Trợ lực cho các hợp tác xã miền núi

22:50, 07/05/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để khai thác lợi thế về đất đai, sản phẩm đặc trưng, nhiều hợp tác xã (HTX) tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của tỉnh được thành lập, tạo việc làm, nâng cao trình độ sản xuất và thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, các HTX cần sự trợ lực từ nhiều phía để phát triển bền vững.

Phát huy hiệu quả

Hợp tác xã Đồng Tâm xã Ba Vì (Ba Tơ) được thành lập từ tháng 5/2021, với 32 thành viên. Sau 3 năm đi vào hoạt động, HTX đã phát huy vai trò của kinh tế tập thể, tương trợ giúp các thành viên, người nông dân tại địa phương ký kết với Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi trồng bắp sinh khối. Qua đó, tạo chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất và tiêu thụ bắp sinh khối, giúp nông dân vùng cao Ba Tơ và các vùng lân cận nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, HTX Đồng Tâm còn hỗ trợ người dân địa phương làm thêm các sản phẩm như trồng và chế biến dầu phụng; khai thác, đầu tư mẫu mã, nâng cao giá trị sản phẩm mật ong rừng. Tuy nhiên, theo Giám đốc HTX Đồng Tâm xã Ba Vì Nguyễn Đức Tài, do thiếu vốn sản xuất và hạn chế trong ứng dụng kỹ thuật hiện đại nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao. Vì vậy, HTX mong muốn được hỗ trợ về máy móc và tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để tiếp tục mở rộng, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo ra lợi nhuận nhiều hơn cho đồng bào Hrê trên địa bàn.

Theo thống kê, hiện có khoảng 65 HTX đóng tại vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tỉnh, trong đó nhiều HTX ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn. Nắm bắt kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng, các HTX không ngừng cải thiện, nâng cấp sản phẩm từ mẫu mã, bao bì đến chất lượng để mở rộng và đứng vững trên thị trường. Một số sản phẩm của các HTX đã được cấp nhãn mác hàng hóa, chứng nhận truy xuất nguồn gốc, chất lượng VietGap như: Mật chuối và giấm chuối Subu của HTX Sản xuất Nông lâm nghiệp và Thương mại Dịch vụ Sơn Bua; cá tầm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Tây; măng nứa, bưởi da xanh, ổi Soli của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên (Sơn Tây). Một số sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP như: Gà kiến, gà đen, mắm cá niên, khổ qua rừng sấy, ớt sim rừng ngâm giấm của HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà.

Cần sự trợ lực

Vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để khai thác, phát triển theo mô hình HTX, nhất là sản phẩm đặc trưng. Tuy nhiên, việc sản xuất tập trung quy mô lớn chưa có, các mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị còn ít. Tại một số địa phương, quá trình hoạt động, các HTX còn nhiều trở ngại về cơ chế, thiếu nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, bên cạnh một số HTX đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, hầu hết các HTX tại vùng đồng bào DTTS hiệu quả hoạt động còn thấp, chưa có sức lan tỏa trong cộng đồng. Nhiều HTX chỉ thực hiện một nhiệm vụ được chính quyền địa phương giao như thủy nông, vệ sinh môi trường; thậm chí có đơn vị thành lập để thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa tạo ra nhiều lợi ích cũng như sự gắn kết cho các thành viên và người dân.

Đại diện Liên minh HTX tỉnh cho biết, thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Liên minh HTX tỉnh đang tiến hành các bước thẩm định HTX nào đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ theo quy định. Dự kiến sẽ hỗ trợ cho 10 - 12 HTX vùng đồng bào DTTS xây dựng dự án liên kết phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Chính sách này sẽ là động lực giúp người dân tại vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ có thêm các nguồn lực để phát triển. Tuy nhiên, để khai thác tốt lợi thế, từng bước nâng cao thu nhập, người dân cũng cần phải xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại; năng động hơn, mạnh dạn hơn trong sản xuất.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 22:50, 07/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.