Tác giả - Tác phẩm: Nguyễn Thông viết về Anh hùng dân tộc Trương Định

12:35, 17/03/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tác giả văn học viết về Anh hùng dân tộc Trương Định ngoài Nguyễn Đình Chiểu với một bài văn tế và 12 bài thơ thất ngôn bát cú, có lẽ Độn Am Nguyễn Thông là người viết sớm và kỹ nhất. Tác phẩm của ông là “Lãnh binh Trương Định truyện”, nằm trong tập truyện chữ Hán “Độn Am văn tập”. Về sau tác phẩm này được in trong cuốn sách “Nguyễn Thông, con người và tác phẩm”, của 2 tác giả Ca Văn Thỉnh và Bảo Định Giang, xuất bản năm 1984.

 

Nhà nho yêu nước Nguyễn Thông là người gắn bó mật thiết với phong trào kháng Pháp ở Nam Bộ ngay từ những ngày đầu. Năm 1859, khi Pháp tấn công Gia Định, Nguyễn Thông lúc này đang giữ chức Hàn lâm viện Tu soạn tại kinh thành Huế lập tức xin về Nam tòng quân và được cử làm tham mưu cho Thống đốc quân vụ Tôn Thất Hiệp. Năm 1861, đại đồn Chí Hòa thất thủ, Nguyễn Thông được thăng từ Vệ úy lên Chưởng vệ, sung Phó Đề đốc, hiệp thương cùng Trương Định chống giặc. Là chứng nhân của thời cuộc, gắn bó với Trương Định trong những năm đầu đánh Pháp, Nguyễn Thông am hiểu về Trương Định và cuộc khởi nghĩa của ông nói riêng, phong trào chống Pháp ở Nam Bộ giai đoạn đầu nói chung. Bởi vậy, những trang văn của ông về Trương Định thể hiện sự cảm phục sâu sắc đối với người anh hùng chống Pháp. Đây được xem là tư liệu quý về anh hùng Trương Định.

Mở đầu tác phẩm, Nguyễn Thông giới thiệu vắn tắt về thân thế, hành trạng của Trương Định: “Trương Định nguyên người Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ông theo cha vào Nam, […] lấy vợ con gái một nhà giàu ở Tân An, tỉnh Định Tường”; “Thời Tự Đức, Trương Định xuất của nhà chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền, nên được bổ chức Quản cơ”.

Nguyễn Thông quê ở Nam Bộ nhưng lại gắn bó với xứ Quảng. Không chỉ để lại nhiều dấu ấn khi giữ chức Bố chánh Quảng Ngãi, ông còn có nhiều áng thơ văn giá trị ca ngợi phong cảnh, con người nơi đây. Trong đó, “Lãnh binh Trương Định truyện” là tác phẩm quan trọng. Đọc lại truyện của Nguyễn Thông, ta không chỉ hiểu hơn về người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi Trương Định, mà càng thêm cảm phục tấm lòng yêu nước của những người con ưu tú của dân tộc.

 

Phần trọng tâm của truyện, Nguyễn Thông tập trung thuật lại sự nghiệp kháng Pháp của Trương Định.
Lúc thành Gia Định thất thủ, Trương Định “dẫn lính cơ tới đóng ở Thuận Kiều” cho đến khi tuẫn tiết. Trong đó, có nhiều chi tiết khắc họa phẩm chất anh hùng của vị tướng Bình Tây. Những ngày đầu đánh Pháp, “ông thường đi tiên phong và lập được nhiều chiến công”. Sau khi đồn Phú Thọ bị mất, ông “tích trữ lương thực, rèn đúc súng đạn, có hơn nghìn binh lính. Nhân lính Tây không am hiểu đường sá, ông thường đem quân phục kích thu được nhiều thắng lợi nhỏ”. Từ khi xưng Bình Tây Đại nguyên soái, Trương Định “đem đại binh đóng ở Gò Công”, cho “đắp lũy để cản quân Tây”, “đúc thêm đại bác”, “gửi thư hiểu dụ các nghĩa hào” để làm kế đánh giặc lâu dài. Đối với tướng sĩ, Trương Định thường “giết trâu dọn rượu khao thưởng tướng sĩ” khiến “người người đều phấn khởi ra sức”. Trước sức ép từ lệnh bãi binh của triều đình, “Định vẫn không nghe”. Trước sức mạnh vũ lực khủng khiếp của quân thù, Trương Định và nghĩa quân vẫn chiến đấu anh dũng, quả cảm: “Tiếng súng vang trời, đạn bay như mưa. Định thúc quân chống cự luôn ba ngày quân sĩ không cởi áo giáp”. Đặc biệt, sự hy sinh của anh hùng Trương Định được thể hiện một cách cảm động: “Định bị thương nặng, liệu không thoát khỏi, rút dao sẵn trong mình tự vẫn chết. Năm ấy ông 44 tuổi”. Với chi tiết này, “Lãnh binh Trương Định truyện” của Nguyễn Thông là tư liệu đương thời đáng tin cậy khẳng định việc Trương Định tuẫn tiết khi rơi vào vòng vây của kẻ thù.

“Lãnh binh Trương Định truyện” là tác phẩm truyện ký tiêu biểu của phong cách văn xuôi tự sự trung đại. Hơn nữa, đây là tác phẩm được viết bởi một vị quan đương triều về người đồng liêu mang tội kháng mệnh triều đình. Do đó, truyện trần thuật một cách khách quan, hạn chế đến mức tối đa cảm xúc, từ ngữ. Tuy nhiên, trong tác phẩm, Nguyễn Thông vẫn không giấu được cảm xúc ngưỡng mộ tài năng, tấm lòng yêu nước sáng ngời của Trương Định. Không ít lần tác giả ca ngợi: “Trương Định tướng mạo khôi ngô, thông hiểu binh thư và bắn rất giỏi”, “Trương Định biết tùy cơ ứng biến, hiệu lệnh nghiêm túc, các tướng tá thảy đều sợ phục”.

PHẠM TUẤN VŨ
 

Xuất bản lúc: 12:35, 17/03/2024

Ý kiến bạn đọc


.