủ cùng những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; động viên đồng bào, chiến sĩ quyết tâm đánh đuổi giặc Pháp xâm lược. Tại nhà ông Nguyễn Tương lúc ấy là nơi sống và làm việc trong những ngày cuối đời của cụ, một chí sĩ trọn đời vì dân vì nước.
 
Cùng thời gian này, tháng 11/1946, đồng chí Phạm Văn Đồng được cử vào đây để đại diện cho Trung ương Đảng và Chính phủ tại Nam Trung Bộ với nhiệm vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh giao “Phải quan tâm trước hết việc xây dựng Đảng bộ đi đôi với xây dựng lực lượng vũ trang lớn mạnh; động viên, tổ chức, lãnh đạo quần chúng; tăng cường đoàn kết nhân dân, củng cố và bảo vệ vùng giải phóng; đồng thời kiên trì chiến đấu và quyết tâm thắng kẻ địch ngay trên các mặt trận Nam Trung Bộ”.
 
Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ giai đoạn 1946 - 1949 đã tổ chức nhiều hoạt động quan trọng như in và phát hành bạc tín phiếu kịp thời, góp phần đẩy mạnh sản xuất, lưu thông hàng hóa; tổ chức bầu cử, củng cố chính quyền các cấp, xây dựng các đoàn thể vững mạnh; phát động phong trào thi đua yêu nước… Cũng chính nơi đây, đồng chí Phạm Văn Đồng đã triệu tập, chủ trì nhiều hội nghị quan trọng như Hội nghị cán bộ quân dân chính, Hội nghị quân sự Nam Trung Bộ, Hội nghị chính trị viên toàn quân khu lần thứ nhất… Hoạt động của Ủy ban Kháng chiến đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng Nam Trung Bộ thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp.
 
Đến đầu năm 1949, cuộc kháng chiến chống Pháp trong cả nước bước sang một giai đoạn mới. Đồng chí Phạm Văn Đồng được điều về Trung ương. Cơ quan đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ tại Chợ Chùa giải thể. Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ được dời vào Hoài Ân (Bình Định).
 
Bài, ảnh: X. THIÊN
 
 
 

.