(Baoquangngai.vn)- Đó là những chia sẻ của Giám đốc Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) Ngô Văn Tụ khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Quảng Ngãi điện tử về việc đưa Vinasoy lọt vào top 5 nhà sản xuất sữa đậu nành lớn nhất thế giới, đồng thời Vinasoy mong muốn đầu tư một cách lâu dài và bền vững cho nông nghiệp Việt Nam.
PV: Theo kết quả báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường The Nielsen Việt Nam, Vinasoy tiếp tục dẫn đầu thị trường sữa đậu nành hộp giấy trong nước với thị phần 84,2%. Ông có thể chia sẻ về những thành công ấn tượng này?
Ông Ngô Văn Tụ: Cũng rất mừng là nhờ sự ủng hộ của người tiêu dùng, trong năm 2015, Nhà máy sữa đậu nành Vinasoy tiếp tục có bước phát triển với tốc độ tăng trưởng 25% về sản lượng so với năm 2014. Trong khi đó, theo nghiên cứu của The Neilsen Việt Nam, mức tăng bình quân toàn ngành hàng FMCG chỉ khoảng 4%.
Cũng trong 2015, chúng tôi nâng công suất giai đoạn 2 nhà máy tại Bắc Ninh lên gấp đôi. Cùng với nhà máy tại Quảng Ngãi đang hoạt động, tổng công suất của công ty là 300 triệu lít mỗi năm.
Đồng thời, theo kết quả báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường The Nielsen Việt Nam công bố tháng 12.2015, chúng tôi tiếp tục dẫn đầu thị trường sữa đậu nành hộp giấy trong nước với thị phần 84,2%.
Ngày 18.3 vừa qua, chúng tôi khởi công xây dựng nhà máy thứ ba của Công ty tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) 2A (Bình Dương). Dự kiến, sau khi nhà máy tại Bình Dương hoàn thành giai đoạn 1, tổng công suất của Vinasoy đạt mức 390 triệu lít/năm, từ đó đáp ứng nhanh chóng và kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam về sản phẩm dinh dưỡng lành.
Hiện tại, Vinasoy lọt vào top 5 nhà sản xuất sữa đậu nành lớn nhất thế giới. Đây là kết quả đáng tự hào đối với một doanh nghiệp Việt Nam chỉ tập trung duy nhất với sản phẩm sữa đậu nành.
|
Giám đốc Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) Ngô Văn Tụ |
- Với những kết quả đạt được trong năm qua, và tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng 2 con số, chiến lược kinh doanh sắp tới của công ty là gì?
- Ông Ngô Văn Tụ: Để tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng là 2 con số, trong năm 2016 Vinasoy phải tiếp tục có những sáng tạo mới trong việc đa dạng hóa các sản phẩm từ đậu nành để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.
Mặt khác, đậu nành là sản phẩm truyền thống của Việt Nam từ rất lâu đời. Tuy nhiên, để người tiêu dùng thấu hiểu hơn những phẩm chất đặc biệt quý giá của đậu nành, với vị trí là đơn vị dẫn đầu trong ngành hàng, thì Vinasoy sẽ tiếp tục truyền thông và quảng bá một cách xác thực giá trị dinh dưỡng của đậu nành, tính an lành của đậu nành để người tiêu dùng thấu hiểu hơn, thông thái hơn và cảm nhận được tốt hơn để tăng mức độ tiêu thụ sữa đậu nành nhiều hơn.
PV: Thưa ông, để đảm bảo mở rộng hơn nữa nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất thì công ty có những giải pháp như thế nào?
Ông Ngô Văn Tụ: Để phát triển vùng nguyên liệu một cách bền vững thì Vinasoy đã đầu tư 8 năm trước và vào năm 2013, Vinasoy đã liên kết với 2 trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Mỹ là: Trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học đậu nành quốc gia Hoa Kỳ - Đại học Missouri (National Center for Soybean Biotechnology - NCSB) và Trung tâm Nghiên cứu đậu nành quốc gia Hoa Kỳ - Đại học Illinois (National Soybean Research Laboratory - NSRL). Thông qua sự hợp tác này, trong suốt 3 năm qua Vinasoy đã tiến hành nghiên cứu về giống đậu nành, kỹ thuật canh tác và điều kiện cơ giới hóa.
Dự kiến, đến cuối năm 2017, Vinasoy sẽ cho ra giống đậu nành mới, phẩm chất tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại Việt Nam, đáp ứng được các nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm đậu nành. Cùng với kỹ thuật canh tác và cơ giới hóa, hy vọng rằng, năng suất sản xuất đậu nành gấp đôi so với hiện tại, tức là khoảng 3 tấn/ha. Với năng suất này, thì người nông dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Để tạo ra bước đệm, vào cuối năm 2015, Vinasoy đã tổ chức một hội thảo quốc tế về "Áp dụng công nghệ cao trong sản xuất đậu nành tại Tây Nguyên".
Vấn đề quan trọng để phát triển vùng nguyên liệu bền vững là làm sao nâng cao được năng suất đậu nành và tăng được chất lượng và giá trị của hạt đậu nành. Bởi mỗi loại sản phẩm yêu cầu các loại đậu nành khác nhau, chính vì vậy cần đa dạng hóa các loại đậu nành.
Có thể nói, sự kết hợp với 2 trung tâm nghiên cứu hàng đầu của thế giới tạo điều kiện cho Vinasoy có điều kiện áp dụng được công nghệ tốt nhất và tiên tiến nhất ở trên thế giới vận dụng vào trong điều kiện của Việt Nam. Tôi nghĩ, cách đầu tư vào vùng nguyên liệu như thế sẽ lâu dài và bền vững. Song, nó cũng đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc trong vấn đề đầu tư khi áp dụng công nghệ mới.
|
Nhờ sự ủng hộ của người tiêu dùng, Nhà máy sữa đậu nành Vinasoy tiếp tục có bước phát triển với tốc độ tăng trưởng ấn tượng |
PV: Vậy người dân hưởng lợi từ việc phát triển vùng nguyên liệu Nhà máy sữa đậu nành Vinasoy cụ thể như thế nào, thưa ông?
Ông Ngô Văn Tụ: Như tôi đã trình bày, khi mà có được giống đậu nành mới, quy trình canh tác phù hợp và thực hiện trong điều kiện cơ giới hóa, với năng suất được kỳ vọng tăng lên tối thiểu là 2 lần thì thu nhập của người dân sẽ cao hơn. Khi đó người dân sẽ gắn kết và đồng hành với sự phát triển Vinasoy.
Tuy nhiên trước mắt, điều quan trọng nhất là làm sao thu hút được nông dân- đây là một thách thức lớn khi mà Vinasoy muốn đầu tư một cách lâu dài và bền vững cho nông nghiệp. Chứ làm mà thông qua trợ giá, thì thực ra nó không bền vững.
Bên cạnh đó, khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch, Vinasoy cũng phải đầu tư để làm sao mua một cách kịp thời và người nông dân hợp tác với mình thì mới trọn vẹn. Bởi, nếu mà khâu chế biến và bảo quản sau thu hoạch không được coi trọng thì việc đầu tư chưa được trọn vẹn.
Xin cảm ơn ông!
M.Toàn-N.Đức (Thực hiện)