Kích bình ắc-quy: Kinh nghiệm tài xế Việt nên biết khi xe để lâu không đi

09:08, 17/08/2021
.
Trong thời gian giãn cách xã hội, ô tô ít đi đến dễ dẫn đến tình trạng yếu điện, không khởi động được và tài xế cần "câu bình" hoặc dùng bộ kích dự phòng để xử lý sự cố này.
 
Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương đang phải trải qua đợt giãn cách xã hội dài do dịch Covid-19. Đây cũng là lúc nhiều người cần sử dụng ô tô nhưng lại không thể khởi động được, trong khi các điểm sửa xe cũng đóng cửa. Việc trang bị cho mình các công cụ dự phòng cùng kiến thức sẽ giúp khắc phục vấn đề này.
 
Về cơ bản, ắc-quy để lâu sẽ tự "xả" dòng điện. Còn trên ô tô, ngay cả khi đã tắt máy thì vẫn cần nguồn điện "nuôi" một số bộ phận, chẳng hạn hệ thống chống trộm... Ngoài ra, khả năng dự trữ nguồn điện của bình ắc-quy cũng giảm theo thời gian sử dụng và thông thường sẽ phải thay sau khoảng 2-3 năm sử dụng.
 
Việc trang bị một số dụng cụ hỗ trợ kích bình cũng như kiến thức sử dụng chúng có thể giúp người dùng khắc phục sự cố này.
 
Dùng dây câu bình ắc-quy
 
Khi lái xe, tài xế nên mua sẵn bộ dây câu bình và để sẵn trong xe phòng trường hợp khẩn cấp. Nó thường gồm hai sợi riêng biệt với kẹp ở mỗi đầu, trong đó dây màu đỏ thường được quy ước để nối cọc dương (+), dây màu đen để nối cọc âm (-). Khi ắc-quy của xe bị chết, tài xế có thể nhờ những xe xung quanh để hỗ trợ câu bình.
 
Đầu tiên, hãy đỗ sao cho hai đầu xe đối diện nhau với khoảng cách đủ gần bởi hầu hết các xe có ắc-quy đặt ở khoang động cơ phía trước. Tiến hành mở nắp ca-pô của hai xe lên và xác định vị trí của ắc-quy. Thông thường, cực dương sẽ to hơn và có ký hiệu dấu (+), nắp màu đỏ. Cực âm nhỏ hơn và ký hiệu dấu (-), có thể nắp màu đen hoặc không có nắp. 
 
Để đảm bảo tiếp xúc tốt, có thể lau chùi, vệ sinh các đầu điện cực của ắc-quy. Ngoài ra, cũng cần chú ý xem có dấu hiệu rò rỉ dầu hoặc xăng không để tránh chập điện. Đảm bảo ắc-quy không phồng, không chảy nước, không có dấu hiệu bất thường.
 
Sau đó, dùng một đầu kẹp của dây câu màu đỏ nối với cực dương (+) của ắc-quy bị hết điện. Đầu kẹp còn lại nối với cực dương (+) trên xe cứu hộ. Khi thao tác, không để cho 2 đầu kẹp chạm vào nhau hoặc chạm vào thân xe vì có thể gây chập điện. Sau đó, dùng dây màu đen nối với cực âm (-) trên xe cứu hộ, đầu dây màu đen còn lại kẹp vào một bộ phận kim loại không sơn trên xe bị hết điện ắc-quy. 
 
Nổ máy xe cứu hộ và để chạy không tải trong 2-3 phút. Sau đó, thử khởi động lại xe bị chết bình ắc-quy. Nếu xe không khởi động ngay lập tức, tắt chìa khóa và để xe cứu hộ tiếp tục chạy không tải trong 10-15 phút, sau đó thử lại.
 
Sau khi xe cần cứu đã nổ máy, tiến hành tháo dây câu bình ngược so với lúc câu, tránh để dây tiếp xúc với nhau hay chạm vào vỏ xe, chạm đất. Tiếp tục để động cơ hoạt động trong 10-15 phút, không bật các thiết bị tiêu thụ điện để tập trung nạp vào ắc-quy. 
 
Dùng bộ kích bình di động
 
Nếu như việc câu bình đòi hỏi phải có xe khác hỗ trợ thì việc trang bị các bộ kích ắc-quy có tính chủ động hơn. Có thể hình dung đây là một viên pin dự phòng nhưng được thiết kế riêng để phù hợp cho việc hỗ trợ khởi động xe ô tô. Trên thị trường, phụ kiện này có giá từ khoảng một triệu đồng.
 
Tương tự hình thức câu dây, việc sử dụng bộ kích bình cũng bằng cách đấu kẹp màu đỏ (cực dương) với cực dương của bình ắc-quy trên xe và kẹp màu đen với cực âm hoặc một thanh kim loại không sơn trên xe. Khi lắp đặt đúng, trên thiết bị có thể sẽ hiển thị đèn thông báo, cho biết đã sẵn sàng khởi động ô tô.
 
Lúc này, người dùng chỉ cần lên xe và đề nổ. Sau khi xe khởi động được 30 giây, rút kẹp từ bộ kích khỏi bình ắc-quy và tiếp tục cho ô tô khởi động thêm 15-30 phút để bình được sạc. Đừng quên bộ kích bình này cũng tương tự viên pin dự phòng nên cũng cần nạp đầy để sử dụng cho những lần tiếp theo.
 
Theo Gia An/Dân Trí

.