Những thước phim "đánh B52"

06:12, 26/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Theo lời mời của nhà thơ Thanh Thảo, ông có mặt tại Quảng Ngãi. “Cho tôi đi viếng mộ Cụ Huỳnh, thăm chỗ làm việc của Cụ nhé?”, ông đề nghị. Từ chuyện Cụ Huỳnh ở Quảng Ngãi những năm đầu chống Pháp, ông chuyển sang chuyện đánh B52 giữ Thủ đô Hà Nội 50 năm trước. Ông là đạo diễn Phạm Việt Tùng  - tác giả của nhiều bộ phim tài liệu nổi tiếng, trong đó có "Hà Nội - Điện Biên Phủ".
 
[links()]
 
Nghe tôi gợi lại chuyện về cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của không quân Mỹ vào Hà Nội, đạo diễn Phạm Việt Tùng hào hứng hẳn. Kỷ niệm chợt ùa về từ 50 năm trước. Đã nửa thế kỷ trôi qua mà người đàn ông đã 85 tuổi này vẫn không quên bất cứ một chi tiết nào. Có lẽ, trong đời làm nghề của mình, chưa bao giờ đạo diễn Phạm Việt Tùng lại tác nghiệp trong một hoàn cảnh ngặt nghèo như thế: Vừa thiếu thốn máy móc để ghi hình, vừa phải bảo vệ mạng sống giữa đạn bom ngút trời suốt 12 ngày đêm như thế.
 
Ở Hòa Bình ghi cảnh chiến tranh
 
Hình ảnh về máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc thì nhiều, nhưng ghi được cảnh B52 rơi giữa lòng Hà Nội cuối năm 1972 thì chỉ có một. Trước khi chiếc B52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp thuộc làng hoa Ngọc Hà đêm 27/12/1972, nó kịp để lại một quầng lửa khổng lồ ở phía đàng đuôi. Người ghi được cảnh ấy là nhà quay phim  - đạo diễn Phạm Việt Tùng. Đối với một người quay phim tài liệu trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ thứ lúc bấy giờ, ghi lại được cảnh ấy quả là hiếm hoi. “Tôi chỉ là người ăn may mà thôi”, ông Tùng luôn khiêm tốn nói về mình như thế mỗi khi có ai đó khen ông tài giỏi vì ghi được cảnh máy bay B52 rơi.
 
Dàn tên lửa từng hạ pháo đài bay B52 được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không - Không quân (Hà Nội).     Ảnh Trần Đăng
Dàn tên lửa từng hạ pháo đài bay B52 được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không - Không quân (Hà Nội). Ảnh Trần Đăng
“Cuộc không kích bằng B52 vào Hà Nội mở đầu vào đêm 18/12/1972, nhưng phải đến khuya 27/12, tôi mới ghi được cảnh ấy sau 10 đêm thức trắng, mật phục trên tầng 4 của một khách sạn có tên Hòa Bình”, ông Tùng mở đầu câu chuyện về cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của không quân Mỹ vào Hà Nội và khoảnh khắc “để đời” của một nhà quay phim tài liệu trong chiến tranh như thế.
 
Đạo diễn Phạm Việt Tùng sinh năm 1938 tại Hà Nội, hiện định cư tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa). Phim tài liệu “Hà Nội - Điện Biên Phủ” nói về cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Hoa Kỳ vào Hà Nội cuối năm 1972. Đạo diễn Phạm Việt Tùng được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012.

Ông Tùng kể, ngày ấy ông thuộc biên chế của Đài Tiếng nói Việt Nam nhưng chuyên đi quay phim tài liệu. Khi nghe Mỹ chuẩn bị ném bom Hà Nội, lãnh đạo Đài giao nhiệm vụ là phải ghi cho được hình ảnh máy bay B52 cháy trên bầu trời Thủ đô “để Mỹ hết đường chối cãi”. Nhưng kẹt nỗi, lãnh đạo Đài không cho phép phóng viên lên nóc nhà của trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam, ở số 58 Quán Sứ để ghi hình. Ông Tùng rủ ông Nguyễn Đắc Lương - phụ quay, sang tòa nhà 4 tầng của khách sạn Hòa Bình, vị trí cao nhất của Hà Nội lúc ấy để ghi hình. Bấy giờ có 2 người Mỹ, một ông nghị sĩ và một cô ca sĩ cũng lưu trú tại đây. Họ qua Việt Nam để “động viên tinh thần” số phi công Mỹ đang tạm giam ở Hỏa Lò. Cứ nghe còi báo động vang lên, thì tất cả mọi người đều chạy xuống hầm ở tầng trệt để núp, trong khi 2 anh quay phim thì chạy ngược lên sân thượng của tòa nhà. Hai người Mỹ này rất ngạc nhiên cho hành động “kỳ quặc” đó.

