Nói đến Tết ngoài đào, mai hay lọ hoa chơi Tết còn có nhiều thứ đã trở thành truyền thống của người Việt, trong đó ẩm thực phục vụ Tết là một điều rất quan trọng. Một trong những món ẩm thực không thể thiếu vào dịp này đó là bánh chưng xanh.
Không rõ chính xác bánh chưng có từ khi nào, chỉ biết rằng cho đến nay đây là loại bánh có lịch sử lâu đời nhất được sử sách ghi lại. Sự xuất hiện của bánh chưng gắn với truyền thuyết về hoàng tử Lang Liêu vào đời vua Hùng thứ 6. Theo quan niệm của người xưa, cùng với bánh giầy, bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ. Bánh có màu xanh lá cây, hình vuông được coi là đặc trưng cho đất còn bánh giầy hình tròn tượng trưng cho trời. Bánh chưng cũng là một nét văn hóa truyền thống của người dân Việt nhằm thể hiện lòng biết ơn đối với ông cha, cội nguồn và đất trời.
Trước kia mỗi độ xuân về, việc chuẩn bị bánh chưng là một trong những việc quan trọng nhất cũng là vui nhất với mọi gia đình. Bởi không chỉ đơn giản là một món ăn truyền thống, các công đoạn chuẩn bị gói bánh chưng và luộc bánh chưng cũng đã trở thành một nét văn hóa đẹp của người Việt.
Các gia đình đông con cháu phải chuẩn bị trước đó cả tháng trời để có được một nồi bánh chưng đầy đủ cho cả nhà. Mọi công đoạn của việc chuẩn bị làm bánh được chia đều cho người lớn trẻ nhỏ, người lớn thì đãi đỗ, vo gạo, ướp thịt, lũ trẻ con thì rửa lá dong rồi cả nhà cùng quây quần ngồi gói bánh.
Ngày nay, xã hội phát triển, cuộc sống ngày càng hiện đại và đơn giản hóa các hình thức lễ tiết truyền thống. Các dịch vụ khiến con người ta đâm “lười” trong việc chuẩn bị Tết, bánh chưng bây giờ không mấy nhà gói mà chọn giải pháp mua sẵn, thế nhưng việc gói và luộc bánh chưng vẫn là một trong những nét truyền thống được nhiều người nhớ đến và ghi sâu trong tâm trí, thế nên dân gian ta có câu “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều gia đình muốn con em mình biết các nghi lễ và tục lệ truyền thống vẫn thường tổ chức gói bánh chưng. Những gia đình thưa người thì rủ mấy nhà lại cùng làm để đủ một mẻ luộc bánh, vừa vui vừa đảm bảo chất lượng lại vừa gần gũi, ấm cúng.
Mặc dù là một món ăn dân dã thế nhưng việc có được một chiếc bánh chưng ngon không hề đơn giản chút nào. Đầu tiên là khâu chuẩn bị lá dong, nên chọn lá không to quá cũng không nhỏ quá, lá không non quá mà cũng đừng già quá. Lá nhìn phải bóng, xanh đậm, cuống nhỏ. Khi chọn được lá ưng ý, đem rửa sạch sẽ, phơi chỗ thoáng gió. Không phơi quá khô mà chỉ cần ráo nước là được, nhiều nhà còn cẩn thận chuẩn bị cả những khăn sạch để lau khô lá. Tiếp đến là chọn gạo nếp, muốn chọn gạo ngon phải chọn loại nếp mùa, hạt bóng mẩy và đều nhau. Gạo ngâm khoảng 10 - 12 giờ bằng nước lạnh sau đó vo qua, để ráo nước và xóc muối trắng lượng vừa phải cho thêm vị đậm đà. Đặc trưng của bánh là vị mặn của gạo, vị thơm của đỗ, vị béo của thịt… vì vậy để bánh ngon cần chú ý cho lượng muối vừa đủ với số lượng gạo và đồng đều với đỗ, thịt. Sau gạo là đỗ xanh, đỗ xanh đã tách đôi, đem ngâm nước lạnh khoảng 8-10 tiếng, sau đó đãi cho sạch vỏ, để ráo nước. Màu vàng óng của hạt đỗ tượng trưng cho một năm mới tràn trề tài lộc, thịnh vượng. Tâm bánh có cả thịt nạc cả mỡ, để có được nhân bánh thật ngon thì thịt cần ướp với hành khô bóc sạch vỏ, thái nhỏ, hạt tiêu tự xay và gia vị. Người xưa quan niệm rằng thịt cần có cả nạc cả mỡ bởi mỡ để cho bánh béo ngậy như sự khỏe mạnh của gia chủ, nạc đỏ hồng mang nhiều niềm vui cho năm mới.
Sau khi chuẩn bị hết các nguyên liệu làm bánh là đến công đoạn gói bánh, nhìn các bà các mẹ gói bánh thoăn thoắt thấy đơn giản nhưng khi bắt tay vào sẽ thấy để có được chiếc bánh vuông vức không hề dễ chút nào. Riêng việc chọn lạt để gói bánh cũng đã cho thấy sự cầu kỳ, tỉ mẩn đòi hỏi sự kiên trì của người gói bánh. Lạt phải chọn những đốt giang dài từ 70-90 cm, cạo vỏ ngoài, sau đó chẻ từng miếng đều nhau. Nên ngâm ống giang trước khi chẻ để có độ mềm, còn khi chẻ thành lạt thì phơi khô để khi gói bánh sẽ chắc tay, mềm và dễ buộc. Người có kinh nghiệm thì gói bằng tay, xưa kia thì các cụ nhà ta đều gói tay nhưng nay đã có thêm khuôn cho những người ít kinh nghiệm dễ thực hiện. Một chiếc bánh cho khoảng 5 – 6 lá dong, còn gạo và nhân bánh tùy thuộc vào độ lớn của chiếc bánh cần gói. Bánh gói làm sao phải kín, vuông, đều, đẹp, rền. Khi bóc, bánh có màu xanh của lá dong, vị thơm ngon của đậu xanh, thịt, hạt tiêu, vị vừa ăn.
Bánh sau khi gói xong thì đến công đoạn luộc bánh, cảm giác cả nhà quây quần xum tụ bên nồi bánh chưng được nấu bằng bếp củi, vừa chờ bánh chín vừa chuyện trò đã trở thành một hình ảnh đẹp và rất đỗi thân thương với mỗi người dân Việt. Bánh ngon phải đảm bảo luộc đủ 12 giờ, có như vậy thì bánh mới chín, đảm bảo không bị “lại gạo” và bị sượng.
Vẫn biết cuộc sống hiện đại bận rộn và nhiều mối lo toan, gần ngày Tết qua siêu thị hoặc chợ mua vài chiếc bánh để đủ mâm cơm Tết cũng đã là tốt rồi nhưng khi cả gia đình cùng nhau chuẩn bị gói bánh, làm cho cái Tết trở nên ấm cúng, hạnh phúc và gắn kết cũng là một lý do để chúng ta duy trì nét văn hóa truyền thống này.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch