Ông: LÊ VIẾT CHỮ
Sinh ngày: 20. 01. 1963 Quê quán: Xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi Dân tộc: Kinh Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Đại học Hàng hải Lý luận chính trị: Cao cấp Chức vụ hiện nay: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi. |
Tôi rất vui mừng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị, được cử tri nơi công tác, nơi cư trú tín nhiệm và được Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Ngãi hiệp thương thống nhất giới thiệu tham gia ứng cử ĐBQH khóa XIV. Trước tiên, tôi xin phép được gửi đến toàn thể cử tri lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công...
Tôi nhận thức sâu sắc rằng, việc được đề cử vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Trung ương là niềm vinh dự lớn lao, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm to lớn; đòi hỏi bản thân phải phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn nữa mới đáp ứng được sự tin tưởng, kỳ vọng và nhiệm vụ mà cử tri giao phó. Được cử tri tín nhiệm bầu vào Quốc hội khóa XIV, tôi sẽ tập trung làm tốt những nội dung sau:
Thứ nhất, trong suy nghĩ và hành động, luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, tất cả vì lợi ích của nhân dân, dựa vào dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và nguồn lực của nhân dân. Vì thế, tôi cam kết thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc tiếp xúc cử tri theo đúng quy định. Với trách nhiệm là người đứng đầu Tỉnh ủy, tôi sẽ thường xuyên đối thoại trực tiếp với nhân dân, kịp thời giải quyết theo thẩm quyền những vấn đề nhân dân yêu cầu và kiến nghị, đưa ý chí, nguyện vọng chính đáng, hợp lý của nhân dân vào chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ hai, kiến nghị Quốc hội xây dựng cơ chế, chính sách để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; khắc phục các tồn tại, hạn chế như đã nêu, xóa bỏ các rào cản đối với sự phát triển; bảo đảm thực hiện đạt kết quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; trong đó:
1. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với hệ thống pháp luật đồng bộ, chất lượng; xây dựng môi trường đầu tư thực sự công khai, minh bạch, có khả năng cạnh tranh cao; phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực xã hội và sức sáng tạo trong nhân dân để phát triển kinh tế...; giải quyết tốt các vấn đề về ứng phó biến đổi khí hậu.
2. Tăng cường năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước; xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; một cơ quan thực hiện nhiều chức năng, nhưng một chức năng chỉ có một đơn vị chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm, khắc phục tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm phổ biến hiện nay...; tạo sự cạnh tranh trong từng vị trí việc làm trong bộ máy nhà nước...
3. Thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững; quan tâm công tác đền ơn đáp nghĩa, chính sách đối với đối tượng có công cách mạng.
4. Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại; thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nhất là chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thứ ba, kiến nghị Quốc hội và chính quyền tỉnh Quảng Ngãi có cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trong đó:
1. Về phát triển công nghiệp, sớm thực hiện và hoàn thành dự án Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất lên 8,5 triệu tấn/năm và các dự án liên quan đến lĩnh vực dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại Quảng Ngãi; chú trọng thu hút các dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các dự án có công nghệ hiện đại, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh...
2. Về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tập trung phát triển hạ tầng giao thông và đô thị, sử dụng vốn đầu tư Nhà nước, đầu tư những công trình giao thông và đô thị trọng điểm, có sức lan tỏa lớn, nhất là các công trình trên địa bàn TP.Quảng Ngãi... đẩy mạnh hình thức hợp tác công tư... huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng...
3. Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, rà soát, đánh giá đúng thực trạng chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh; bảo đảm đào tạo gắn với sử dụng; có chính sách tuyển chọn học sinh, sinh viên giỏi, xuất sắc của tỉnh, nhất là con em nông dân, công nhân vượt khó học giỏi để cử đi đào tạo đại học, thạc sĩ nước ngoài, tạo nguồn lao động chất lượng phục vụ xây dựng, phát triển tỉnh nhà...
4. Tập trung thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; bố trí kinh phí để thực hiện dồn điền đổi thửa, hỗ trợ giống, kỹ thuật, công nghệ cho nông dân thực hiện sản xuất lớn gắn với thị trường tiêu thụ ở những nơi có điều kiện; hỗ trợ ngư dân nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ; huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới theo hướng hiệu quả và phát triển bền vững, không chạy theo hình thức, thành tích.
5. Phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển đảo; ưu tiên các dịch vụ tiện ích phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị như dịch vụ tài chính, ngân hàng, vận tải; tạo môi trường để người dân tham gia và làm giàu từ dịch vụ du lịch, nhất là du lịch sinh thái ở khu vực miền núi, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo ở Bình Châu, Mỹ Khê, Sa Huỳnh và đảo Lý Sơn.
6. Giải quyết tốt các vấn đề văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; chăm lo sự nghiệp giáo dục; nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân; chú trọng bảo đảm TTATXH, quốc phòng - an ninh, nhất là an ninh trên biển...
7. Tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém đã và đang là lực cản đối với sự phát triển của tỉnh. Đó là, Quy hoạch chưa đồng bộ, thiếu khả thi... sự yếu kém của bộ máy nhà nước; tình trạng sinh viên không có việc làm...
Thông qua Chương trình hành động này, tôi rất mong nhận được sự ủng hộ, tín nhiệm của cử tri./.