Nông dân Quảng Ngãi học Bác làm những điều hay

17:16, 10/08/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền cho hội viên nông dân học tập và làm theo Bác bằng những việc làm ý nghĩa, thiết thực. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân năng động, sáng tạo, vượt khó phát triển sản xuất và tích cực đóng góp xây dựng quê hương.

Vượt khó làm giàu

Qua lời giới thiệu của cán bộ Hội Nông dân huyện Sơn Tây, chúng tôi tìm về thôn Ra Pân, xã Sơn Long (Sơn Tây) để gặp chị Nguyễn Thị Nhi - nông dân sở hữu cơ ngơi tiền tỷ trên vùng đất ngàn cau. Tham quan trang trại tổng hợp của chị, chúng tôi càng nể phục hơn về tinh thần năng động, không ngừng sáng tạo, cần cù lao động sản xuất của người phụ nữ này.

Nhờ năng động, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chị Nguyễn Thị Nhi, ở thôn Ra Pân, xã Sơn Long (Sơn Tây) có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nhờ năng động, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chị Nguyễn Thị Nhi, ở thôn Ra Pân, xã Sơn Long (Sơn Tây) có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Dẫn chúng tôi đến vườn cây ăn quả của gia đình, chị Nhi hào hứng kể, năm 2018, tôi là một trong những người tiên phong ở địa phương đưa giống ổi, bưởi về trồng trên đất đồi. Vừa trồng vừa đúc kết những kinh nghiệm hay, nhờ đó, vườn cây của tôi luôn trĩu quả, mang về cho gia đình nguồn thu nhập khá cao. “Hiện nay, trên diện tích đất đồi của gia đình, tôi trồng gần 10ha keo, 4.000 gốc ổi, hơn 3.000 gốc bưởi và khoảng 1.000 gốc sầu riêng, cùng rất nhiều loại cây ăn quả khác. Việc trồng đa dạng các loại cây ăn quả và canh tác theo phương pháp hữu cơ, giúp tôi không lo về đầu ra. Khi phát triển kinh tế nông nghiệp, tôi đặt hết tâm huyết, trí lực, đề cao chất lượng lên hàng đầu, nên ngay cả khi thị trường tiêu thụ khó khăn, sản phẩm do chính tôi sản xuất vẫn đứng vững trên thị trường”, chị Nhi cho hay.

Không chỉ trồng keo, cây ăn quả, chị Nhi còn nuôi gối vụ khoảng 100 con heo ky, thả nuôi hơn 100m2 ốc bươu đen. Hiện nay, trang trại tổng hợp của chị đang tạo việc làm cho 30 lao động ở địa phương, với mức thu nhập bình quân khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, chị Nhi còn nhận thu mua nông sản của người dân. Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, mỗi năm sau khi trừ hết chi phí, chị Nhi có nguồn thu nhập khoảng 400 triệu đồng từ mô hình kinh tế tổng hợp của mình.

Cầm tấm Bằng khen được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khen tặng "Nông dân Việt Nam xuất sắc" vào năm 2022, ông Nguyễn Hoài, ở thôn Nam Bình 2, xã Bình Nguyên (Bình Sơn) rạng rỡ niềm vui. Từ một nông dân có xuất phát điểm khó khăn, nhưng với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, ông Hoài đã không ngừng học hỏi, kiên trì lao động, nhằm tích lũy tiền đầu tư mở rộng sản xuất. Nhận thấy lĩnh vực kinh doanh thức ăn gia súc và thuốc thú y có nhiều lợi thế để phát triển, ông Hoài đã quyết định làm đại lý trong lĩnh vực này và xây dựng chuồng trại để nuôi heo theo hướng công nghiệp. Từ số lượng nhỏ lẻ ban đầu, đến nay ông đã đầu tư mở rộng chuồng trại nuôi heo khép kín, với khoảng 200 con heo nái lấy giống nuôi thương phẩm. Nhờ đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi heo, mỗi năm, ông Hoài có lãi gần 1 tỷ đồng.

Hiện nay, trang trại của ông Hoài đang tạo việc làm cho 7 lao động, với mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng. Ông còn thành lập câu lạc bộ chăn nuôi cùng sở thích, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với nông dân để cùng nhau phát triển sản xuất. Cùng với đó, bằng tấm lòng nhân ái của mình, ông luôn nhiệt tình giúp đỡ những hộ nghèo và những người ốm đau, tai nạn đột xuất ở địa phương, động viên họ vượt qua khó khăn trước mắt.

Chung sức xây dựng quê hương

Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng khi chính quyền địa phương phát động phong trào hiến đất mở đường, anh Đinh Văn Tăng, ở thôn Nước Kỉa, xã Sơn Tinh (Sơn Tây) đã nhiệt tình hiến hơn 600m2 đất của gia đình. Sải bước trên con đường bê tông khang trang, anh Tăng vui vẻ cho biết, đất đai là tài sản lớn của nhiều người, với tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng vì lợi ích chung, nên tôi tự nguyện tháo dỡ hàng rào, chặt phá keo, cau để hiến đất mở rộng đường đi. “Từ ngày con đường được bê tông khang trang, không chỉ giúp việc đi lại, vận chuyển nông sản dễ dàng, mà phần nào làm thay đổi nếp sống, cách nghĩ của người dân. Thấy được lợi ích đó, nên đã có nhiều nông dân mạnh dạn hiến đất để xây dựng quê hương”, anh Tăng chia sẻ.

Con đường bê tông khang trang do anh Đinh Văn Tăng (bên trái), ở thôn Nước Kỉa, xã Sơn Tinh (Sơn Tây) hiến đất để địa phương xây dựng.
Con đường bê tông khang trang do anh Đinh Văn Tăng (bên trái), ở thôn Nước Kỉa, xã Sơn Tinh (Sơn Tây) hiến đất để địa phương xây dựng.

Mấy tháng qua, người dân ở thôn Làng Đèo, xã Sơn Trung (Sơn Hà) rất vui mừng khi con đường dẫn lên núi Nước Rủ đã được mở rộng khang trang. Có được điều đó là nhờ sự đóng góp không nhỏ của những người tiên phong hiến đất, trong đó có anh Đinh Văn Bỉa. Anh Bỉa đã hiến hơn 400m2 đất rẫy để chung sức mở rộng đường, nhờ đó giúp vận chuyển keo, mì dễ dàng, tiết kiệm được chi phí, nhân công lao động. Anh Bỉa cho hay, trước đây muốn lên núi thì phải đi bộ, chẳng thể đi xe máy, xe tải thuận tiện như bây giờ. Giờ có con đường, chúng tôi sản xuất thuận lợi, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Trần Ngọc Vinh, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, tổ chức các chuyên đề học Bác với nhiều hình thức phù hợp, đưa việc học tập và làm theo lời Bác trở thành việc làm thường xuyên, tự giác trong các cấp hội và cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh. Từ đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nông dân năng động, vượt khó làm giàu và tích cực chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nhiệm kỳ 2018 - 2023, bình quân hằng năm, toàn tỉnh có hơn 73,5 nghìn hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Có 10 nông dân được đề cử tham gia Chương trình Tự hào nhà nông; 5 nông dân có sáng kiến, giải pháp tham gia Hội thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và trung ương; 1 nông dân được tôn vinh Nhà khoa học của nhà nông; 5 nông dân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Cùng với đó, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, 5 năm qua, nông dân trên địa bàn tỉnh đã hiến hơn 443 nghìn mét vuông đất, đóng góp trên 86,6 tỷ đồng và hơn 350 nghìn ngày công lao động. Thực hiện duy tu, bảo dưỡng và làm mới hơn 155 nghìn kilômét đường giao thông nông thôn; 102 cầu cống, hơn 155 nghìn kilômét kênh mương nội đồng được kiên cố hóa, sửa chữa...

 

Bài, ảnh: HẢI CHÂU

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

 

Xuất bản lúc: 17:16, 10/08/2023

Ý kiến bạn đọc


.