 
Sau 10 đêm “chạy lên chạy xuống” như thế mà chưa ghi được cảnh nào về máy bay bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội, ông Tùng hạ quyết tâm là ngồi luôn trên tháp nước của tòa nhà từ chiều cho đến hết đêm, trong tư thế sẵn sàng bấm máy. Hai người phân công nhau: Ông Lương nhìn về hướng Ngọc Hà, ông Tùng nhìn hướng phà sông Hồng, máy thì đang ghi cảnh “đỏ trời” của lưới lửa phòng không. Chợt ông Lương thốt lên: “Nó cháy kìa anh Tùng!”. Ông Tùng chẳng thèm “cắt cảnh” mà để máy đang ở chế độ ghi hình, lia luôn về hướng có quả cầu lửa khổng lồ đang rơi về hướng Ngọc Hà. Ghi xong cảnh ấy, ông Tùng nói với bạn đồng nghiệp: “Về thôi Lương. Được rồi đấy!”. Đó chính là cảnh máy bay B52 rơi mà Đài Truyền hình VN vẫn hay phát lại mỗi dịp liên quan đến sự kiện 12 ngày đêm “đánh B52” ở Hà Nội.
 
Rối nước cũng “đánh B52”
 
Ở làng Đào Thục, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội có một đội múa rối nước, diễn ngay tại đình làng. Khách Tây khách ta gì xem chật cứng mỗi khi đội rối nước hoạt động, nhất là vở “đánh B52”. Tác giả vở rối nước ấy là ông Đinh Thế Văn, nguyên tiểu đoàn trưởng bộ đội tên lửa trong chiến dịch 12 ngày đêm Hà Nội năm 1972. Để dựng lại “không khí chiến tranh” như thế, ông Văn đã đầu tư rất nhiều công sức vào vở diễn này. Là truyền nhân của làng rối nước 300 năm tuổi, lại là người chỉ huy trực tiếp bắn rơi B52 trên bầu trời Hà Nội, chỉ có thể là Đinh Thế Văn chứ không ai khác mới dựng được vở diễn một cách sinh động như thế.
 
Đạo diễn Phạm Việt Tùng và xác chiếc máy bay B52 rơi ở Ngọc Hà, ông từng ghi lại vào năm 1972.                                    Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Đạo diễn Phạm Việt Tùng và xác chiếc máy bay B52 rơi ở Ngọc Hà, ông từng ghi lại vào năm 1972. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Đạo diễn Phạm Việt Tùng nhớ lại: “Hay tin Tiểu đoàn 77 bộ đội tên lửa bắn rơi B52, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp có mặt ngay trận địa để động viên bộ đội. Tôi đi ghi hình chuyến thăm này mà lòng hồi hộp vì những ngày trước đó, cả Hà Nội râm ran tin về một vị tiểu đoàn trưởng bộ đội tên lửa có sáng kiến độc đáo để bắn rơi B52. Hình dung trong đầu tôi, đó phải là một vị chỉ huy oai phong, miệng hét ra lửa chứ đâu có nghĩ anh ấy hiền lành chất phác thế này”. Hôm gặp ông Văn tại nhà riêng ở làng Đào Thục, tôi có hỏi ông phương pháp bắn “vượt trước nửa góc” là như thế nào? Ông cười nói: “Nói thế này để nhà báo dễ hình dung, là bắn đón đầu như trẻ con ở quê bắn chim đang bay vậy”.
 
Vở rối nước “đánh B52” ở làng Đào Thục bây giờ như một bảo tàng sinh động nhất kể về một trong những chiến công lẫy lừng thời cha ông đánh giặc.
 
Cuộc gặp gỡ sau 40 năm
 
Bắn chiếc máy bay B52 rơi ở Ngọc Hà là Tiểu đoàn 72 do Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt chỉ huy. Cảnh máy bay rơi ngày ấy được phát đi phát lại hàng trăm lần, nhưng tác giả phim thì lại chưa một lần gặp mặt “tác giả” cú bấm nút tên lửa. Phải đến 40 năm sau, ông Tùng mới tìm về Hải Dương để gặp Phạm Văn Chắt, do ông Đinh Thế Văn “dắt mối”!
 
Hai Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt (bên trái) và Đinh Thế Văn từng chỉ huy bắn rơi B52.                                       Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Hai Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt (bên trái) và Đinh Thế Văn từng chỉ huy bắn rơi B52. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Hai ông tiểu đoàn trưởng từng bắn rơi B52 và một ông đạo diễn ghi cảnh máy bay rơi, gặp nhau sau 40 năm, khi cả 3 đã bước qua tuổi 75 mà vẫn “nổ” rầm trời như thời lưới lửa phòng không năm 1972 giữa lòng Hà Nội. Cả 2 ông cựu binh tóc bạc da mồi, miệng thì móm mém hết cả nhưng vẫn “mày - tao” như cái thuở họ còn trong quân ngũ. Tôi đã chứng kiến cuộc gặp gỡ hy hữu này trên đất Hải Dương - quê ông Phạm Văn Chắt và thấy lòng mình như chùng lại khi biết rằng sau 40 năm, họ mới tìm thấy nhau.
Ba cựu binh ngồi nhắc chuyện xưa với tất cả sự sôi nổi của một thuở thanh xuân, như chưa hề có cuộc chiến tranh tàn khốc từng ngang qua đời họ.
 
TRẦN ĐĂNG
 

.