(Baoquangngai.vn)- Trong chương trình làm việc tại Quảng Ngãi, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển làm trưởng đoàn đã đi khảo sát về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 và Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.
Cùng đi với Đoàn về phía tỉnh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Tại các nơi đến khảo sát, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã tìm hiểu, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh và trao đổi những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị về cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp từ phía Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất.
Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương khảo sát tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. |
Thông tin từ lãnh đạo Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, Hòa Phát đã được chấp thuận chủ trương đầu tư triển khai 7 dự án trên địa bàn KKT Dung Quất, với tổng vốn đầu tư hơn 178,5 nghìn tỷ đồng Trong đó, đặc biệt là dự án trọng điểm Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất và Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2.
Hiện tại, dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất cơ bản hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đầu tư xây dựng các hạng mục, công trình với quy mô 4 triệu tấn thép/năm. Nhà đầu tư đang tiếp tục thực hiện các thủ tục để nâng công suất đạt 6 triệu tấn thép/năm. Dự án vận hành bến cảng chuyên dùng với 11 cầu cảng, tiếp nhận tàu trọng tải lên đến 200 nghìn DWT. Kể từ đầu dự án đến nay đã đóng vào ngân sách thông qua các khoản thuế phí khoảng 30,807 nghìn tỷ đồng.
Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương và lãnh đạo tỉnh thăm dây chuyền sản xuất tại nhà máy cán thép trong Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. |
Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 được chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư vào năm 2021, với quy mô công suất 5,6 triệu tấn thép/năm, tổng vốn đầu tư 85 nghìn tỷ đồng. Theo chủ trương đầu tư đã được cấp, hiện nay Công ty đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư khoảng 44,88% tổng vốn đầu tư đã đăng ký. Dự kiến cuối năm 2024 sẽ triển khai vận hành chạy thử trước 1 dây chuyền với công suất khoảng 2,3 triệu tấn/năm.
Ngoài ra, Công ty cũng đang triển khai và vận hành các dự án vệ tinh khác trong đó có dự án Bến cảng tổng hợp p- container có tổng vốn đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng, phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa cho KKT Dung Quất với công suất 6 triệu tấn/năm, tiếp nhận tàu trọng tải tối đa 50 nghìn DWT. Dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục nâng quy mô, công suất, khai thác tối đa lợi thế cảng biển nước sâu phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực.
Các dự án hiện đang giải quyết việc làm cho khoảng 15 nghìn lao động, trong đó 90% là lao động địa phương. Trong thời gian đến, nhu cầu lao động tiếp tục tăng lên đạt khoảng 18 - 20 nghìn người.
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại buổi làm việc với Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất. |
Kiến nghị với Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất mong muốn Đảng và Nhà nước trong thời gian tới quan tâm có những cơ chế đặc biệt trong công tác tạo quỹ đất sạch, tái định cư, cũng như kịp thời có những điều kiện tối ưu để thúc đẩy và bảo vệ nền sản xuất bền vững của các doanh nghiệp trong nước; áp dụng các chính sách lãi suất cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư các dự án có quy mô vốn lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài,…
Lãnh đạo UBND tỉnh và Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất dự buổi làm việc. |
Trao đổi với Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo BSR cho biết, dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã hoàn thành xây dựng, cho ra dòng sản phẩm đầu tiên vào ngày 22/2/2009 và chính thức được bàn giao cho Chủ đầu tư ngày 30/5/2010, chuyển sang giai đoạn vận hành thương mại, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực cho đất nước.
Với công suất 6,5 triệu tấn/năm, BSR cung cấp khoảng 30% nhu cầu xăng dầu các loại, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát huy hiệu quả tạo giá trị gia tăng cho việc sử dụng nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia; đồng thời góp phần hình thành nguồn nhân lực Việt Nam có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hoá đất nước trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế. Tổng giá trị xuất nhập khẩu từ khi Nhà máy hoạt động đến nay khoảng 11,097 tỷ USD.
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại buổi làm việc với Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn. |
Để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của BSR trong 6 tháng cuối năm 2024 và đặc biệt để đảm bảo nguồn dầu thô chế biến từ nay đến hết năm 2024 và các năm tới, BSR kiến nghị Ban Kinh tế Trung ương xem xét, kiến nghị Bộ Công thương về một số nội dung đối với Nghị định mới của Chính phủ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu như: Cho phép BSR bán lại các lô dầu thô mua từ nước ngoài trong trường hợp cấp bách khi bị ảnh hưởng do dịch bệnh, thiên tai, khi Nhà máy có sự cố hỏng hóc, dừng vận hành hoặc không còn nhu cầu sử dụng.
Điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với các nguyên liệu phối trộn cho Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất về 0% nhằm linh hoạt khả năng sản xuất xăng của Nhà máy... Hỗ trợ kiến nghị Chính phủ xem xét loại bỏ các sản phẩm được chế biến từ tài nguyên dầu thô ra khỏi danh sách các sản phẩm không chịu thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu.
Phát biểu tại buổi khảo sát, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển ghi nhận và chúc mừng những nỗ lực, kết quả tích cực của Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất và BSR trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay.
Đoàn công tác sẽ tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các đơn vị để có thêm thông tin phục vụ xây dựng các đề án; đồng thời, tham mưu, đề xuất với các cơ quan trung ương nghiên cứu, điều chỉnh, có những chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế.
Tin, ảnh: N.ĐỨC
TIN, BÀI LIÊN QUAN: